Phụ huynh "than" khó vì không thể đồng hành cùng con trên môi trường mạng

VOV.VN - Nhiều phụ huynh lo lắng băn khoăn khi trẻ em tham gia môi trường mạng, mà không thể có đủ thời gian để đồng hành cùng chúng.

Sáng 27/6, tại trường Trung học Cơ sở Nam Từ Liêm (Hà Nội), Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển nền vững MSD tổ chức Chương trình tham vấn ý kiến trẻ em về việc xây dựng Dự thảo Đề án "Bảo vệ và Hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng" giai đoạn 2020- 2025. Khoảng 300 học sinh, cùng các phụ huynh và thầy cô giáo đã tham gia góp ý cho rằng, cần đồng hành trong mọi hoạt động trên mạng Internet của các em theo nhiều cách khác nhau.

Ảnh minh họa.

Thời điểm này như các năm học trước, các em học sinh đã nghỉ hè, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên nhiều trường mới đang hoàn thành kỳ thi học kì 2. Điều đặc biệt hơn nữa khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là việc học tập trực tuyến trong quá trình giãn cách xã hội đã được nhiều trường học ở các tỉnh, thành phố thực hiện. Học trực tuyến đã đem lại nhiều lợi ích trong việc giúp các em học sinh không đến trường nhưng không ngừng việc học, vẫn có thể tiếp cận với môi trường Internet, giao lưu trực tuyến được với bạn bè... song cũng đưa đến một mối lo ngại đối với các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh: Đó là làm thế nào để đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi tham gia môi trường mạng?

Bà Hoàng Thị Yến - Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nam Từ Liêm –cho rằng: "Những gì học sinh thu nhận, bị xâm hại nguy hiểm từ khai thác mạng, chúng ta đều nắm rất rõ và vô cùng lo ngại, nhưng không vì thế mà chúng ta né tránh và lo sợ. Mỗi cơ thể chúng ta đều có một chất kháng thể, vậy hãy để chất liệu đáng quý này phát huy tối đa nhất, sáng tạo nhất trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào cơ thể, vào suy nghĩ và hành động của chúng ta, đặc biệt với chính các em - từ những người đã, đang và sẽ sử dụng mạng xã hội trong cuộc sống và tự mình đưa ra phương án bảo vệ phòng, chống. Đó là đơn thuốc hiệu quả nhất, để các em có môi trường mạng an toàn lành mạnh".

Vậy làm thế nào để các em tự có khả năng đề kháng trước các rủi ro, những hiểm họa trên môi trường mạng? Việc đồng hành của gia đình, nhà trường với học sinh có thể trở thành một liều vacxin phòng chống các virus nguy hiểm trên môi trường mạng.

Ông Hoàng Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Hơn ai hết, trẻ em là người mà cần phải hiểu rằng, trên môi trường mạng, bên cạnh những thứ lợi ích đem lại thì cũng còn rất nhiều các mối nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn, hay nói cách khác là chúng ta đang tạo ra một hệ vaccine miễn dịch dành cho trẻ em".

Nhiều phụ huynh lo lắng băn khoăn khi trẻ em tham gia môi trường mạng, mà không thể có đủ thời gian để đồng hành trong quá trình hoạt động trên môi trường mạng của các em.

Chị Phạm Thu Trang - phụ huynh học sinh lớp 7A2, trường Trung học Cơ sở Nam Từ Liêm chia sẻ: "Việc kiểm soát các con dùng internet là rất khó với phụ huynh vì phụ huynh đi làm, rồi công việc gia đình cũng như công việc xã hội. Đôi khi mình không có nhiều thời gian để quan tâm đến con. Để đồng hành cùng với các con hàng ngày trong kiểm soát các con sử dụng internet, thì rất khó khăn".

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD thực tế không thể cấm trẻ em tham gia môi trường Internet, mà chỉ có thể định hướng và đồng hành với trẻ khi tham gia mạng Internet. Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD – chia sẻ, một số nguyên tắc có thể nói với con, khi phụ huynh thực sự mong muốn đồng hành tham gia mạng Internet cùng trẻ.

"Thứ nhất là hỏi con hôm nay con học được gì, thấy gì thú vị trên internet? Hãy coi chuyện mà con sử dụng internet là chuyện bình thường. Câu thứ hai là bố mẹ, thầy cô không kiểm soát để theo dõi, giám sát các con, mà để đồng hành và hỗ trợ các con kịp thời. Thứ ba, có thể cùng chơi, cùng hướng dẫn bố mẹ thầy cô cách sử dụng internet được không? Và chúng ta cũng có thể bắt đầu những câu nói này: Khi gặp những rủi ro thì chúng ta sẽ xử lý tình huống như thế nào? Nó sẽ giúp cho các con tăng cường tính phản biện và tư duy, để làm sao có thể thực hành tốt hơn, có những tương tác lành mạnh và sáng tạo môi trường mạng", bà Linh chia sẻ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên