Hơn lúc nào hết, các địa phương vùng lũ đang tập trung xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra. Liệu việc xử lý môi trường trên một diện tích lớn như vậy, các địa phương có đủ các nguồn lực cần có để khử khuẩn và xử lý nguồn nước không?
|
(Ảnh minh họa: Nông nghiệp) |
Xử lý hàng nghìn con gia súc, gia cầm chết, trong đó có gần 6.000 con lợn là một khối lượng công việc khổng lồ vừa được lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa hoàn thành. Sở Y tế tỉnh đã tổ chức các đoàn đến tận hiện trường chỉ đạo và giám sát công tác phòng chống dịch bệnh sau lũ. Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hóa đã cấp các cơ số thuốc thiết yếu và hơn 40.000 viên CloraminB (một loại hóa chất để khử khuẩn môi trường và xử lý nguồn nước sinh hoạt) cho Trung tâm Y tế các huyện: Thạch Thành, Thường Xuân, Nông Cống, Hà Trung và Yên Định. Lực lượng chức năng đã rắc vôi bột, các hóa chất để xử lý trước khi chôn xác động vật, tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm. Đồng thời phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ cao.
Ông Đinh Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hóa nói: “Hiện nay, nguồn dự trữ hóa chất khử khuẩn môi trường của Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hóa đã hết. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên Bộ và Sở hỗ trợ thêm cho Thanh Hóa. Tất nhiên có nhiều nguồn dự trữ vật tư khác nhau. Tỉnh đã huy động từ nguồn dự trữ của các ngành, đơn vị khác như ngành nông nghiệp, Sở Y tế, để phân phối cho các huyện.”
Tại tỉnh Hòa Bình, lũ lụt xảy ra nặng nhất tại huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Kim Bôi... Đây là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nên được Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch cấp 250.000 viên CloraminB để khử trùng môi trường và xử lý nguồn nước. Trong khi chờ nguồn hóa chất được hỗ trợ này, Sở Y tế Hòa Bình dùng nguồn dự trữ của tỉnh, cấp cho các huyện 130 kg CloraminB dạng bột để xử lý môi trường, nguồn nước sinh hoạt và 60 lít hóa chất diệt muỗi. 3 ngày qua, đoàn công tác của Sở Y tế đã xuống tận địa phương, khám chữa bệnh cho người dân, tăng cường thuốc chữa bệnh cho các trạm y tế, đồng thời thống kê và xác định được gần 30.000 hộ của 10 huyện phải xử lý nguồn nước giếng sau lũ.
Ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết: “Trước hết, chúng tôi kiểm tra nguồn nước sinh hoạt xem có đảm bảo sạch cho người dân hay không. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện vệ sinh môi trường tại nơi lũ đi qua. Về vật tư y tế, hóa chất, do được Bộ Y tế hỗ trợ nên hiện nay tạm đủ nhưng sau ảnh hưởng của bão số 11 thì chưa thể kiểm đếm”.
Trước nguy cơ thiếu hóa chất để khử khuẩn môi trường và xử lý nguồn nước sau lũ ở một số tỉnh, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã hỗ trợ hóa chất, vật tư y tế cho những tỉnh nghèo như Yên Bái, Hòa Bình. Còn các địa phương khác cần huy động từ nguồn kinh phí dự phòng được các tỉnh dự trù từ đầu năm. Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu, kiến nghị với Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh để thực hiện đúng phương châm 4 tại chỗ. Ông Trần Đắc Phu cũng lưu ý ngành y tế các địa phương tích cực triển khai phòng, chống những dịch bệnh có thể xảy ra sau lũ như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm và sốt xuất huyết...
Ông Trần Đắc Phu nói: “Nước rút đến đâu phải làm vệ sinh môi trường đến đó. Chôn, xử lý xác gia súc gia cầm theo đúng quy trình hướng dẫn. Quan trọng nhất là người dân phải ăn thức ăn nấu chín và uống nước đã được đun sôi để phòng tránh dịch bệnh tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn”
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn, cần vệ sinh rửa chân sạch sẽ. Quan tâm diệt muỗi, bọ gậy, loại bỏ hoặc đậy kín các vật dụng chứa nước mưa, nước sinh hoạt; mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày. Bên cạnh đó, thau rửa bể nước, giếng nước và dùng hóa chất để khử trùng nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất./.