Tình nguyện viên người Việt ở biên giới Ukraine: "Tôi ước muốn hòa bình"

VOV.VN - "Chứng kiến nhiều người Việt phải sơ tán vì chiến tranh, chưa bao giờ tôi thấy ước muốn về một thế giới hòa bình lại gần gũi như vậy".

- Cảm xúc của bạn khi nhìn thấy những người Việt chạy nạn khỏi Ukraine?

- Nó chỉ đơn thuần là tình thương thôi

Nguyễn Thiện Thành (SN 2001) trả lời.

Nguyễn Thiện Thành là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Corvinus Budapest (Hungary). Thành là một trong hàng trăm sinh viên tình nguyện đón người Việt sơ tán khỏi Ukraine sang các nước lân cận.

Công việc của một tình nguyện viên bao gồm đón người Việt sơ tán tại các ga tàu, chuẩn bị đồ ăn, tìm chỗ nghỉ ngơi, hỗ trợ làm thủ tục giấy tờ, hướng dẫn mua vé nếu người dân tiếp tục có nhu cầu di chuyển… Và hơn cả, họ trở thành những nguồn động viên tinh thần và hình ảnh quê hương cho hàng trăm người Việt tị nạn.

PV: Tại sao bạn lại tham gia vào công việc này? 

Nguyễn Thiện Thành: Khi Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary kêu gọi sinh viên tham gia hỗ trợ người Việt chạy nạn từ Ukraine, tôi lập tức đăng ký. Mục tiêu duy nhất mà tôi đặt ra lúc đó là phải giúp đỡ đồng bào. Thế hệ chúng tôi không có trải nghiệm chiến tranh. Những gì tôi biết được về chiến tranh chỉ là những bài học lịch sử, những câu chuyện kể của ông nội, ông ngoại. Chỉ khi trực tiếp chứng kiến, tôi mới cảm nhận rõ: Trong một cuộc chiến, có bên thắng, bên thua nhưng chịu thiệt nhiều nhất vẫn luôn là người dân.

PV: Khi chứng kiến tận mắt chiến tranh, cảm xúc của bạn thế nào?

Nguyễn Thiện Thành: Trước khi ra ga tàu đón đồng bào sơ tán, tôi đã chuẩn bị tinh thần rất lâu. Nhưng khi đối diện với thực tế, mọi thứ rất khác. Đó là một cảm xúc mà tôi chưa từng có. Tận mắt chứng kiến sự mệt mỏi, khó khăn hay thậm chí là những giọt nước mắt của những gia đình phải đi ly tán, trong lòng tôi có rất nhiều cảm xúc lẫn lộn. Trong ngày đầu tiên tôi đón người tại sân ga, Hội sinh viên Việt Nam tại Hungary đã đón một người phụ nữ rất đặc biệt. Cô vừa đặt chân tới sân ga thì ôm ghì lấy chúng tôi và khóc. Cô nói, cô vừa đi được một ngày thì nhà của cô ở Ukraine bị đánh bom. Cô vẫn còn người thân ở lại.

Chúng tôi đã chứng kiến nhiều người Việt khi đặt chân đến Budapest thì không thể cầm nước mắt. Có lẽ đó là những giọt nước mắt của vui mừng, lẫn buồn tủi. Nhiều người phải đến 15 ngày rồi mới được gặp người Việt, mới được ăn những bữa cơm đầu tiên. Trong suốt quá trình di chuyển từ Ukraine sang các nước lân cận, họ không được một ai giúp đỡ”.

PV: Trong tất cả những người bạn từng đón, ai để lại cho bạn ấn tượng sâu sắc nhất?

Nguyễn Thiện Thành: Đó là một người phụ nữ hơn 60 tuổi. Cô đi từ Ukraine sang Hungary một mình. Trong khi những người khác đều đi theo gia đình hoặc theo đoàn. Lúc xuống sân ga, cô ôm lấy tôi và nói: Nếu không có chúng cháu, cô không biết phải làm thế nào.

PV: Lúc đó trông cô ấy thế nào?

Nguyễn Thiện Thành: Cô chỉ mang một túi xách nhỏ.

Chỉ cần nhìn hành lý có thể biết người đó đến từ khu vực nào của Ukraine. Những người đến từ Kharkov hay Kiev – những khu vực chiến tranh khốc liệt thì hầu như không mang theo được gì. Mỗi người chỉ có một chiếc túi nhỏ và một chút tiền phòng thân. Nhiều em bé không có cả quần áo ấm vì gia đình đi vội. Trong khi thời tiết ở Hungary đang rất lạnh, gió buốt. Có em bị lạnh nên ốm sốt, mặt đỏ bừng.

PV: Bạn có thể tả lại khung cảnh đoàn tàu chở người sơ tán từ Ukraine về Budapest cập bến không?

Nguyễn Thiện Thành: Sự đối lập giữa gương mặt của các em nhỏ và bố mẹ các em cũng là hình ảnh khiến tôi bị ấn tượng thực sự mạnh.

Tôi còn nhớ, buổi tối hôm đó trời rất lạnh. Chúng tôi chia nhau ra đứng dọc sân ga, đợi tàu về. Khi đoàn tàu vào bến, người người đổ xuống. Ban đầu là người Ukraine, sau đó là người Việt. Ở những nhóm gia đình có con nhỏ, khuôn mặt của các em vẫn rất tươi cười. Có lẽ vì các em còn quá nhỏ để hiểu những gì mình phải đối mặt. Ngược lại, trên khuôn mặt của ông bà, cha mẹ các em là sự lo lắng, mệt mỏi vì chạy nạn. Đó là hình ảnh khiến tôi thực sự bị ấn tượng.

