Tình trạng xâm hại trẻ em: Hồi chuông báo động về đạo đức bị xuống cấp
VOV.VN - Tình trạng xâm hại trẻ em đã và đang ảnh hưởng đến an ninh trật tự, là hồi chuông báo động về đạo đức, lối sống xã hội đang bị xuống cấp.
Chiều nay (4/10), Đoàn giám sát của Quốc hội có buổi làm việc với thành phố Đà Nẵng về thực hiện chính sách pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, thời gian vừa qua tại một số địa phương xảy ra một số vụ xâm hại trẻ em, gây hậu quả nghiêm trọng và bức xúc trong nhân dân. Trước tình hình đó, Quốc hội có chương trình giám sát tối cao về phòng chống xâm hại trẻ em.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. |
Từ năm 2015 đến tháng 6/2019, tại thành phố Đà Nẵng xảy ra 64 vụ xâm hại trẻ em, tập trung các hình thức cố ý gây thương tích và xâm hại tình dục, nạn nhân chủ yếu trẻ em gái. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em phần lớn là nam giới và người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình... Tình trạng xâm hại trẻ em đã và đang ảnh hưởng đến an ninh trật tự, là hồi chuông báo động về đạo đức, lối sống xã hội đang bị tác động xấu.
Trong các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em ở Đà Nẵng, có vụ việc giải quyết theo quy định pháp luật nhưng cũng có vụ việc gặp khó khăn do vướng mắc trong quá trình thu thập chứng cứ, vướng quy định pháp luật. Trong đó, có 2 vụ nổi cộm là: Vụ chủ cơ sở giữ trẻ tư nhân “Mẹ Mười” Đinh Thị Hồng phạm tội “Hành hạ người khác” đã hoàn tất xử lý; Vụ đối tượng Bùi Văn Hời giết con gái và phi tang xác xuống Sông Hàn, hiện vụ án đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra thành phố Đà Nẵng làm rõ.
Thành phố Đà Nẵng kiến nghị nhiều giải pháp chống xâm hại trẻ em, trong đó Luật trẻ em cần tăng hình phạt đối với tội danh xâm hại tình dục trẻ em dưới 16 tuổi; tăng mức bồi thường đối với khoản tiền tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm bị xâm hại.
Vụ trẻ em bị xâm hại xảy ra tại chủ cơ sở giữ trẻ tư nhân “Mẹ Mười” gây bức xúc dư luận ở Đà Nẵng. |
Tại buổi làm việc, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, thời gian vừa qua, tại một số địa phương xảy ra một số vụ xâm hại trẻ em, gây hậu quả nghiêm trọng và bức xúc trong nhân dân. Bà Lê Thị Nga đánh giá cao một số mô hình, cách làm mới của thành phố Đà Nẵng trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là công tác phòng chống xâm hại trẻ em. Bà Lê Thị Nga cho biết, Luật trẻ em có hiệu lực năm 2017 có nhiều điểm mới, vì vậy thành phố cần ban hành kế hoạch triển khai Luật, trong đó chú trọng công tác phòng chống xâm hại trẻ em; đặc biệt lưu ý đến công tác phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em:
“Qũy Nhi đồng Liên hợp Quốc dự kiến sẽ chọn Đà Nẵng để xây dựng "sáng kiến thành phố thân thiện trẻ em", trong những tiêu chí thân thiện trẻ em là trẻ em được sống an toàn. Luật trẻ em có rất nhiều điểm mới cần có một kế hoạch riêng. Có một số nhóm trẻ có nguy cơ xâm hại nguy cơ cao là trẻ có bố mẹ ly hôn, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Chúng tôi đề nghị thành phố có giải pháp hữu hiệu, trước hết là quản số này, số lang thang cũng phải quản, để hạn chế thấp nhất vụ việc xảy ra gay bức xúc trong dư luận”, bà Lê Thị Nga nói./.