Nhiều hộ dân ở bản Co Sáy (Sơn La) chủ quan khi bị chó dại cắn
VOV.VN - Nguyên nhân chủ yếu là do hiểu biết hạn chế, hơn nữa chi phí điều trị lên tới tiền triệu, cũng cả là một vấn đề đối với bà con.
Sau vụ tử vong thương tâm của cháu bé ở Bản Co Sáy, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, hiện bản vẫn còn khoảng 15 người bị chó cắn mà chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Cháu Sồng A Nụ Tông ở Bản Co Sáy, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã tử vong sau 3 tháng bị chó cắn. Tuy nhiên, anh Sồng A Dếnh ở cùng bản, cũng bị con chó đó cắn vẫn rất lạc quan khi đến nay, sức khỏe vẫn bình thường và vết chó cắn ở gần cổ chân phải đã lành lại. Anh Dếnh không biết hậu quả chó cắn thì từ sau 3-5 tháng mới phát bệnh.
Nhiều hộ dân ở bản Co Sáy (Sơn La) chủ quan khi bị chó cắn. |
Anh Sồng A Dếnh nói: “Tôi nghĩ là không xước da, nghĩ là không sao nên tôi không đi tiêm. Tôi đã lấy nước muối pha đậm đặc rửa hết vết chó cắn, rồi giã lá đắp vào rồi”.
Bản Co Sáy, xã Chiềng Hặc là bản khó khăn của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Cuộc sống của bà con chủ yếu từ nương, rẫy, chính vì vậy, một liệu trình điều trị khi bị chó cắn lên tới cả triệu đồng là quá sức đối với bà con nơi đây.
Mặc dù đã được cán bộ thú y xã, bản tuyên truyền, vận động tiêm phòng cho vật nuôi trong nhà chỉ với mức giá 10.000đ/lượt tiêm, nhưng bà con không mấy để ý và vẫn cho rằng, chó là vật nuôi thân thiện trong nhà từ lâu nay, vẫn thả rông và chưa có vấn đề gì xảy ra, nên việc tiêm phòng là không cần thiết.
Ông Mùa A Di, Trưởng bản Co Sáy cho biết: “Trước kia, Ban quản lý bản và cán bộ Thú y đã tuyên truyền nhiều cho bà con nhân dân việc tiêm phòng dại cho vật nuôi. Nhưng có người thực hiện, có người không”.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện bản Co Sáy vẫn còn 15 người bị chó cắn, nhưng vẫn chủ quan trong việc tiêm phòng dại. Phần vì đây là bản khó khăn chưa có điện, nên việc tuyên truyền cho bà con hiểu rõ tác hại của bệnh dại còn hạn chế; phần vì địa bàn rộng, dân cư thưa thớt và trình độ không đồng đều dẫn đến bà con chưa hiểu rõ nguyên nhân và tác hại của bệnh dại. Điều quan trọng nữa là thu nhập thấp, khiến một liệu trình điều trị bệnh dại lên tới hơn triệu đồng là khó khăn với bà con.
Chính vì vậy, huyện Yên Châu sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí tiêm phòng dại cho người dân bị chó cắn tại bản Co Sáy, đồng thời cử cán bộ y tế tới tận nơi thực hiện điều trị cho bà con.
Ông Hà Như Huệ, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết, huyện Yên Châu sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí tiêm phòng cho người dân bị chó cắn tại bản Co Sáy.
|
“Để được bảo hiểm về tiêm phòng này thì hiện nay diện đối tượng được tiêm phòng này chưa có. Bà con cũng gặp nhiều khó khăn, nên đề xuất với ngành Bảo hiểm cũng như các cấp, các ngành, chính quyền nghiên cứu đưa danh mục về tiêm phòng chó dại vào bảo hiểm cho bà con”, ông Hà Như Huệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyên Yên Châu, tỉnh Sơn La nói.
Để đảm bảo an toàn, nếu nạn nhân bị chó cắn, không biết là chó dại hay không, nên chủng ngừa sớm trong vòng 2 ngày để đạt hiệu quả phòng bệnh rất cao. Và quan trọng hơn, để phòng bệnh, người nuôi không nên thả rông chó. Nếu đã nuôi thì phải tiêm phòng và xích, nhốt, chó, ra đường phải có rọ mõm./.
Bé trai 11 tuổi tử vong vì chó dại cắn tại Sơn La