PV: Đó là một áp lực cảm xúc khá lớn. Có khi nào bạn cảm thấy quá tải khi làm công việc này không?

Nguyễn Thiện Thành: Đã có nhiều người hỏi tôi như vậy. Nhưng trước khi ra bến tàu, tôi đã tự dặn mình, phải kìm nén cảm xúc, phải dùng lý trí. Bởi khi đồng bào mình sơ tán sang đến Hungary, tâm lý mọi người còn rất hoảng loạn. Tôi luôn phải giữ cho mình bình tĩnh. Bởi chỉ khi mình bình tĩnh thì mình mới giúp người khác bình tĩnh được. Mình phải là điểm tựa tinh thần để cho mọi người tiếp tục hành trình của họ. Còn những cảm xúc khác, tôi giữ cho riêng mình thôi.

PV: Tôi có thể hỏi đó là những cảm xúc gì không?

Nguyễn Thiện Thành: Nó chỉ đơn thuần là tình thương thôi.

PV: Trong thời gian làm tình nguyện viên đón đồng bào sơ tán từ Ukraine, bạn vẫn giữ nguyên lịch học. Với lịch trình dày như vậy, bạn có gặp khó khăn hay xáo trộn gì không?

Nguyễn Thiện Thành: Nếu nói không xáo trộn là không đúng. Nhưng tôi không phải là người duy nhất. Hội Sinh viên Việt Nam ở Hungary kêu gọi được rất nhiều tình nguyện viên. Ai đi học thì vẫn đi học, ai làm bài thì vẫn làm bài, ai đến ca hỗ trợ thì đi hỗ trợ. Còn về khó khăn, cá nhân tôi không thấy có gì vướng mắc cả.  Bởi tôi đã ở Hungary gần 2 năm nên việc đi lại, làm giấy tờ ở bến tàu đều đã quen. Hơn nữa, vì mình đang giúp đồng bào của mình nên chẳng còn thấy khó khăn gì nữa.

PV: Sau khi trải qua sự kiện này, bạn có ước muốn gì?

Nguyễn Thiện Thành: Nói thế này thì bao la quá, nó giống như nhiều người. Nhưng tôi thực sự muốn con người sống với nhau chan hòa, không còn chiến tranh. Ông ngoại tôi cũng là một nạn nhân của chiến tranh. Trong đùi ông vẫn còn những mảnh đạn găm lại. Ông thường nói, nếu ngày ấy không may mắn thì giờ ông không còn cơ hội được ngồi đây nói chuyện với con cháu. Cho dù ông được sống thì nhiều đồng đội của ông lại không có may mắn như vậy.

Chứng kiến nhiều người Việt phải sơ tán vì chiến tranh, chưa bao giờ tôi thấy ước muốn về một thế giới hòa bình lại lại gần gũi như vậy. Tôi cũng cảm nhận được tinh thần yêu nước.

Trước đây, khi học trong sách vở, tinh thần yêu nước với tôi là một thứ gì đó rất to lớn. Bản thân thế hệ 10x như chúng tôi thì chưa thể làm những điều to lớn như cha ông đã làm. Nhưng sau khi trải qua sự kiện này, tôi nhận ra, mình có thể yêu nước bằng những việc nhỏ nhất. Chính sự giúp đỡ nhỏ bé dành cho đồng bào lúc hoạn nạn cũng là tinh thần yêu nước.

Khi được tích cóp đủ, tinh thần yêu nước sẽ càng nồng cháy hơn./.

Tính tới ngày 16/3, đã có hơn 3 triệu người Ukraine sơ tán khỏi đất nước, phần lớn tới Ba Lan, và con số này vẫn tăng khi người dân ở Kiev cố tháo chạy trước khi nơi đây áp dụng lệnh giới nghiêm 35 giờ.

Các cơ quan đại diện Việt Nam đã đón hơn 4.600 người sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận, trong đó gần 1.200 người đã về nước an toàn.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bảo hộ công dân tại Ukraine: Việt Nam chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu
Bảo hộ công dân tại Ukraine: Việt Nam chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu

VOV.VN - Quán triệt tinh thần này của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công tác sơ tán công dân Việt Nam ở Ukraine về nước được triển khai thuận lợi, nhanh chóng với gần 600 công dân đã được đón về nước an toàn.

Bảo hộ công dân tại Ukraine: Việt Nam chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu

Bảo hộ công dân tại Ukraine: Việt Nam chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu

VOV.VN - Quán triệt tinh thần này của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công tác sơ tán công dân Việt Nam ở Ukraine về nước được triển khai thuận lợi, nhanh chóng với gần 600 công dân đã được đón về nước an toàn.

Thủ tướng ban hành công điện về bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam tại Ukraine
Thủ tướng ban hành công điện về bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam tại Ukraine

VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 201/CĐ-TTg ngày 26/2/2022 về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine.

Thủ tướng ban hành công điện về bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam tại Ukraine

Thủ tướng ban hành công điện về bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam tại Ukraine

VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 201/CĐ-TTg ngày 26/2/2022 về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine.

Bộ Ngoại giao hướng dẫn công tác bảo hộ công dân ở Ukraine
Bộ Ngoại giao hướng dẫn công tác bảo hộ công dân ở Ukraine

VOV.VN - Trước những diễn biến phức tạp hiện nay tại Ukraine, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam tránh đến các khu vực đang có xung đột nếu không thật sự cần thiết.

Bộ Ngoại giao hướng dẫn công tác bảo hộ công dân ở Ukraine

Bộ Ngoại giao hướng dẫn công tác bảo hộ công dân ở Ukraine

VOV.VN - Trước những diễn biến phức tạp hiện nay tại Ukraine, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam tránh đến các khu vực đang có xung đột nếu không thật sự cần thiết.