“Siêu âm toàn bộ hệ thống đê điều xem có an toàn hay không”

VOV.VN - Hệ thống đê điều ở Việt Nam có từ hàng trăm năm, có nơi xảy ra vi phạm hành lang, đê xuống cấp gây ra nhiều nguy cơ khi mùa mưa lũ về.

Ngày 26/6, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị trực tuyến Chủ tịch cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nguyễn Hoàng Hiệp, hệ thống đê điều của Việt Nam lớn nhất thế giới, gần 9100km đê, trong đó 2700km từ cấp 3 trở lên,... thách thức lớn nhất hệ thống xuống cấp.

“Cần siêu âm để ra kết quả an toàn hay không của hệ thống đê, hiện nay cách thức làm đang chỉ dựa vào kinh nghiệm, dẫn tới tình trạng đê xuống cấp, đùn sủi xảy ra ở rất nhiều nơi gây ra những nguy cơ rất lớn khi lũ lớn về cộng với những hiện tượng cực đoan”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành, nhiều nơi chính quyền địa phương và người dân nhận thức chưa đầy đủ, cho rằng khi xây dựng các hồ chứa thuỷ lợi lớn trên các hệ thống sông để phục vụ điều tiết lũ và phát điện thì dưới vùng hạ du không còn lũ, dẫn đến tình trạng chủ quan, xem nhẹ vai trò của hệ thống đê điều; các cấp chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong đầu tư, duy tu bảo dưỡng đê điều cũng như chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định.  

Tổng số vi phạm từ năm 2011 đến 5/2020 đã xảy ra 10.678 vụ, giải tỏa, xử lý được 3.276 vụ, còn tồn đọng 7.402 vụ. Trong 5 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 126 vụ, giải tỏa, xử lý được 55 vụ, còn tồn đọng 71 vụ.   

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nguyễn Hoàng Hiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, tình trạng vi phạm về đê điều còn tràn lan gây ra nhiều nguy cơ rất lớn. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với cảnh sát để xử lý triệt để tình trạng này. Hiện còn hơn 7.100 vụ việc vi phạm còn tồn đọng, có nơi còn mang yếu tố lịch sử. Nếu làm không xử lý nghiêm đừng nói câu chuyện an toàn, đừng nhìn lợi ích trước mắt trong việc sử dụng một số bãi sông hay hút cát lên bán,… nhưng hậu quả khôn lường nếu lũ đến. Tất nhiên việc đầu tư phải đảm bảo an toàn trước sau đó mới nghĩ đến thẩm mỹ”.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, trước mắt Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê thực hiện đầy đủ, nghiêm túc 12 nhiệm vụ trong công tác đê điều. “Với tư cách là Phó Bí thư huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện tham mưu cho Bí thư, Ban Thường vụ huyện ủy triển khai và có kế hoạch thực hiện với những nội dung hết sức cụ thể đối với Chỉ thị 42 của Ban Bí Thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND huyện cần quan tâm, chỉ đạo việc kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng xung kích, lực lượng tuần tra canh gác tróng đó chú trọng việc phối hợp giữa các đoàn thể và nhân dân đặc biệt là khi có sự cố xảy ra phải kịp thời xử lý ngay giờ đầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên