Trung tâm Tâm Việt phủ nhận việc “trẻ trai ở chung với trẻ gái tự kỷ”
VOV.VN - Theo người sáng lập Tâm Việt Group, không có chuyện trẻ trai và trẻ gái tự kỷ ở chung với nhau mà chỉ tập trung với nhau khi học.
Sau bài báo phơi bày “sự thật đáng sợ” bên trong Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt tại tầng 3 khu KTX trường Đại học TDTT Bắc Ninh (TX Từ Sơn, Bắc Ninh), ông Phan Quốc Việt - người sáng lập Tâm Việt Group cho biết, Trung tâm đã chuyển cơ sở khỏi Bắc Ninh từ cuối tháng 9.
Hiện, Trung tâm Tâm Việt đang hoạt động và liên kết với một phòng khám ở Đông Anh, Hà Nội, với 5 giáo viên chính thức và khoảng 40 học sinh. Chi phí hàng tháng của mỗi học sinh từ 0 đồng đến 15 triệu đồng.
Ông Phan Quốc Việt tại cơ sở ở Đông Anh. |
Ông Việt cũng cho biết, đã kỷ luật giáo viên dọa trẻ là “có dao trong cặp” như báo chí đăng tin. Theo ông Việt, không có chuyện trẻ trai và trẻ gái ở chung với nhau mà chỉ tập trung với nhau khi học: “Muốn cho trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng thì phải tập trung với nhau khi học”.
Chiều 30/10, đã có rất đông phóng viên báo chí tới Phòng khám Đa khoa Chữ thập đỏ Đông Anh (Đông Hội, Đông Anh), nơi Trung tâm Tâm Việt đang hoạt động. Tuy nhiên, phóng viên báo chí đều không tiếp cận được bên trong cơ sở và cũng không hỏi được thêm thông tin tại cơ sở mới này. Tại đây, các phóng viên cũng gặp nhiều phụ huynh đã “tức tốc” từ TP HCM hay Nghệ An bay ra Hà Nội sau khi bài viết về Tâm Việt được báo chí đăng tải.
PV VOV.VN đã liên hệ với UBND xã Đông Hội để xác minh hoạt động liên kết giữa Trung tâm Tâm Việt và Phòng khám Đa khoa Chữ thập đỏ Đông Anh, song UBND xã hẹn sẽ thông tin sau.
Liên quan đến vụ việc này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, Cục đang khẩn trương xác minh những thông tin ban đầu. Sau đó, Cục sẽ đề nghị Sở LĐ-TB-XH Bắc Ninh tổ chức tiến hành thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em nếu có.
Ông Nam lo lắng trước tình trạng thiếu các tiêu chí đánh giá mức độ khuyết tật nhẹ hiện nay: “Với sự việc xảy ra ở Bắc Ninh, quan điểm của Cục Trẻ em là giải quyết triệt để nhằm bảo vệ trẻ em. Nhưng qua đó, chúng tôi cũng muốn sớm có các quy định cụ thể hơn về việc xác định những vi phạm về quy trình, tiêu chuẩn của việc chăm sóc trẻ khuyết tật dạng nhẹ. Vì đây là lĩnh vực đang có nhu cầu lớn trong thực tế và rất cần những quy định cụ thể”.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Khoa Y dược (ĐHQGHN) PGS.TS Phạm Trung Kiên, tiêu chuẩn chẩn đoán tự kỷ tại Việt Nam thiếu chặt chẽ. Với gần 10 năm làm về chứng tự kỷ ở trẻ em, PGS.TS Phạm Trung Kiên cho rằng, ngành giáo dục có một cách tiếp cận, ngành y tế và ngành lao động, thương binh, xã hội lại theo một cách tiếp cận khác. Về mặt quản lý Nhà nước cần có một bộ phận tích hợp để tăng thế mạnh, sức mạnh và để đảm bảo những đứa trẻ được chăm sóc một cách toàn diện.
“Hiện nay có một vấn đề tôi rất băn khoăn là can thiệp trẻ tự kỷ. Rất nhiều trung tâm tự kỷ mọc lên, nhưng những người can thiệp đó có thực sự là chuyên gia hay không? Ai cũng xưng danh là chuyên gia, nhưng họ là chuyên gia ở mức độ nào? Khả năng can thiệp đến đâu? Can thiệp đến vấn đề gì trên cơ thể con người đều phải có chứng chỉ. Sức khỏe tâm thần rất quan trọng, vậy tại sao nhiều người can thiệp đến sức khỏe tâm thần lại không cần chứng chỉ. Chỉ học mấy khóa tập huấn là xưng danh chuyên gia tâm lý rồi tư vấn sức khỏe tâm thần. Đó là một vấn đề nhức nhối”, PGS.TS Phạm Trung Kiên nói./.
Cục Trẻ em lên tiếng về thông tin phản giáo dục khi dạy trẻ tự kỷ