Nguy hiểm từ sữa giả, sữa lậu đội lốt “xách tay”
VOV.VN - Theo khảo sát của chúng tôi, sữa ngoại “xách tay” từ Nhật Bản, Australia, Pháp, Nga, Mỹ… được rao bán tràn lan trên mạng.
Đánh vào tâm lý sính ngoại của người dùng, nhiều cơ sở tung ra thị trường các sản phẩm hàng nhái, hàng giả đội lốt hàng “xách tay” để đánh lừa người dùng.
Nhộn nhịp “xách tay”
Với quan niệm sữa ngoại được sản xuất ở nước ngoài có tiêu chuẩn khắt khe nên tốt hơn sữa nội khiến nhiều người tin tưởng và quyết tìm mọi cách mua cho bằng được sữa ngoại “xách tay”.
Không ai có thể khẳng định sữa ngoại “xách tay” có đảm bảo chất lượng hay không. |
Đa số người dùng cho rằng “tiền nào của nấy”, sữa càng đắt tiền càng tốt. Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định sữa ngoại “xách tay” có đảm bảo chất lượng hay không. Bởi phần lớn, sữa “xách tay” được đưa vào Việt Nam thông qua du lịch và “xách tay” đường tiểu ngạch nhưng với số lượng rất hạn chế.
Lợi dụng tâm lý sính ngoại của người dân nên một lượng lớn sữa ngoại không rõ nguồn gốc đã tràn vào Việt Nam dưới hình thức “hàng xách tay”, đặc biệt tai hại hơn là nạn sữa giả, sữa nhái đang xuất hiện nhiều nơi.
Chị Trần Nga, chủ một đại lý sữa trên đường Tô Hiệu (Hà Nội) cho hay, hiện nay, sữa ngoại về Việt Nam chủ yếu theo 3 đường: Nhập khẩu nguyên lon, nhập khẩu nguyên liệu đóng lon và “xách tay”. Trong 3 đường trên, “xách tay” là con đường được nhiều người ưa chuộng nhưng lại ẩn chứa nhiều rủi ro nhất bởi nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng.
Trong khi đó sữa “xách tay” theo đường du lịch chỉ như “muối bỏ biển” so với nhu cầu sữa của thị trường. Vì nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, nên dễ bị các loại sữa giả, sữa kém chất lượng trà trộn. Có rất nhiều sản phẩm được dán mác sữa bột các hãng nổi tiếng nhưng lại được “xách tay” từ Trung Quốc về.
TS. Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, nhiều người quan niệm hàng “xách tay” mới là “hàng ngoại xịn”. Nhưng thực tế, hàng “xách tay” khó đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng… Hội đã nhận được nhiều khiếu nại về chất lượng sữa “xách tay”, nhưng do hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn rõ ràng nên rất khó để bảo vệ quyền lợi.
Nguy cơ tiềm ẩn
Rất nhiều vụ sữa giả, lậu đã bị cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua. Cụ thể là vụ công an TP.HCM đã phát hiện cơ sở sản xuất của Lê Tấn Phước tại xã Vĩnh Lộc A huyện Bình Chánh làm giả sữa ngoại dành cho trẻ bằng đường hóa học, bột sữa, chất tạo béo và hương liệu từ Trung Quốc. Quy trình sản xuất sữa của Phước là cho đường ngọt, đường nhạt, bột sữa, bột béo vào máy trộn đều rồi đóng gói và dán tên các hãng sữa có thương hiệu. Khi hoàn thành sản phẩm, Phước lên mạng quảng cáo là sữa “xách tay”.
Mới đây, công ty Meiji Nhật Bản vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng của Việt Nam cảnh báo sữa Meiji nhập khẩu từ Nhật Bản đang bán trên thị trường Việt Nam không đạt chuẩn và có nguy cơ là hàng giả. Ngoài ra, công ty cũng cảnh báo, chất lượng sữa Meiji Nhật nội địa khi đem về Việt Nam không rõ ràng hạn sử dụng và chất lượng không được bảo quản đúng cách nên có nguy cơ gây hại cho sức khoẻ của người dùng.
Theo các chuyên gia, hiện nay hàng giả, hàng nhái thường được làm từ sản phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng rồi phù phép thành hàng “xách tay” bán cho người dùng.
Công thức sản xuất của hầu hết các sản phẩm sữa giả này là đường hóa học (đường nhạt, đường ngọt), bột sữa, chất tạo béo, hương liệu đều có nguồn gốc từ Trung Quốc rồi trộn đều và đóng hộp, dán các nhãn hiệu nổi tiếng thành sữa “xách tay”. Thậm chí, các sản phẩm này còn được trộn thêm hương mùi sữa, chất đạm, chất béo giả được mua trôi nổi ở chợ hóa chất để tăng độ “y như thật”.
Hơn nữa, những sản phẩm này hoàn toàn không qua quá trình tiệt trùng, máy hút chân không, tia cực tím hay bất cứ quy trình kiểm nghiệm nào. Chính vì thế, chỉ có người sản xuất mới biết rõ được đấy là sữa thật hay giả, còn người tiêu dùng, thậm chí ngay cả người bán cũng dễ dàng bị lừa nếu như không hiểu rõ nguồn hàng.
Bên cạnh đó, sự thiếu kiểm soát của các cơ quan chức năng đối với hàng “xách tay” trôi nổi trên thị trường khiến cho mặt hàng sữa “xách tay” càng thêm “nhốn nháo”. Hệ quả là không những NTD bị móc túi một lượng tiền lớn mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ, chế độ dinh dưỡng và quá trình phát triển của con trẻ./.