Tái diễn tảo nở hoa, tôm cá tiếp tục chết hàng loạt ở vịnh Xuân Đài
VOV.VN - Thời tiết nắng nóng, nhiều vùng nước trong khu vực Vịnh Xuân Đài chuyển màu đỏ trở lại, tôm hùm và cá lồng tiếp tục chết hàng loạt.
Vịnh Xuân Đài thuộc thị xã Sông Cầu sau mấy ngày nắng như đổ lửa, từ sáng qua đến nay (6/6), cả một vùng nước rộng lớn trải dài từ xã Xuân Phương đến phường Xuân Yên, Xuân Phú chuyển thành màu đỏ quạch. Hiện tượng này rất giống với hiện trạng môi trường nước ngày 24 và 25/5, thời điểm tôm hùm nuôi tại phường Xuân Yên và xã Xuân Phương bị chết hàng loạt.
Ông Phạm Văn Thìn, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu cho biết thời tiết càng nóng, càng làm tảo trong nước đỏ, nhất là vào những thời điểm có mặt trời.
Hiện tượng tảo nở hoa tái diễn tại vùng biển vịnh Xuân Đài gây ô nhiễm nặng, đe doạ đến các lồng nuôi thuỷ sản. Những người nuôi tôm hùm khu vực này tất bật kêu gọi tàu thuyền để kéo lồng bè tôm hùm đi các vùng biển khác để cứu con tôm, con cá.
Sau hơn nửa ngày vật lộn cứu nguy 3 lồng tôm còn sót lại, ông Đỗ Tấn Diễn cho biết mình đã kiệt sức. Bao vốn liếng đổ vào đầu tư 20 lồng tôm hùm đến nay lại trắng tay.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, tính đến ngày 2/6, gần 770.000 con tôm hùm với tổng trọng lượng gần 400 tấn tôm của trên 500 hộ dân thuộc xã Xuân Phương và phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên bị chết. Ước thiệt hại trên 700 tỷ đồng- mức thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. Tình trạng này đang khiến cho người nuôi tôm lao đao, nhiều người sạt nghiệp.
Trước tình hình tôm hùm, cá chết hàng loạt,Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đã khuyến cáo người nuôi tôm chú trọng thu dọn vệ sinh lồng bè, giảm mật độ tôm hùm trong mỗi lồng nuôi từ 80- 90 con xuống 50 con/lồng, đồng thời kiểm quản nguồn thức ăn cung cấp cho tôm không để dư thừa, thường xuyên thu gom, xử lý chất thải để hạn chế nguy cơ ô nhiễm và ngăn ngừa tảo độc phát triển…
Hà Tĩnh: Nước đập Ươi đen ngòm, cá tôm chết hàng loạt
Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Phú Yên cũng khuyến cáo, đối với các lồng nuôi còn tôm bà con nuôi tôm cần theo dõi chặt chẽ từ đêm về sáng để kịp thời có những giải pháp hỗ trợ tôm vượt qua giai đoạn này. Theo đó, trong các trường hợp cần thiết người nuôi có thể tạo ô xy tại khu vực lồng nuôi để tăng hàm lượng ô xy cho tôm; đồng thời, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm hùm nuôi tại các lồng, bè.
Ông Nguyễn Minh Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên cho biết các hộ nuôi trồng nên di chuyển lồng nuôi ra vùng nước thông thoáng hơn, vệ sinh lồng nuôi cho tốt, nâng lồng cách đáy khoảng 2m. Đồng thời cần thu gom tôm chết để tập trung chôn lấp, xử lý.
Một giải pháp ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài cho người nuôi tôm hùm cần phải được triển khai ngay lúc này./.