Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948-11/6/2018) diễn ra vào sáng nay (3/6) tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm của Chủ nghĩa Mác–Lê nin về thi đua và phong trào cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng quan điểm về thi đua lên một tầm tư tưởng, coi thi đua là một phẩm chất đạo đức, thể hiện lòng yêu nước của người Việt Nam. Người nói thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948-11/6/2018). |
Ngày 11/6/1948 giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Người chỉ rõ: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở thành một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”.
Người khẳng định: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể thắng lợi, mà chúng ta nhất định thắng lợi trong thi đua ái quốc”.
Lời kêu gọi đã có sức lôi cuốn, động viên hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vượt qua mọi hy sinh gian khổ lập nên chiến công hiển hách, thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thi đua đã thực sự trở thành động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Tổng Bí thư chỉ rõ, từ tinh thần đó, nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực như: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”...
Trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc, các phong trào thi đua hướng vào giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất của cả nước và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đó là thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội và tình trạng kém phát triển trở thành nước đang phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia, tích cực hội nhập quốc tế.
Trong những năm gần đây, chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã được các ngành, các cấp hưởng ứng tích cực bằng nhiều phong trào thi đua liên tục, thiết thực, rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, huy động nhiều nguồn lực xã hội.
Tiêu biểu là các phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động - Sáng tạo”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Dạy tốt - Học tốt”, “Dân vận khéo”... Đặc biệt là 3 phong trào trọng tâm cả nước là “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị lùi lại phía sau”.
Từ trong phong trào thi đua xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến tiêu biểu với nhiều đề tài, sáng kiến giải pháp hữu hiệu, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng nghìn tỉ đồng...
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong phong trào thi đua. |
Bên cạnh ghi nhận những kết quả to lớn đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm.
“Phong trào thi đua phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ chính trị. Việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, còn để xảy ra tình trạng “chạy” thành tích, “chạy” khen thưởng, “chạy” huân chương. Việc khen thưởng với những người lao động trực tiếp sản xuất như nông dân, công nhân tuy đã được quan tâm nhưng còn ít...
Việc phát hiện, bồi dưỡng tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao, tuyên truyền thiếu đồng bộ, sinh động, thuyết phục làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể, cá nhân.
Tổng Bí thư yêu cầu: “Những hạn chế, khuyết điểm đó cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục”.
Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng từ TW tới cơ sở, người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, tổ chức và những cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng cần đào sâu suy nghĩ, đề cao trách nhiệm, tiếp tục đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tham mưu và tổ chức thực hiện để công tác thi đua khen thưởng thực sự là phương thức lãnh đạo của Đảng, phương thức quản lý của chính quyền và là động lực để xây dựng con người mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.
Tổng Bí thư nhắn nhủ cần đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ đã dạy, phong trào thi đua phải thiết thực, đem lại lợi ích thiết thân cụ thể cho đất nước, xã hội, con người.
Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua phấn đấu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vì hạnh phúc của nhân dân phải trở thành ý chí quyết tâm tình cảm và hành động của tất cả mọi người”.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu cần tăng cường việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và đổi mới mạnh mẽ việc biểu dương khen thưởng: “Bác Hồ đã nói thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch, biểu dương là phải kịp thời công tâm, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả kinh tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo. Chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất công tác”.
|
Tổng Bí thư trích dẫn câu nói của Bác: "Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch..." để yêu cầu các cấp tăng cường việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và đổi mới mạnh mẽ việc biểu dương khen thưởng. |
Kết thúc bài diễn văn, Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng phát động phong trào thi đua, chính Người là tấm gương mẫu mực, là nguồn cổ vũ lớn lao cho các phong trào thi đua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua nói chung đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có sức sống mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta”./.