TPHCM không đồng tình sáp nhập một số Sở

VOV.VN - Trước kế hoạch sáp nhập 1 số Sở, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm đề nghị giữ nguyên hiện trạng.

Dự thảo Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Trong đó, tại các địa phương, các đơn vị như Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ sáp nhập với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính với cơ cấu gồm Văn phòng, Thanh tra và không quá 10 phòng chuyên môn nghiệp vụ; Sở Xây dựng sẽ được sáp nhập với Sở Giao thông vận tải, nếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được sáp nhập thêm với Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm là: đề nghị giữ nguyên hiện trạng.
Chỉ cần một vài con số cụ thể như: dân số 13 triệu người, đóng góp 30% ngân sách, hơn 22% GDP cả nước…đã có thể khẳng định áp lực công việc ở các công sở của “siêu đô thị” Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 10/2014, bộ phận du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh được phép tách ra khỏi Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch để hình thành Sở Du lịch. Đến nay, hàng năm, du lịch của thành phố này thu hút hơn một nửa số du khách quốc tế đến Việt Nam, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách. Gần đây nhất, thành phố được thí điểm thành lập Ban An toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thực tế…
Như vậy, thực tế chứng minh việc tách Sở ngành hay hình thành ban đặc thù ở Thành phố Hồ Chí Minh là hợp lý. Hiện nay, thành phố sử dụng vượt mức 3 ngàn biên chế được giao nhưng với sức ép từ mức độ tăng dân số ngày càng cao, không vượt nhân sự thì không đủ người để hoàn thành các nhiệm vụ theo quy định. Nếu muốn giảm gánh nặng cho ngân sách trong chi trả lương thì phải bằng cách khác chứ không phải là sáp nhập hay giảm bớt.
Giáo sư - Tiến sỹ Huỳnh Trọng Khải, Hiệu trưởng trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: “Tất cả các địa phương đều giống nhau là không hợp lý. Có tỉnh chưa đến 1 triệu dân cũng có đầy đủ các Sở. Thành phố này cũng chỉ các sở như vậy, làm sao làm nổi. Nói một cách phù hợp nhất, dựa trên số dân, chúng ta mạnh dạn đề xuất rằng chúng tôi sẽ làm tốt nếu cho phép thành phố tách Sở Thể dục - Thể thao”.
Đó là lý do vì sao phải tách ra, phải thành lập mới. Còn lý do vì sao thành phố đề nghị giữ nguyên hiện trạng các Sở ngành hiện nay cũng tương tự như vậy. Đơn cử như Sở Kế hoạch và Đầu tư mà Bộ Nội vụ đang đề xuất nhập với Sở Tài chính là điều không thể ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phải giải quyết 273.000 hồ sơ, tiếp nhận 50.000 văn bản và phát đi 35.000 văn bản khác. Tại thành phố đang có 87 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư, hơn 6.722 dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư đang theo dõi. Mục tiêu của thành phố là năm 2017 thành lập mới 50.000 doanh nghiệp. Do vậy, mỗi tháng sẽ có hơn 4.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Đó là một khối lượng công việc khổng lồ.
Còn với Sở Xây dựng, đơn vị được đề xuất sáp nhập với Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, công việc cũng nặng nề không kém. Tính chất công việc càng phức tạp hơn khi thành phố đang quyết liệt thực hiện chỉnh trang đô thị.
Trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 vào ngày 27/3, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong một lần nữa khẳng định quan điểm của thành phố về vấn đề này: “Thành phố Hồ Chí Minh trả lời rất rõ ràng là: đề nghị giữ nguyên hiện trạng. Từ thực tế của thành phố với tính chất là một đô thị hết sức đặc biệt với quy mô dân số như vậy. Nếu sáp nhập lại, làm sao làm nổi. Mà nếu không làm nổi sẽ dẫn đến trì trệ, tác động đến sự phát triển và dứt khoát sẽ có ảnh hưởng đến cả nước”.

Trong Luật tổ chức chính quyền địa phương nêu rõ: Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới, phải đảm bảo các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp. Cùng với đó là phải căn cứ vào tình hình thực tế để đảm bảo bộ máy hành chính phù hợp nhất, phục vụ và thúc đẩy tốt nhất sự phát triển của thành phố./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đề xuất hợp nhất nhiều Sở và có thể không thành lập một số Sở
Đề xuất hợp nhất nhiều Sở và có thể không thành lập một số Sở

Bộ Nội vụ vừa đề xuất hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính...

Đề xuất hợp nhất nhiều Sở và có thể không thành lập một số Sở

Đề xuất hợp nhất nhiều Sở và có thể không thành lập một số Sở

Bộ Nội vụ vừa đề xuất hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính...