Thẩm mỹ trá hình khó quản lý do chủ quan?
VOV.VN - Nhiều cơ sở thẩm mỹ chui, các bác sĩ “tay ngang” bắt tay với các cơ sở không phép thực hiện dịch vụ thẩm mỹ dạo, nguy cơ đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
Trong khi đó nhiều đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ còn “chủ quan” nguy cơ gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với tính mạng người bệnh. Đó là một số nội dung được nhấn mạnh tại “Hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ” diễn ra chiều nay, do Sở Y tế TPHCM tổ chức.
Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas (ở Quận 10, TP.HCM) làm nữ khách hàng tử vong ngày 17/10. |
Sở Y tế TPHCM cho biết đang quản lý 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có đơn vị/khoa thẩm mỹ và 186 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, cùng 8 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Tuy nhiên, việc phát triển các dịch vụ làm đẹp như “nấm mọc sau mưa” tạo ra thách thức không cho nhỏ trong công tác quản lý.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường – Quyền chánh Thanh tra Sở Y tế TP, quá trình thanh kiểm tra đã ghi nhận các cơ sở trên thường xuyên quảng cáo chưa được phê duyệt hoặc vượt quá phạm vi; hành nghề không có chứng chỉ hành nghề, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn; hồ sơ bệnh án không được ghi chép đầy đủ; hoạt động khi chưa có giấy phép; thuốc và thiết bị y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Đặc biệt, các cơ sở chăm sóc da, spa thường thực hiện các thủ thuật xâm lấn trá hình, kết hợp các bác sĩ để phẫu thuật dạo… gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và tìm mọi cách để che giấu cơ quan chức năng.
Tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Phó Phòng nghiệp vụ y – Sở Y tế cho biết: sau những ca tử vong gần đây, hội đồng chuyên môn đã “chỉ điểm” nhiều lỗi chủ quan của các bệnh viện, phòng khám thẩm mỹ, có thể nói là “ẩu” trong quá trình hành nghề, nguy cơ gây ra nhiều tai biến y khoa. Cụ thể là việc khai thác bệnh sử, tiền sử người bệnh nhằm phát hiện các bệnh lý nội khoa trước khi duyệt mổ cho người bệnh không được chú trọng. Ví dụ như đối với phụ nữ trong tuổi sinh đẻ phải lưu ý việc có thai hay không, các bác sĩ phải khai thác kỹ và ghi vào các phiếu khảo sát kỳ kinh cuối của người phụ nữ đó. Thế nhưng, nhiều nơi đã không thực hiện việc này.
PGS, TS - BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ thí điểm các hoạt động thanh tra, kiểm tra một cách chặt chẽ với cách thức mới, tìm cách tiếp cận các dịch vụ quảng cáo không phép để lấy bằng chứng, xử phạt nặng các đơn vị quảng bá vượt chuyên môn, dùng chiêu trò dẫn dụ khách hàng…
Về việc quản lý nhân sự, tránh trường hợp tiếp nhận bác sĩ hợp tác phẫu thuật thẩm mỹ nhưng không quản lý được giấy phép, chứng chỉ hành nghề thật – giả như đã xảy ra tại bệnh viện Emcas (Quận 10), ông Tăng Chí Thượng nói: "Chúng tôi có một kiến nghị làm thế nào để phát huy được nguồn nhân lực, phải có một giải pháp, hợp đồng rõ ràng giữa bác sĩ giám đốc với các bác sĩ, khi anh đang hành nghề ở đây mà muốn sang chỗ khác hợp tác thì phải được sự đồng ý của giám đốc nơi anh đang hành nghề, cho phép làm những lĩnh vực gì, thời gian làm lúc nào, không thể một thời điểm làm 2 nơi"./.
Bác sĩ nâng ngực làm chết người tại Thẩm mỹ Emcas dùng chứng chỉ giả