Những tổn thương tâm lý có thể đi theo trẻ bị bạo hành suốt đời
VOV.VN - Sau những trận đòn, những cái tát, không chỉ là nỗi đau thể xác mà kèm theo đó, còn là những tổn thương tâm lý sẽ đi theo trẻ suốt đời.
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận. Ảnh hưởng về mặt thể xác của trẻ là điều dễ nhận thấy, tuy nhiên, những tác động tiêu cực đến tâm lý trẻ lại thường không có biểu hiện rõ ràng, nhưng ám ảnh cả đời đối với trẻ.
PGS.TS Trần Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đã có những chia sẻ về vấn đề này.
PGS.TS Trần Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội). |
PV: Thưa bà, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại nghiêm trọng đối với trẻ em. Vậy việc này có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển tâm lý của trẻ em về sau?
PGS.TS Trần Thu Hương: Rõ ràng, bạo hành, xâm hại không chỉ gây ra những ảnh hưởng về mặt sức khỏe, thân thể của trẻ, mà còn để lại những sang chấn về mặt tâm lý.
Điển hình như trường hợp người giúp việc tại Hà Nam đánh vào đầu, tung trẻ lên cao. Hiện tại như tôi theo dõi, bố mẹ đã cho cháu đi chụp CT, kiểm tra não bộ thì chưa thấy có vấn đề gì. Tuy nhiên, khi trẻ còn quá bé, chưa thể phát hiện ra vấn đề do não của trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện, nếu có vấn đề thì sẽ có thể xảy ra rất nhiều năm sau đó.
Với trẻ bị xâm hại, ngay cả khi không gặp phải những vấn đề thực thể, nhưng những hình ảnh về bạo lực sẽ được ghi dấu trong đầu chúng. Sau này, khi chứng kiến lại những cảnh tương tự hoặc chẳng may trẻ bị lặp lại những vấn đề này, những dấu vết đã hằn sâu sẽ khiến đứa trẻ lo lắng, hoảng sợ. Việc thiết lập mối quan hệ của trẻ với người khác cũng khó khăn hơn rất nhiều, trẻ có thể gặp phải những rối loạn, có xu hướng gây hấn, bạo lực với những người xung quanh bằng nhiều hình thức, mức độ khác nhau.
Hơn nữa, việc trẻ bị bạo hành cũng có thể khiến trẻ bị tách biệt khỏi bạn bè. Những đứa trẻ thấy các bạn bị đánh khi không hiểu lý do, chỉ nghĩ rằng hư sẽ bị đánh, từ đó tạo ra sự tẩy chay giữa các trẻ với nhau. Dần dần bạn bị bạo hành sẽ cảm thấy bị cô độc, bản thân có vấn đề, tự đổi lỗi cho bản thân…
Nếu tình trạng này kéo dài, đến một lúc nào đó, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu và rối loạn về mặt cảm xúc. Những điều này cũng ảnh hưởng đến hành vi sau này của trẻ.
PV: Những trẻ bị xâm hại thường có tâm lý sợ hãi, không dám nói cho bố mẹ hay những người thân biết về những gì các em đang phải trải qua. Vậy các bậc phụ huynh có thể nhận biết việc trẻ bị xâm hại qua những dấu hiệu như thế nào, thưa bà?
PGS.TS Trần Thu Hương: Trẻ nhỏ không thể có đủ khả năng nói ra những điều này, nhiều khi trẻ có nói, nhưng bố mẹ, thầy cô cũng không tin. Vấn đề ở đây là người lớn cần học cách lắng nghe trẻ.
Khi trẻ bị xâm hại về mặt thân thể, có thể có hoặc không để lại những dấu vết. Khi đó, cha mẹ phải để ý xem cảm xúc của con ra sao. Trẻ nhỏ tuổi thường có những biểu hiện như quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú, giấc ngủ bị rối loạn.
