TPHCM cần xem lại trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác chống ngập
VOV.VN - Sáng nay (13/6), Thường trực HĐND TPHCM đã có buổi giám sát về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn thành phố
Buổi giám sát tại UBND TPHCM |
Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều hạn chế như bức tranh tổng thể về chống ngập đang thiếu một nhạc trưởng, công tác giải phóng mặt bằng nhiều nơi còn chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ. Ngay cả tính hiệu quả của các công trình cũng đang bị nghi ngờ khi tính kết nối giữa các dự án chưa rõ ràng.
Thực tế là đầu tư cho các dự án chống ngập khá nhiều nhưng hiệu quả chưa như mong muốn khi mưa vẫn ngập. Việc xử lý lấn chiếm kênh, rạch còn chưa có chế tài đủ mạnh nên không phát huy hiệu quả trong thoát nước. Ngoài ra, đại biểu cũng nghi ngại rằng các quy hoạch chống ngập như Quy hoạch 1547 và Quy hoạch 752 hiện đã không còn phù hợp.
Mưa ngập gây nhiều khó khăn cho người dân. |
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung nói: "Trong quy hoạch tổng thể của TP thì chống ngập như thế nào. Quy hoạch 752 và 1547 còn phù hợp với tốc độ tăng dân số ứng phó với biến đổi khí hậu còn phù hợp không? Những tác động và ứng phó của chúng ta như thế nào."
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan thừa nhận, thành phố đang đô thị hóa quá nhanh và dường như vượt quá tầm kiểm soát dẫn đến hậu quả về kẹt xe, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, do tác động của biến đổi khí hậu, tuần suất, vũ lượng mưa, triều cường xuất hiện cao nhất trong vòng 40 năm qua; dân số thành phố tăng gấp 5 lần so với trước năm 1975, tình trạng sạt lở lún nền xuất hiện rất nghiêm trọng dẫn đến… việc chống ngập trở nên nan giải.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu. |
Ông Hoan cũng thừa nhận những nhược điểm khác như công tác dự báo chưa chính xác, quy hoạch xây dựng thoát nước lạc hậu, không phù hợp trong đô thị phát triển, cần phải xem lại trách nhiệm quản lý nhà nước…
Trong thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đề ra, trong đó tập trung đẩy nhanh các quy hoạch, nghiên cứu đồng bộ. Đặc biệt là chuẩn bị các phương án đón đầu để khi dự án chống ngập 10.000 tỷ đưa vào sử dụng thì khi đó TPHCM sẽ là “Thành phố sông nước” với mực nước tại các sông, kênh rạch được giữ ở mức ổn định. Quan điểm của UBND TP là làm sao có sự hài hòa, tránh tình trạng “đường không ngập nhưng nhà dân ngập” như từng xảy ra ở đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân).
Cống Mương Chuối - thuộc công trình chống ngập gần 10 ngàn tỷ đồng. |
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nói: "Quan điểm TP là làm sao hài hòa, giải quyết sao mà đường công cộng không ngập mà nhà dân cũng không ngập. Như vậy phải tính toán không chỉ thuần túy cốt nền nâng cao con đường để không ngập mà trong quá trình nghiên cứu phải bằng nhiều biện pháp, có thể ngập đường trong thời gian ngắn nhưng không ngập nhà dân."
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đề nghị TP cần nhìn thẳng vào một số vấn đề, giải quyết tình trạng chống chéo, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, công tác chỉ đạo… UBND TP cần tăng cường tuyên truyền ý thức của nhân dân trong việc không xả rác ra kênh rạch, bên cạnh đó có biện pháp, chế tài xử phạt.
Về dự án chống ngập do triều gần 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Trung Nam, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP, các sở ngành, quận huyện làm đúng cam kết bàn giao mặt bằng trước ngày 30/6 để đảm bảo tiến độ.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ. |
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nói: "Trong chỉ đạo điều hành đề nghị UBND tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, các quận huyện và các ban ngành liên quan…Chú ý điều chỉnh cơ sở pháp lý để phù hợp, nhất là trong quá trình thực hiện để thuận lợi cho thủ tục hành chính, giải ngân và phát huy hiệu quả quản lý theo hướng tăng mạnh phân cấp ủy quyền."./.