Cuối tuần qua, không khí u ám vẫn bao trùm bản Ông Đại ở thôn 2 (xã Trà Dơn, Nam Trà My, Quảng Nam). Sau cái chết của trưởng thôn Xuân Ngọc Lanh (31 tuổi), cả thôn bàn tán xôn xao. Người dân cho rằng do anh Lanh không chịu giết thịt con lợn nái từng đẻ toàn con đực và lần đẻ thứ hai thì qua nhà hàng xóm lót ổ nên mới bị "con ma rừng" xúi treo cổ.
Ông Hoàng Anh Tuấn (47 tuổi) cho hay theo tập tục của người Ca Dong, mỗi khi nhà nào có lợn nái đẻ ra toàn con đực hoặc toàn con cái thì gia chủ phải giết ngay lập tức, nếu không sẽ gặp rủi ro, "con ma rừng" sẽ không tha cho họ. Ngoài ra, do chăn nuôi thả rông nên nhà nào có lợn đến kỳ sinh nở không về nhà mà qua hàng xóm lót ổ đẻ cũng bị xem là điều cấm kỵ. “Không biết vì sao phải làm thế, quan niệm truyền từ đời này qua đời khác không ai dám bỏ cả”, ông Tuấn nói.
|
Phó thôn Trần Minh Vũ cho rằng con lợn nhà anh Lanh không chịu về nhà mà lại đến hàng xóm lót ổ là điều cực kỳ xấu, trước sau gì cũng phải nhận điều rủi ro.
|
Ngồi ủ rủ trước ngôi nhà gỗ lụp xụp, chị Hồ Thị Thủy (30 tuổi, vợ anh Lanh) cho hay vận xui đến với nhà chị từ hơn 2 năm trước. Lúc đó con lợn nái, tài sản lớn nhất và duy nhất của gia đình sinh con. “Trớ trêu thay nó lại đẻ ra cả 4 con đực khỏe mạnh. Dân làng nghe tin đến khuyên gia đình phải giết cả đàn ngay rồi làm lễ cúng bái, nếu không con ma rừng sẽ theo ám mãi”, chị Thủy kể.
Mặc dù là trưởng thôn nhưng gia đình anh Lanh chẳng khá hơn các hộ khác là bao, phải chạy ăn từng bữa. Tiếc gia tài lớn nhất của gia đình, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, vợ chồng anh quyết định để đàn lợn được sống, bỏ qua lời dị nghị của dân làng.
“Thế nhưng sau đó tôi và 2 đứa con liên tục đau ốm. Có lẽ vì nghĩ vợ con mình bị bệnh là do con ma rừng làm, do không chịu giết con lợn nái nên anh Lanh nhất quyết tìm đến cái chết để nhận lấy hậu quả thay gia đình và nghĩ trước sau gì thì cũng chết”, chị Thủy nói.
Trưởng thôn Lanh đã 3 lần tự tử, nhưng may mắn được người dân phát hiện kịp thời. Anh Lanh chẳng nói với ai lý do tìm đến cái chết lại khiến dân làng càng thêm cơ sở để khẳng định như chắc nịch anh tự tử là con ma xúi bẩy, là điều đáng phải nhận khi dám làm trái với tục lệ.
Suốt một thời gian dài gia đình chị Thủy phải sống trong lo sợ. Đầu tháng 11, con lợn nái tiếp tục đến kỳ sinh nở. Tuy nhiên, gia đình thêm một lần hoảng sợ khi hàng xóm báo tin con lợn qua lót ổ chuẩn bị đẻ bên nhà họ. “Hết đẻ toàn con đực nó lại qua nhà hàng xóm lót ổ. Đó chắc chắn là điềm xấu, trước sau gì cũng phải nhận lấy điều rủi ro”, anh Trần Minh Vũ, Phó trưởng thôn khẳng định.
Bực tức trói con lợn khiêng về nhốt trong chuồng, nhưng chờ đến 5 ngày vẫn không thấy trở dạ khiến vợ chồng anh Lanh càng thêm lo lắng. “Anh Lanh tin chắc con ma làm nên nó mới không chịu đẻ. Suy nghĩ đằng nào rồi cũng phải chết, dân làng lại xa lánh vì sợ hãi nên tối 11/11, khi cả nhà đang ngủ, anh ấy tháo thắt lưng ra trước hiên nhà treo cổ chết, sáng ra chúng tôi mới phát hiện”, chị Thủy ngậm ngùi.
Sau “cái chết xấu” của chồng, chị Thủy và dân làng dự tính vài ngày nữa sẽ dỡ ngôi nhà chuyển đến nơi ở mới. “Ở đây quan niệm tự tử là chết xấu, phải phá nhà thì mới đuổi được con ma đi. Nếu không nó sẽ còn quẩn quanh, không buông tha cho gia đình tôi”, người phụ nữ khuôn mặt khắc khổ nói và cho hay con lợn nái đã được dân làng mổ bụng. Trong bụng có nhiều lợn con chưa kịp chào đời bị giết để cúng bái.
Ông Hồ Văn Lợi, Phó chủ tịch UBND xã Trà Dơn cho hay, xã đã rất nhiều lần vận động, tuyên truyền nhưng dân không chịu nghe. “Tập tục đã ăn sâu vào máu rồi nên khó bỏ lắm. Với lại do địa bàn cách trở quá, từ trung tâm xã đến thôn xa nhất cũng phải đi bộ mất cả ngày đường nên khi biết chuyện để vận động người dân gặp nhiều khó khăn”, ông Lợi nói.
Theo thống kê của nhà chức trách Nam Trà My, từ đầu năm đến nay trên địa bàn vùng cao này có gần 20 trường hợp tự tử, đa số bắt nguồn từ những nguyên nhân nhỏ nhặt, từ hủ tục. Sau những “cái chết xấu” đó, một số thôn còn dỡ nhà kéo nhau đi nơi ở mới vì sợ "con ma rừng" ám./.