Sóng dữ tàn phá, uy hiếp đê biển Tây Đất Mũi - Cà Mau
VOV.VN -Tình hình sạt lở ven biển Cà Mau vốn đã rất nan giải. Từ đầu tháng 8 đến nay, thời tiết cực đoan diễn biến bất thường càng làm tình trạng nghiêm trọng.
Cà Mau có bờ biển dài hơn 250 km. Thời gian qua, tình trạng sạt lở ven biển diễn ra trên khoảng 105 km. |
Hàng trăm ha đất rừng bị mất trong mùa mưa bão (khoảng tháng 5 – 11) hằng năm. |
Xuất hiện nhiều vị trí sạt lở đặc biệt nghiêm trọng (không còn đai rừng), uy hiếp đê biển Tây. |
Gần đây, thời tiết cực đoan hoành hành càng làm tình hình thêm trầm trọng. |
Cấp bách nhất là đoạn sạt lở thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. |
Đoạn từ hòn Đá Bạc đến cống Kênh Mới của xã chỉ dài khoảng 4 km nhưng có đến 3 vị trí sóng lớn trực tiếp uy hiếp chân đê phòng hộ. |
Anh Tạ Văn Trình, hộ dân sống dưới chân đê cho biết, vào khoảng năm 2000, diện tích rừng kéo dài ra biển khoảng 500 – 700 mét. |
Nhưng hiện nay, chỉ cách một con đê là nước biển vào tới ruộng lúa, nhà cửa của người dân trong vùng ngọt hóa. |
Hòn Đá Bạc vốn nằm ẩn xa sau những tán rừng đước, rừng mắm thì nay lộ thiên trước mặt người dân sống ven đê. Nhiều giải pháp tạm đang được triển khai để bảo vệ đê. |
Tình trạng sạt lở không chỉ diễn ra ở biển Tây, mặt biển Đông của Cà Mau cũng rất nan giải. Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Cà Mau đã mất gần 9.000 ha đất rừng phòng hộ và hằng ngày biển vẫn đang “gặm nhấm” đất rừng. |
Có những khu vực dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp, uy hiếp cuộc sống người dân. Tỉnh Cà Mau đang có khoảng 8.700 hộ dân sống ven biển cần được hỗ trợ di dời vào nơi an toàn./. |