Thông điệp giản dị “Đứng yên khi Tổ quốc cần” và những điều lớn lao
VOV.VN - Trong khi cách ly, có thể điều kiện chưa đáp ứng được hết nhu cầu nhưng đa số người Việt Nam và cả người nước ngoài đều phản hồi tích cực sau khi ra.
Trong giai đoạn 2 của cuộc chiến chống Covid - 19 ở nước ta, đâu đó đã có một số hình ảnh không đẹp về việc không khai báo y tế trung thực, trốn tránh cách ly y tế hoặc gây mất trật tự tại sân bay. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có nhiều hơn những hình ảnh đẹp, sự hợp tác, tuân thủ thực hiện các quy định chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong giai đoạn tổ chức cách ly y tế quy mô lớn chưa từng có như hiện nay, có thể điều kiện phục vụ chưa đáp ứng được hết nhu cầu của mọi người nhưng thật đáng mừng là không chỉ đa số người Việt Nam mà cả người nước ngoài cũng có những phản hồi tích cực sau khi vào các khu cách ly.
Người dân vẫn chơi thể thao rèn luyện sức khỏe trong khu cách ly. |
"Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần!", đó là thông điệp pha chút hài hước được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội những ngày qua, với hàm ý người dân cần hạn chế đi lại, tránh tụ tập đông người và cần hợp tác thực hiện cách ly y tế nếu trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-9. Đọc được thông điệp này từ khi còn đang ở Hà Lan nên khi về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội), anh Nguyễn Thanh Tùng không thấy quá bất ngờ khi mình thuộc diện phải cách ly y tế tập trung.
“Em và nhiều người thấy ở khu cách ly sạch sẽ, thoáng đãng, ăn uống đầy đủ. Ở bên Hà Lan lúc em chuẩn bị về, chính quyền bên đó mới bắt đầu có những quy định cấm người dân ra đường tập trung đông người. Trước đó người dân chỉ được khuyến cáo ở nhà tự cách ly chứ chưa sát sao như Việt Nam”.
Khu cách ly của quân đội ở Quốc Oai, Hà Nội không có mạng wifi nhưng anh Nguyễn Thanh Tùng vẫn có thể làm việc trực tuyến, đọc tin tức và liên hệ với người thân, bạn bè qua điện thoại kết nối mạng 4G.
Khu vực cách ly đặc biệt. |
“Mặc dù các kế hoạch của cá nhân đều phải điều chỉnh hoặc dừng lại nhưng mọi việc đều có thể sắp xếp được. Mọi người cũng nhận ra rằng sức của chính mình và cộng đồng là điều quan trọng hơn cả”, anh Thành chia sẻ.
Cũng đang ở khu cách ly tập trung tại một doanh trại quân đội ở Sơn Tây, Hà Nội, một mình nơi đất khách, nhưng chàng thanh niên người Anh Gavin Wheeldon lại cảm thấy giống như đang đi nghỉ. Viết nhật ký về cuộc sống hàng ngày trong khu cách ly, Gavin Wheeldon khen đồ ăn ngon, các món rau và khoai tây rất tươi. Bày tỏ cảm kích trước sự vất vả của những người đang làm nhiệm vụ cách ly, anh viết, "Sân bay hỗn loạn nhưng sự kiểm dịch được tổ chức rất sát sao. Điều đó chứng tỏ rằng khi cả thế giới còn đang chờ đợi thì Việt Nam đã bước vào khâu chuẩn bị rồi".
Cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị bữa ăn cho những người được cách ly. |
Những dòng nhật ký của Gavin Wheeldon đang khiến dư luận quốc tế bày tỏ ngưỡng mộ với cách đối đãi của người Việt trong những khu cách ly tập trung. Và mới đây Đại sứ Anh tại Việt Nam đã nói bằng Tiếng Việt cảm ơn Chính phủ Việt Nam thông qua một clip như thế này: “Thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ rất nhiều du khách người Anh thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan của virus Corona. Tôi mong muốn được gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các bác sĩ, cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam vì đã giúp chúng tôi hỗ trợ các công dân Anh trong thời gian qua. Rất nhiều du khách Anh đã bày tỏ lòng biết ơn tới người Việt Nam...”.
Rất nhiều người sau khi hết thời gian cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở tập trung đã không quên gửi lời cảm ơn tới các các y bác sĩ và lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ... Những câu chuyện nhân văn như người mẹ trong khu cách ly viết lên tấm bìa nhờ lực lượng bên ngoài mua giúp hộp sữa cho con và chỉ ít phút sau đã được đáp ứng, khiến cả cộng đồng mạng cảm động.
Cũng từ đây, câu nói của một nhân vật trong showbiz chê bai khu cách ly hoặc một nhóm hành khách gây mất trật tự tại sân bay lúc chờ đi cách ly, trở nên lạc lõng. Bởi trong cả nước còn biết bao người đang thầm lặng với công việc chống dịch hoặc lặng lẽ thực hiện các quy định cách ly.
Anh Phạm Thanh Yên, ở thành phố Hạ Long - một nghệ sĩ ở Đoàn nghệ thuật Rối, Quảng Ninh tâm sự: “Có một số khách nước ngoài đến xem chúng tôi biểu diễn và chúng tôi có tiếp xúc gần. Vì vậy chúng tôi phải tự cách ly. Tôi cứ ở yên trong nhà không đi đâu, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay xà phòng. Tôi thấy cũng dễ dàng vượt qua”.
Từ trong các khu cách ly, nhiều người cũng chia sẻ, dù sao thì vẫn còn được trong chăn ấm. Ngoài kia mưa phùn, giá rét, đêm đông, biết bao lực lượng vẫn phải làm nhiệm vụ truy tìm tung tích để giúp những người tiếp xúc gần với mầm bệnh thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19.
Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, ý thức và sự hợp tác của người dân mới là điều quyết định chiến thắng của cuộc chiến với dịch bệnh: “Hiện nay việc làm các thủ tục nhập cảnh từ Châu Âu về có thể thực hiện auto gate nên không thể hiện trong hộ chiếu. Đòi hỏi người dân phải khai báo y tế trung thực. Thứ 2 là phải bình tĩnh, hợp tác với lực lượng chống dịch…”.
Cả nước đang “Chống dịch như chống giặc”, nhiều người đã phải xông pha nơi tuyến đầu, trực tiếp đương đầu với dịch bệnh. Song, với nhiều người, chỉ cần đứng yên, hợp tác, thực hiện quy định về cách ly là đã giúp ích cho chính mình và cộng đồng rồi, chứ chưa nói gì đến những điều lớn lao khác như “khi Tổ quốc cần, phải biết hy sinh”./.