Sập nhà 43 Cửa Bắc: Mối nguy thật từ nhà cũ nát
VOV.VN - Qua vụ sập nhà 43 phố Cửa Bắc và ý kiến của người dân cho thấy, mất an toàn tại các chung cư, các điểm chung cư rời lẻ, các biệt thự, nhà cũ nát…
3h30 sáng 4/8, ngôi nhà 3 tầng một tum tại 43 phố Cửa Bắc (Ba Đình, Hà Nội) đổ sập làm 2 người chết, 6 người được cứu thoát. Vụ việc này lần nữa cảnh báo mối nguy chết người từ nhà cũ nát.
Đã nhiều giờ trôi qua, nhưng ông Trần Tuấn Anh, chủ ngôi nhà 43 phố Cửa Bắc bị sập vẫn chưa hết bàng hoàng. Cách đây 2 ngày, ông Trần Tuấn Anh đã cảnh báo hàng xóm về việc đào móng xây nhà có thể gây nguy cơ mất an toàn cho nhà mình. Dù đã hứa dừng lại, nhưng chủ nhà số 41 vẫn tiếp tục cho đào móng.
Ngôi nhà 43 Cửa Bắc bị sập hôm 4/8 (ảnh: Thu Thủy) |
Căn nhà số 41 Cửa Bắc trước đây là nhà sở hữu Nhà nước, nhưng đã bán cho hộ cá nhân từ năm 2012. Đại diện Thanh tra xây dựng quận Ba Đình cho biết, căn nhà 41 Cửa Bắc có giấy phép xây dựng.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 2 (phụ trách địa bàn quận Ba Đình Hà Nội) cho biết, nguyên nhân chính của vụ sập nhà là do nền móng của khu vực này không tốt, việc xây dựng ngôi nhà này lâu rồi cho nên không đảm bảo độ vững. Thêm vào đó, việc đào móng của nhà bên cạnh không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật chống đỡ gây ra vụ đổ sập.
Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Nguyễn Quang Huy, Phòng Quản lý kỹ thuật và Giám định chất lượng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau sự cố sập nhà 43 phố Cửa Bắc, để đảm bảo an toàn cho những hộ dân xung quanh, ngành chức năng thành phố tiến hành di dời và chống đỡ các căn nhà liền kề.
Như vậy, trong vòng chưa đầy một năm, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 2 vụ sập nhà. Trước đó, vào tháng 9/2015 là vụ sập nhà biệt thự tại 107 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm làm 2 người chết.
Biết sự việc, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) rất đau lòng và chia sẻ với các gia đình nạn nhân. Trả lời báo chí, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, việc rà soát lại toàn bộ nhà ở các khu phố cổ là điều đương nhiên, nếu không, những thiệt hại tiếp theo là điều khó tránh.
Bà nói “Ví dụ như những nhà cũ, nhà cổ ở gần ga Hà Nội bây giờ, tôi thấy cũng nằm trong diện báo động. Chúng ta phải có quyết tâm rà soát tổng thể và khắc phục ngay những nguy cơ, nguy hại đến tính mạng của chủ nhân những ngôi nhà đó. Các quận phải có kế hoạch cụ thể, nhất là những quận trung tâm, quận cũ trước đây – nơi tồn tại nhiều nhà đã xây dựng từ lâu đời, không còn kiên cố. Công tác rà soát theo kế hoạch cụ thể, không để người dân sống trong lo lắng”.
Tuy nhiên, ĐB Trần Thị Quốc Khánh cũng quan ngại đến một số lý do chủ quan, như việc cơi nới, xây dựng trái phép. Bà cho rằng: Với những kết cấu quá cũ nhưng vẫn cố tình kiến thiết hay cơi nới, người dân xung quanh đã có ý kiến thì chính quyền kiên quyết kiểm tra xem xét, xử lý nghiêm. Cũng cần cảnh báo với những người dân sống xung quanh những ngôi nhà tiềm ẩn nguy cơ. Trong luật pháp đã có những quy định rất rõ ràng. Vấn đề người thực thi pháp luật thế nào và người dân thực hiện luật pháp ra sao. Do vậy, sai ở khâu nào thì khâu đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ĐB Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu tại kỳ họp HĐND TP hôm 2/8, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP HN chia sẻ, “lãnh đạo thành phố rất lo lắng khi người dân ở trong chung cư cũ nát”.
Bởi dù đã có chủ trương từ lâu, nhưng 15 năm qua, Hà Nội mới cải tạo được 14 chung cư trong tổng số 1.597 tòa nhà và trên 200 địa điểm chung cư rời lẻ của các bộ, ngành đã được bán theo Nghị định 61. Bà Phạm Hồng Linh, cư dân phố Hàng Giầy, nằm trong khu phố cổ Hà Nội, nói: “Khu này vẫn còn nhiều nhà cũ, nên cứ thế này thì còn sập, chúng tôi lo lắng lắm. Chính quyền cần có giải pháp hoặc cảnh báo cho người dân đừng để nhà nào tự lo nhà ấy...”.
Qua vụ sập nhà 43 phố Cửa Bắc và ý kiến của người dân cho thấy, mất an toàn tại các chung cư, các điểm chung cư rời lẻ, các biệt thự, nhà cũ nát trên địa bàn Hà Nội không còn là hồi chuông cảnh báo, mà thật sự là mối nguy./.