Sau Tết, Gia Lai chủ động phòng chống cháy rừng
VOV.VN - Ngay sau Tết Bính Thân, bước vào cao điểm của mùa khô, cán bộ, nhân viên tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng.
Sau Tết nguyên đán, Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng bước vào cao điểm mùa khô, nhiều diện tích rừng trong đang ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Chính quyền, các ngành chức năng, chủ rừng đã chủ động các biện pháp phòng chống cháy rừng.
Rừng phòng hộ Ia Ly ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai rộng 12.000 ha, chủ yếu là rừng thông. Với đặc điểm khí hậu khô nóng, gió lớn và thảm thực bì dày, rừng phòng hộ Ia Ly có nguy cơ cháy cao.
Ngay sau Tết Bính Thân, bước vào cao điểm của mùa khô, cán bộ, nhân viên của Ban cùng với chính quyền địa phương chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng.
Ông Vũ Văn Thảo, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly cho biết, trước đây rừng thường xuyên bị cháy nhưng 2 năm nay, nhờ thực hiện tốt công tác phòng ngừa, rừng phòng hộ Ia Ly chưa xảy ra vụ cháy nào.
Ông Thảo nói: “Về cơ bản, toàn bộ công tác chuẩn bị về lực lượng và nhân lực vào mùa khô là rất quyết liệt. Chúng tôi đã bắt đầu trực 24/24 và tổ chức các tổ trạm đi tuần tra, kiểm soát, kết hợp với các hộ nhận khoán cũng như chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm để làm tốt công tác phòng chống cháy rừng”.
Việc huy động người dân địa phương cùng tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung và phòng cháy, chữa cháy rừng nói riêng tại tỉnh Gia Lai trong những năm qua đã có những kết quả tích cực.
Nhiều diện tích rừng được bảo vệ tốt hơn. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhờ có thêm nguồn kinh phí từ Quỹ dịch vụ môi trường rừng nên công tác phát dọn thực bì và đốt trước có điều khiển được triển khai ngay từ đầu mùa khô. Từ đó, hạn chế để xảy ra cháy rừng và các vụ cháy nếu xảy ra cũng được dập tắt nhanh hơn.
Phát dọn thực bì |
Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 700.000 ha rừng. Trong đó, diện tích rừng có nguy cơ cháy cao chiếm khoảng 40%, tập trung ở các huyện Chư Păh, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Mang Yang, Prông Pa và huyện Ia Pa.
Trong khi đó, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên, mùa khô năm 2016 này sẽ còn khắc nghiệt hơn nhiều năm, nắng nóng và khô hạn sẽ kéo dài, nguy cơ cháy rừng sẽ diễn biến rất phức tạp. Do đó, các ngành chức năng và đơn vị chủ rừng đã chủ động triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy. Đồng thời, các chủ rừng tích cực tổ chức tuyên truyền tới người dân về công tác phòng chống cháy rừng, tổ chức tuần tra khu vực trọng điểm dễ cháy.
Ông Trương Văn Nam, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, nói: “Đến thời điểm bây giờ trên địa bàn huyện có 4 đơn vị chủ rừng đã làm tương đối hoàn tất công tác phòng cháy chữa cháy. Chúng tôi đã làm các công trình lâm sinh như phát đốt trước và bố trí trực gác 24/24, hạn chế thấp nhất việc xảy ra cháy rừng trong năm 2016”.
Tây Nguyên đang bước vào cao điểm của mùa khô, việc triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng là điều cần thiết. Những ngày vui xuân đón Tết, nhưng lực lượng bảo vệ rừng ở Gia Lai vẫn không quên nhiệm vụ phòng chống cháy rừng./.