Trăn trở với Đồng bằng sông Cửu Long

VOV.VN -Hơn 20 năm ở vùng ĐBSCL, những phóng viên VOV không ngại khó khăn gian khổ đi mọi miền kênh rạch để cho ra đời những tác phẩm chân thực, sống động nhất.

Cách nay hơn 2 tháng, trong dịp tổ chức kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019), Hội Nhà báo Thành phố Cần Thơ đã tổng kết và trao giải Báo chí Phan Ngọc Hiển Thành phố Cần Thơ lần thứ XIII (năm 2018-2019).

Tại cuộc thi lần này, ở thể loại báo nói, giải Nhất đã được trao cho loạt tác phẩm 4 kỳ: “Thích ứng “kép” để sản xuất, tiêu thụ lúa gạo bền vững ở ĐBSCL” của nhóm tác giả Ngọc Năm- Thanh Tùng- Tấn Phong - Lam Hiếu, thuộc  Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh và Phó chủ tịch Dương Tấn Hiển chụp ảnh cùng các nhà báo VOV ĐBSCL.

Nhà báo Huỳnh Quốc Hoàng- Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Cần Thơ nhận xét: Chất lượng tác phẩm tham gia giải lần này cao hơn những năm trước về nghiệp vụ và giá trị nội dung, nhất là đã chuyển tải được nhiều vấn đề của vùng ĐBSCL. Nhiều tác phẩm có tính chiến đấu cao, góc nhìn đa chiều và nguồn tư liệu phong phú để độc giả tham khảo. Những tác phẩm nhiều kỳ có kết cấu chặt chẽ, cách thể hiện súc tích, dễ hiểu, phân tích, lý giải rõ ràng như loạt bài của nhóm phóng viên VOV khu vực ĐBSCL.

Tác phẩm dự thi năm nay phản ánh được nét riêng của mỗi địa phương, nhất là truyền tải được những vấn đề bức xúc đang đặt ra ở vùng ĐBSCL. Loại hình báo nói thì có những phóng sự phát thanh nhiều kỳ nhưng nội dung thu hút được sự chú ý của người nghe như tác phẩm “Thích ứng kép để để sản xuất tiêu thụ lúa gạo bền vững ở ĐBSCL” của VOV ĐBSCL” đã đạt giải nhất cuộc thi. Đây không phải là lần đầu tiên VOV ĐBSCL  đạt giải nhất mà mùa thi trước cũng đã đạt giải nhất”, nhà báo Huỳnh Quốc Hoàng cho biết.

Người dân ĐBSCL thu hoạch lúa nhưng lúc nào cũng canh cánh nỗi lo trúng mùa, rớt giá.

Mặc dù do Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ tổ chức nhưng từ lâu Giải báo chí Phan Ngọc Hiển được mở rộng qui mô toàn vùng. Mỗi năm có hơn 100 tác giả, nhóm tác giả là nhà báo chuyên và không chuyên đang tác nghiệp trong khu vực ĐBSCL gửi tham dự giải với số lượng lên đến hàng trăm tác phẩm. Điều đáng tự hào là trong 3 năm gần đây, phóng viên cơ quan thường trú VOV khu vực ĐBSCL liên tiếp đạt giải Nhất ở thể loại báo nói khi tham gia Giải này với các loạt bài: “Rà soát lại quy hoạch điện 7 vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL” trong năm 2017, “Mô hình nào cho y tế cơ sở - Nhìn từ khu vực ĐBSCL” trong năm 2018 và “Thích ứng “kép” để sản xuất, tiêu thụ lúa gạo bền vững ở ĐBSCL”  \trong năm 2019 này. Nữ nhà báo Lam Hiếu nằm trong nhóm tác giả có loạt bài đạt giải Nhất Gỉải báo chí Phan Ngọc Hiển năm nay tâm sự: Nông dân ĐBSCL làm ra hạt lúa rất vất vả, tuy nhiên cứ mãi chịu cảnh được mùa, mất giá, rồi liên tiếp bị thiên tai trong những năm gần đây khiến cho kinh tế kiệt quệ. Là một nhà báo, chị luôn day rứt, trăn trở về điều này và mong muốn góp tiếng nói của mình với hy vọng giúp người nông dân ở ĐBSCL mở ra một lối đi mới để vươn lên.   

