Để tránh tình trạng sói lở hai bên bờ suối, đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống, cấp thiết phải khôi phục lại các công trình này.
|
Hàng nghìn mét đê kè bờ suối Thia bị sập đổ hư hỏng sau lũ |
Tại thôn Cầu Thia, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, nước lũ cuốn trôi hết đoạn kè dài hơn 500 mét và con đường bê tông với hệ thống hộ lan trước cửa nhà nhiều hộ dân. Gia đình ông Lò Văn Chiền bị nước gây xói lở đất làm sập đổ toàn tường rào, cuốn trôi nhiều tài sản, công cụ sản xuất. Sinh sống gần bờ suối lâu nay, chưa bao giờ ông Chiền thấy lũ tàn phá ghê gớm như vậy. Giờ đây kè đã bị mất, gia đình ông và nhiều hộ gia đình khác trong thôn rất lo lắng, không yên tâm sinh sống.
Ông Chiền nói: “Bây giờ nhà đã sạt thế này rồi cũng mong muốn nhà nước hỗ trợ cho một mảnh đất để di dời. Sau này Nhà nước phải sửa lại cái đê này để tương lai dân khu vực này được ổn định. Nếu nhà nước không khẩn trương làm có khi cũng mất hết xóm này…”.
Để chống sói lở bờ suối Thia, giữ đất ở, đất sản xuất giúp người dân yên tâm sinh sống, những năm qua Nhà nước đã đầu tư xây dựng hệ thống đê kè kiên cố. Tuy nhiên gần đây, những trận lũ lớn liên tục đổ về đã tàn phá nặng nề các công trình này. Theo báo cáo của UBND xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, riêng hai trận lũ lớn năm 2016 và 2017 đã có gần 2 km kè trên địa bàn xã bị tàn phá; cùng với hàng trăm mét đường bê tông chạy dọc theo bờ suối Thia cũng đã bị cuốn trôi, nhiều điểm đã bị hở hàm ếch. Nếu không đầu tư kịp thời thì sạt lở sẽ lấn sâu vào các khu vực dân cư, đất nông nghiệp; gây nguy hiểm đến tính mạng của hàng trăm hộ dân.
|
Sạt lở kè suối Thia địa phận xã Phù Nham, huyện Văn Chấn. |
Ông Lò Tiến Hoàn, Phó chủ tịch UBND xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái nói: “Chúng tôi cũng mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm tạo lại, xây dựng lại kè dòng suối Thia cho bà con ở khu vực này được yên tâm…”.
Tại thị xã Nghĩa Lộ, mưa lũ cũng đã gây sạt lở, sập đổ hơn 3 km đê kè suối Nung. Đặc biệt, khoảng 1 km đê kè suối Thia đã bị cuốn theo dòng nước cùng với đường sá, 4 nhà dân và 1 nhà văn hóa của tổ dân phố 1 phường Cầu Thia. Sạt lở cũng lấn sâu vào hàng trăm mét khiến 5 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp.
Bà Lò Thị Huân, Bí thư thị ủy Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết: “Hiện nay bà con nhân dân rất lo lắng. Việc này chúng tôi cũng đã đề nghị với tỉnh, Chính phủ quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có kinh phí khắc phục”.
Theo thống kê của các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ thì mưa lũ đã gây sập đổ, hư hỏng gần 4,7 km kè suối Thia, hơn 3,1 km kè suối Nung. Tại suối Cò Noong là 600 m, suối Ngòi Nhì 325m, suối Ngòi Hát gần 1 km… Tổng kinh phí khắc phục ước tính lên tới gần 550 tỷ đồng.
|
Nhiều nguy cơ tiếp tục sạt lở. |
Ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: “Riêng về kè suối Nung và suối Thia nếu không được sửa chữa sẽ ảnh hưởng và làm nguy hiểm đến gần 8000 hộ dân của huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Điều kiện kinh phí địa phương hết sức khó khăn, chúng tôi đề nghị các Bộ, ngành, Chính phủ hỗ trợ kinh phí để địa phương khắc phục…”.
Khẩn trương khắc phục những công trình kè bị thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các huyện, thị xã phía Tây tỉnh Yên Bái; xây dựng bổ sung những điểm kè trọng yếu để giữ đất sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn cho các khu dân cư cũng như tính mạng của người dân là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Theo tính toán, sau khi hệ thống đê kè bị hư hỏng, hiện có hàng nghìn hộ dân đang trực tiếp bị ảnh hưởng và có nguy cơ bị ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng và tài sản nếu mưa lũ tiếp tục kéo về./.