Nỗ lực xây dựng nông thôn mới nơi vùng lũ Mường La
Thứ Sáu, 18:09, 22/12/2017
VOV.VN -Thiệt hại lớn do bão nhưng cấp ủy, chính quyền và người dân Mường La vẫn tiếp tục đoàn kết, nỗ lực tập trung xây dựng nông thôn mới.
Tháng 8 vừa qua, huyện Mường La, tỉnh Sơn La trải qua trận lũ quét kinh hoàng, lớn nhất trong vòng 70 năm qua.
Cấp ủy, chính quyền địa phương hiện đã và đang vượt qua nhiều khó khăn khi phải xây dựng lại hoàn toàn cơ sở hạ tầng, ổn định nơi ăn chốn ở cho hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu.
Cùng với đó là phân bổ hàng cứu trợ như: Quần áo, gạo, dầu, mắm muối, đảm bảo không hộ dân nào bị đói, rét, đảm bảo đủ ăn trong vòng 1 năm.
Điều đáng ghi nhận là cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây vẫn tiếp tục đoàn kết, nỗ lực tập trung xây dựng nông thôn mới, trong đó xã Mường Bú, xã đầu tiên của huyện được công nhận nông thôn mới vào ngày 23/12.
Ông Trần Văn Nghĩa chăm sóc cây ăn quả.
Đến xã Mường Bú, huyện Mường La những ngày này, có thể cảm nhận rõ không khí hăng say lao động sản xuất của bà con nông dân trên khắp các thửa nương, sườn đồi.
Phong trào xây dựng nông thôn mới ở Mường Bú được người dân đồng tình hưởng ứng trên nhiều phương diện, rõ nét nhất là phong trào giúp nhau phát triển kinh tế và làm giàu.
Xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Táo, cam, bưởi và nhân rộng các mô hình chăn nuôi đại gia súc.
Gia đình ông Trần Văn Nghĩa (tiểu khu 1, xã Mường Bú có 5.000 m2 đất trồng cây ăn quả, hiện 700 cây bưởi, cam, nhãn, ổi, chanh của ông đã cho thu hoạch.
Ông Nghĩa cho biết: “Việt Nam nhập hoa trái nước ngoài nhiều. Tại sao không tự làm? Từ đó, tôi mới tâm đắc, rủ bà con cùng làm. Tôi rất muốn đi vào Việt Gap vì nó đảm bảo sức khỏe, quy mô của tôi muốn mở rộng thêm nữa".
Phương châm của cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Mường La là chương trình xây dựng nông thôn mới thành công phải gắn với đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Tại xã Mường Bú, mấy năm gần đây, giống táo đại đã được người dân mang về ghép trên những thân của cây táo bản địa.
Giống táo mới quả to, ngọt và thơm ngon đã được người tiêu dùng đón nhận. Hiện nay tại hợp tác xã Hưng Thịnh, hơn 30ha đất đã được các thành viên lựa chọn trồng nhiều loại cây như táo, bưởi da xanh và rau màu.
Sản phẩm táo đại của HTX đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng 1 năm cho mỗi hộ nông dân.
Anh Nguyễn Đình Hướng (tiểu khu 3, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) cho biết: “Để đóng góp vào chương trình nông thôn mới xã Mường Bú, chúng tôi cũng mạnh dạn nhân rộng mô hình này. Tôi cũng đi xúc tiến thương mại, đi các điểm ở Hà Nội và Nghệ An. Sản phẩm của tôi đã đi vào các sàn nông sản tại Nghệ An, đến Hà Nội".
Huy động tối đa sự đồng tình ủng hộ của người dân, phát huy dân chủ, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại xã Mường Bú - xã đầu tiên của huyện Mường La đã đạt yêu cầu.
Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng lên, điện, đường, trường, trạm đều đã được xây dựng khang trang sạch đẹp; thu nhập của người dân đạt trên 26 triệu đồng/người/năm.
Cây trái trĩu quả nhờ cách làm mới của bà con.
Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La nói: “Phấn đấu đến 2020 huyện có 4 xã đạt nông thôn mới. Trong thời gian vừa qua, các xã đã ảnh hưởng của cơn bão số 8,9,10,12 nên sức khó khăn. Tuy nhiên, huyện tập trung chỉ đạo tập trung ổn định đời sống, xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung xây dựng nông thôn mới nhưng không nợ xây dựng cơ bản".
Mường La đang nỗ lực vươn lên sau mưa lũ với việc xã Mường Bú là xã đầu tiên cán đích Nông thôn mới.
Thành tích này không chỉ vượt chỉ tiêu kế hoạch Đại hội Đảng bộ huyện đề ra đến năm 2020 có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, mà còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, chung sức đồng lòng của ý Đảng, lòng dân./.