Những trẻ lớn hơn có thể có dấu hiệu như lo sợ, không muốn đến trường, khi đưa trẻ vào trường, trẻ thường sợ hãi không muốn vào. Từ những dấu hiệu trên, các bậc phụ huynh có thể phát hiện ra vấn đề của trẻ và hỗ trợ trẻ kịp thời.
Khởi tố, bắt tạm giam chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh hành hạ trẻ em
PV: Vậy với những trẻ không may đã từng là nạn nhân của các hành vi xâm hại nói chung, cha mẹ, thầy cô cần có những quan tâm, chăm sóc ra sao, thưa bà?
PGS. TS Trần Thu Hương: Trong trường hợp, trẻ đã từng bị xâm hại, bố mẹ không nên tự giải quyết, tốt nhất nên đưa trẻ đến gặp các chuyên gia về y tế và tâm lý, để biết rằng trẻ đang gặp phải những vấn đề nào, từ đó có cách giúp đỡ trẻ đúng hướng. Đôi khi chúng ta vẫn quen giải quyết theo kinh nghiệm, nhưng nếu không thể xử lý tận gốc vấn đề, rất có thể khiến tình trạng của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
PV: Trong nhiều vụ xâm hại trẻ em, thủ phạm lại chính là cha mẹ, thầy cô, những người chăm sóc trẻ. Bà có lời khuyên nào để người lớn tránh khỏi những hành vi bạo lực với trẻ?
PGS.TS Trần Thu Hương: Câu chuyện ở đây là kỹ năng làm cha mẹ hay kỹ năng làm thầy đang có vấn đề. Khi làm cha mẹ, thầy cô, chúng ta đang có xu hướng đặt bản thân ở bậc cao hơn trẻ rất nhiều, là người có quyền với trẻ. Cha mẹ, thầy cô luôn bắt trẻ tuân theo, nếu trẻ không nghe lời, sẵn sàng dùng hình phạt.
Chúng ta không bao giờ hỏi trẻ muốn gì, hay cảm thấy thế nào, câu chuyện con cảm thấy thế nào rất ít người đặt ra. Người lớn cho rằng, mình có quyền và đứa trẻ không có bất cứ quyền năng nào.
Bố mẹ hay thầy cô cần phải nắm được những kỹ năng để làm cha mẹ hiệu quả, khi xảy ra các vấn đề, phía thầy cô, cha mẹ cũng cần phải cùng ngồi lại với trẻ, nói chuyện một cách công bằng đúng nghĩa, nói ra cả những khó chịu của bản thân. Ở đây không phải là bên nào thắng, bên nào thua, mà phải là cả 2 bên đều cảm thấy thoải mái.
PV: Chúng ta cần tham vấn tâm lý cho nạn nhân trẻ em bị xâm hại, vậy với những đối tượng gây ra hành vi này, có cần những can thiệp tâm lý không, thưa chuyên gia?
PGS.TS Trần Thu Hương: Những người gây ra hành vi bạo hành với trẻ em, có 2 nhóm, một là có ý đồ, có kế hoạch từ trước, vì một mục đích nào đó. Hai là do không kiểm soát được những cơn tức giận, những căng thẳng bùng phát hay do gia đình, công việc có vấn đề khiến họ cảm thấy khó chịu, muốn gây hấn, trả thù, giải tỏa, từ đó có những hành vi bạo lực với trẻ. Cũng có khi do giận cá chém thớt và trẻ em là người phải chịu trận oan.
Trước khi tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật, nên có những can thiệp tâm lý dựa trên nguyên nhân gây ra hành vi xâm hại với các đối tượng này. Để sau khi chịu những hình phạt pháp luật, quay trở lại cuộc sống bình thường, họ không gặp phải những khó khăn về tâm lý. Nếu không can thiệp, rất có thể, đến một lúc nào đó họ sẽ lặp lại những hành động sai lầm này.
PV: Xin cảm ơn bà./.
Vụ bạo hành trẻ ở trường mầm non Mầm Xanh: Cục Trẻ em lên tiếng