“Tại tỉnh Kiên Giang, địa bàn mà tôi phụ trách, năm 2015 người dân tỉnh Kiên Giang bị một cái đợt hạn mặn lịch sử, thiệt hại của đợt hạn mặn này ảnh hưởng rất lớn khiến lần đầu tiên tỉnh Kiên Giang tăng trưởng nông nghiệp âm. Do ảnh hưởng của hạn mặn này, những năm sau đó người dân vẫn chưa khôi phục được thiệt hại về kinh tế. Sau đó, năm vừa rồi cũng như năm nay không những tình hình bão, lũ mưa gió, còn có tình trạng người dân sản xuất ra hạt lúa bán không được giá, thậm chí bán không có người mua. Với những người làm báo, chúng tôi đã đi, đã chứng kiến thì bản thân chúng tôi cũng cảm thấy rất  băn khoăn, từ đó cái nhóm phóng viên và trong đó có tôi tham gia viết loạt bài này và phản ánh về cái thực trạng này”.

Chịu khó lặn lội, không ngại vất vả, hiểm nguy, vì vậy những phóng viên thường trú VOV khu vực ĐBSCL luôn kịp thời nắm bắt những sự kiện “nóng hổi” vừa mới xuất hiện trong vùng, thấu hiểu những khó khăn, trăn trở của người nông dân nơi đây nên từ đó có những ghi nhận, phản ánh chính xác những sự kiện, vấn đề. Không chỉ nêu nguyên nhân, thực trạng, trong những bài viết của mình, nhóm phóng viên cơ quan thường trú VOV khu vực ĐBSCL còn mở ra hướng đi để giải quyết những khó khăn, bất cập ở từng vụ việc cụ thể mang tính toàn vùng.

Nhà báo VOV ĐBSCL trong một lần đi thực tế tại vùng lũ tỉnh An Giang.

Nhà báo Thanh Tùng- Trưởng Phòng phóng viên cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL chia sẻ: Khi xác định những sự kiện, vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn trong toàn vùng thì lãnh đạo cơ quan không chỉ đơn thuần làm công tác quản lý, định hướng mà còn lặn lội sát cánh cùng anh em phóng viên trong thực hiện với mong muốn tác phẩm ra đời đạt chất lượng cao. Cụ thể như ở Loạt bài: “Thích ứng “kép” để sản xuất, tiêu thụ lúa gạo bền vững ở ĐBSCL”  vừa đạt Giải nhất Giảỉ báo chí Phan Ngọc Hiển trong năm nay. Khi thực hiện loạt bài 4 kỳ này thì lãnh đạo và các anh chị em phóng viên đã chia nhau lặn lội hàng tháng trời để gặp gỡ, trao đổi  với nông dân, chuyên gia, nhà khoa học để từ đó nắm bắt, phân tích rõ ràng, thấu đáo vấn đề.

Cách nay một tháng nước sông Mê Kông cạn kiệt ở mức kỷ lục, nhiều địa phương trong vùng nước mặn xâm nhập giữa mùa mưa, rồi sạt lở, giống lốc xảy ra liên tiếp… dự báo có thể xảy ra hạn, mặn khốc liệt trong thời gian tới. Tuy nhiên những ngày gần đây nước sông Mê Kông lại có nguy cơ dâng cao. Biến đổi khí hậu đang có những diễn biến khôn lường tại vùng đất này khiến cho những phóng viên khu vực ĐBSCL lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng xông pha tác nghiệp.

Gắn bó với vùng đất dọc ngang kênh, rạch, luôn trăn trở với số phận của người dân nơi đây nên những tác phẩm của phóng viên cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL luôn đầy ắp hơi thở cuộc sống và mang đậm tình đất, tình người./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên