Thuê người cưa cây để bảo vệ rừng ở Gia Lai: Vì đâu nên nỗi?
VOV.VN - Một sự việc hy hữu vừa xảy ra tại công ty lâm nghiệp Đăk Roong (tỉnh Gia Lai) khi nhân viên của công ty này thuê người cưa cây để bảo vệ rừng
Điều gì đã khiến cho người bảo vệ rừng phải dùng đến giải pháp như vậy?
Những khúc gỗ nằm ngổn ngang trên con đường tuần tra bảo vệ rừng thuộc Tiểu khu 21 và 27, giữa lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Roong và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Trạm Lập, xã Đăk Roong, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai. Có cây đường kính 40cm, có cây 60cm, thậm chí cây hơn 1mét đã bị cưa hạ.
Những khúc gỗ nằm ngổn ngang trên con đường tuần tra bảo vệ rừng, lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Roong |
Theo ông Lâm Quốc Trung, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong, những cây gỗ bị cưa hạ chủ yếu là gỗ Chua Khét, Trâm bóc tròng. Trước đây, trong giai đoạn còn khai thác rừng, những cây gỗ này bị chặt thải loại. Nghĩ rằng đây là những cây gỗ kém giá trị, khoảng tháng 9/2018, các nhân viên địa bàn đã thuê người cưa cây hạ xuống đường tuần tra với mục đích là để cản đường di chuyển của lâm tặc:
“Đối tượng lâm tặc lén lút, rình rập và căn đường. Mà những cây gỗ này là những cây gỗ tạp, phi mục đích, không có giá trị kinh tế. Anh em nghĩ như thế nên mới xảy ra vi phạm để ngăn cản không cho lâm tặc vận chuyển gỗ qua tuyến đường này nhằm hạn chế khai thác rừng, vận chuyển gỗ trái phép về nơi khác”, ông Trung cho biết.
Một cây Chua Khét đường kính khoảng 60cm bị nhân viên Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong thuê người cưa hạ xuống đường tuần tra bảo vệ rừng. |
Số gỗ Chua Khét và Trâm bóc tròng kém giá trị hiện là tang vật của vụ án Hủy hoại rừng tại Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong |
Cây gỗ Hồng Tùng (nhóm ) đường kính hơn 1m, một trong số 5 cây gỗ giá trị đã bị lâm tặc cưa hạ, xẻ gỗ và vận chuyển ra khỏi rừng. |
Ông Trương Văn Bốn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Roong cho biết, 2 nhân viên đã thuê người cưa cây rừng là Đồng Anh Tuấn (30 tuổi, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng số 3) và ông Đậu Minh Giang (35 tuổi, nhân viên bảo vệ rừng), cùng được giao bảo vệ Tiểu khu 21 và 27. Các nhân viên thuê người cưa cây mà không xin ý kiến, không báo cáo Công ty. Giải trình với cơ quan, hai nhân viên Tuấn và Giang cho biết, sau khi phát hiện một vài điểm khai thác gỗ trái phép trong lâm phần quản lý, lo sợ bị kiểm điểm, kỷ luật đã thuê người cưa cây để chặn đường lâm tặc.
Theo ông Bốn, về mặt pháp luật, các nhân viên đã sai nhưng sâu xa là có nguyên nhân từ áp lực bảo vệ rừng quá lớn. Địa bàn thì rộng mà lâm tặc lại lộng hành, tinh vi, việc nhắn tin, gọi điện đe đọa nhân viên bảo vệ rừng diễn ra thường xuyên. Trong lúc thiếu suy nghĩ, thiếu hiểu biết, các nhân viên đã làm điều dại dột.
“Bây giờ phá rừng là việc nóng, tất cả đơn vị đều vào cuộc làm hết. Qua quá trình đó cũng có mặt này mặt khác, do thiếu suy nghĩ, kinh nghiệm cũng chưa có đâm ra xảy ra vụ việc. Chứ bảo đảm không có cá nhân, tiêu cực hay phối hợp mục đích không tốt. Giờ việc đã xảy ra và cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, việc gì sai thì cơ quan cũng phải xử lý”, ông Bốn nói.
Mặc dù làm công tác bảo vệ rừng nhưng các nhân viên Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong đã thiếu hiểu biết về pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng. |
Liên quan đến vụ việc tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Roong, một cán bộ Kiểm lâm huyện Kbang cho biết, cùng với sự non kém, thiếu hiểu biết về pháp luật của người trực tiếp bảo vệ rừng, mặt tối của công tác bảo vệ rừng cũng được phơi bày. Sự lộng hành, tinh vi của lâm tặc đôi khi khiến người bảo vệ rừng trở thành “con tin” của lâm tặc. Nếu đồng ý cho lâm tặc hoạt động nghĩa là tiêu cực, tiếp tay cho lâm tặc và để mất rừng. Nếu không đồng ý cho lâm tặc hoạt động lập tức chúng sẽ quay sang chống phá, thậm chí chúng còn dùng các chiêu trò khiến cho người bảo vệ rừng bị kỷ luật, có thể bị mất việc.
“Những người trực tiếp bảo vệ rừng, những người làm công tác này trở thành con tin của lâm tặc. Nó chở ra một chuyến bị bắt, xin chở ra không được, bây giờ nó quay lại nó phá. Cưa hạ 1 cây rừng chỉ 5 phút là xong. Nó vô nó đổ hàng loạt, nửa đêm, 1-2 giờ sáng nó vô nó cưa rồi nó chạy thì mình cũng chết. Chứng cứ để bắt phạm tội quả tang là cả một vấn đề và tôi là nạn nhân của vụ như thế rồi”, một cán bộ kiểm lâm nói.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Roong. |
Các cơ quan chức năng huyện Kbang đã vào cuộc để điều tra vụ việc phá rừng tại Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong. Với 32 cây gỗ, tổng khối lượng gần 38m3 Hạt Kiểm lâm huyện Kbang đã khởi tố, chuyển hồ sơ cho Công an huyện điều tra.
Bước đầu Cơ quan điều tra đã xác định, có 5 cây gỗ giá trị thuộc 2 loại là Hồng Tùng và Dổi với khối lượng hơn 7mét khối bị lâm tặc khai thác trái phép và đã đưa ra khỏi rừng. 27 cây gỗ còn lại đều là loại kém giá trị, tổng khối lượng gần 31mét khối do nhân viên của Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong thuê người cưa hạ và toàn bộ số gỗ này vẫn còn ở hiện trường. Cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp Luật.
Có ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng là tốt nhưng cách thức thuê người cưa cây để bảo vệ rừng như hai nhân viên Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong là không ổn. Đây là giải pháp tiêu cực và việc làm này đã vi phạm pháp luật. Qua vụ việc cũng cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ rừng lúc này đang đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực, thậm chí bế tắc./.