Tại buổi gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (3/6), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng lịch sử dân tộc, trong đó có việc quan tâm đến nghiên cứu, giáo dục lịch sử. Bởi hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước cũng đặt vấn đề với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lịch sử có giá trị lớn lao và hay như vậy, tại sao các cháu thanh thiếu niên chưa yêu thích môn Lịch sử?

Cuộc gặp mặt thân mật của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Đoàn đại biểu Hội Khoa học lịch sử Việt Nam diễn ra trong bối cảnh xã hội nổ ra cuộc tranh luận khi năm học 2022-2023 – năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10 bậc THPT, môn Lịch sử lại là một trong những môn học tự chọn.

Tiếp thu ý kiến của dư luận và các chuyên gia lịch sử, thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thiết kế lại môn Lịch sử cấp THPT bao gồm phần bắt buộc và lựa chọn.

Tiếp thu ý kiến của dư luận và các chuyên gia lịch sử, thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thiết kế lại môn Lịch sử cấp THPT bao gồm phần bắt buộc và lựa chọn.

Lễ Khai giảng năm học 2022-2023 là dấu mốc quan trọng khi ngành Giáo dục thực sự trở lại trạng thái bình thường mới sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Thầy và trò cả nước có buổi Lễ khai giảng trang trọng, ý nghĩa và thực sự trọn vẹn. 

Dự Lễ khai giảng năm học 2022-2023 tại trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp: “Trẻ em như búp trên cành - Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các em học sinh tại lễ khai giảng, (Ảnh: TTXVN)

Đối với các nhiệm vụ năm học 2022-2023 của ngành Giáo dục, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: nhiệm vụ trước mắt là cần sớm giải quyết "3 thiếu": Thiếu giáo viên, thiếu lớp học, thiếu sách giáo khoa; thực hiện tiêm vaccine đầy đủ, khoa học, hiệu quả để các cháu khỏe mạnh đến trường, cha mẹ yên tâm công tác, thầy cô yên tâm giảng dạy.

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (19/10) về một số vấn đề “nóng” của lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu thực tế: "Ngành Giáo dục chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: một là giáo viên, hai là tài chính. Với cả 2 điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất".

Về lực lượng giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành dọc do Bộ Nội vụ quản lý, sau vài năm tha thiết đi xin, đã xin thêm được hơn 65.000 biên chế cho ngành Giáo dục từ nay đến năm 2025. Trong khi đó, năm nay dự kiến sẽ tuyển 27.850 giáo viên thì hai năm vừa rồi đã có gần 29.000 giáo viên bỏ việc.

Về mặt tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị phải nhìn nhận "một cách sòng phẳng" khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ghi rõ trách nhiệm đảm bảo các điều kiện để triển khai là chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhưng hàng năm Bộ GD&ĐT không được biết việc các tỉnh làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan phê duyệt ngân sách, không biết được là tiền ấy phân bổ như thế nào, nơi nào thiếu nơi nào thừa.

Năm 2022 ghi nhận làn sóng xin nghỉ việc của giáo viên khi chỉ trong một năm có 16.000 giáo viên bỏ việc. Trung bình cứ 100 nhà giáo có 1 người ra khỏi ngành.

TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng đây là hiện tượng đáng buồn và là một lời cảnh báo cho ngành giáo dục. Việc nhiều giáo viên bỏ việc cho thấy tính hấp dẫn của nghề sư phạm đã giảm xuống.

Một nghề từ trước đến nay được ví là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý; sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo thì việc giáo viên bỏ nghề sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu chấn hưng nền giáo dục, xây dựng một xã hội học tập...

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến giáo viên bỏ việc nhưng theo TS.Hoàng Trung Học, lương bổng, thu nhập quá thấp so với công việc được xem là nguyên nhân chính.

Đầu năm học 2022-2023, vấn đề lạm thu, đóng tiền quỹ hội phụ huynh trường, lớp tiếp tục “nóng” trên các diễn đàn giáo dục. Nhiều cơ sở giáo dục, Ban Đại diện cha mẹ học sinh bị tố đặt ra các khoản thu vô lý, trở thành gánh nặng của không ít gia đình có con đi học.

Đáng chú ý, Ban Đại diện cha mẹ học sinh của một số trường học đưa ra mức dự trù kinh phí hoạt động “khủng” lên đến hàng trăm triệu mỗi năm trong đó chủ yếu chi bồi dưỡng giáo viên, bảo mẫu, Ban Giám hiệu nhà trường các ngày lễ, Tết…

Chuyên gia giáo dục, TS. Lê Thống Nhất bình luận, đây là những khoản thu - chi vô lý. Ông khẳng định không phải cứ có tiền là tiêu mà phải tiêu vào những việc gì có ý nghĩa giáo dục.

Năm 2022, dư luận xã hội dậy sóng với đề tài luận án tiến sĩ được đánh giá là rất “lạ lùng”: "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La".

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nguyên giảng viên khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, đây là một sự khôi hài, thậm chí là khinh rẻ, giễu cợt tấm bằng tiến sĩ và không hề có ý nghĩa về mặt khoa học.

So sánh với các bậc đào tạo đại học, sau đại học, bà Thái nhấn mạnh đề tài “Luận án  tiến sĩ cầu lông” thậm chí không xứng tầm một khóa luận tốt nghiệp hay một luận văn thạc sĩ. Trong chừng mực nào đó, nó phù hợp là một bài báo chia sẻ kinh nghiệm.

Không chỉ “Luận án tiến sĩ cầu lông”, trong năm 2022, nhiều luận án Tiến sĩ khác được dư luận đánh giá na ná nhau, chỉ cần “thay tên, đổi họ” là có thêm một luận án tiến sĩ mới.

Đơn cử như năm 2016, Viện Khoa học Thể dục thể thao có đề tài "Nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM". Đến năm 2017, viện này tiếp tục cho học viên bảo vệ đề tài "Nghiên cứu lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất cho sinh viên Trường Đại học Hải Phòng".

Năm 2022, Ngành Giáo dục & Đào tạo long trọng tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022). Nhân dịp này, Bộ GD&ĐT tuyên dương 400 nhà giáo xuất sắc, tiêu biểu.

Tại buổi lễ kỷ niệm, NGƯT Nguyễn Thị Bảo Thúy, giáo viên trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng) đại diện cho đội ngũ nhà giáo có những chia sẻ sâu sắc về nghề.

Với kinh nghiệm 32 năm đứng trên bục giảng, cô Thúy thừa nhận, dạy học chưa bao giờ là một nghề dễ dàng. Thậm chí, nghề dạy học ngày càng trở nên khó khăn hơn trong thời đại của Internet, của toàn cầu hóa và chuyển đổi số.

Nhưng dù công nghệ thay đổi chóng mặt thì theo NGƯT Nguyễn Thị Bảo Thúy, nghề dạy học không thể biến mất và vai trò của người thầy vẫn không thể thay thế. Theo cô, máy móc không thể thay thế tình yêu thương, tin tưởng học trò và lòng đam mê của người thầy đối với hành trình giúp học trò chinh phục tri thức. Đó cũng là cốt cách, nhân phẩm và yêu cầu đặc thù đối với người làm nghề dạy học.

NGƯT Nguyễn Thị Bảo Thúy (sinh năm 1969) là thành viên trong đại gia đình có 6 anh chị em cùng theo nghề dạy học. Đặc biệt, em gái của cô là Nguyễn Thị Bảo Trâm (sinh năm 1974) cũng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu
Nhà giáo Ưu tú năm 2021. (Ảnh: Bức ảnh gia đình cô Thuý được chụp vào năm 2010)