Về căn cứ cách mạng nghe Già làng kể chuyện kháng chiến
VOV.VN -Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông là vùng căn cứ kháng chiến B4 – liên tỉnh IV.
Đây là hành lang chiến lược đưa sức người, sức của từ hậu phương ra tiền tuyến. Từ đây, đồng bào M’Nông, Ê Đê ở các bon làng đã băng rừng vượt suối, gùi lương thực, tải đạn dược, giúp bộ đội chủ lực đánh giặc đến thắng lợi hoàn toàn.
Ông K'Tiêng kể chuyện kháng chiến. |
Căn nhà nhỏ của gia đình ông K’Tiêng (dân tộc M’Nông) ở bon R’cập, xã Nam Nung, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) như một phòng truyền thống. Ông dành cả bức tường giữa nhà để trưng bày trang trọng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; xung quanh là Huân, Huy chương kháng chiến, Kỷ niệm chương, bằng khen và nhiều danh hiệu khác.
Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, chuẩn bị đón năm mới, ông K’Tiêng đặt in tờ lịch năm 2020 cũng in hình ảnh Bác Hồ và Bác Giáp. Ông giải thích ý nghĩa của tờ lịch này là câu chuyện tình lãng mạn giữa núi rừng trong thời chiến tranh ác liệt:
“Tôi với vợ tôi quen nhau trong thời chiến. Thời đó, tôi là dân công làm nhiệm vụ giao liên, đi tải đạn, lương thực, gùi muối, gạo, mì.. cho bộ đội ở vùng giáp ranh biên giới Campuchia, còn vợ tôi là thành viên của đội văn công. Lúc đó bom đạn của địch nhiều lắm, vợ chồng tôi ít gặp nhau, mỗi lần có dịp diễn văn nghệ thì mới được gặp nhau.
Đến năm 1972 chúng tôi cưới nhau, tôi ở lại đơn vị làm nhiệm vụ, vợ tôi về quê sinh sống và tham gia đội văn nghệ; khi nào có dịp thì cũng đi diễn ở đơn vị tôi thì vợ chồng mới gặp nhau. Sau giải phóng năm 1975 vợ chồng tôi mới về chung sống với nhau đến giờ”.
Ông K'Tiêng nâng niu kỷ niệm của những năm tháng trong vùng căn cứ cách mạng. |
Ông K’Tiêng cũng cho biết, bon R’Cập theo tiếng M’Nông có nghĩa là “trở về”. Vì trong thời kỳ chiến tranh, đây là vùng căn cứ cách mạng, bà con phải sơ tán lên rừng để tránh bom đạn và tham gia phục vụ kháng chiến. Khi đất nước thống nhất, bà con trở về tái lập bon. Hiện bon có 280 hộ, với hơn 1.000 nhân khẩu, hầu hết là người M’Nông.
“Bây giờ so với lúc trước cuộc sống đổi thay nhiều lắm rồi. Nhà nước đã xây dựng đường sá, điện, nước, trường học. Những hộ chính sách được nhà nước xây nhà tình nghĩa. Thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước, bà con luôn phát huy tinh thần đoàn kết để xây dựng bon làng. Việc học hành của con cháu được nhà nước quan tâm rất nhiều. Nhận thức của bà con cũng đi lên trong việc sản xuất nông nghiệp, không chỉ đủ ăn mà con sản xuất để kinh doanh, biết trồng cao su, cà phê rất tốt nữa”- Ông K’Tiêng nói.
Cũng nằm trong vùng căn cứ kháng chiến B4 – liên tỉnh IV, bon Ja Ráh, xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông hiện là nơi còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống của người M’Nông.
Già làng của bon là ông Y Xuyên, một trí thức dân tộc thiểu số có uy tín trong vùng. Sự kiện đáng nhớ trong đời ông là vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng sau hàng loạt chiến công truy quét Phun-rô ở vùng rừng núi hiểm trở cách đây gần 40 năm. Nhưng ký ức sâu đậm nhất là thời kỳ chiến tranh ác liệt trong vùng căn cứ cách mạng, ông cùng bà con M’Nông ở các bon làng sơ tán vào rừng, tham gia gùi lương thực, đạn dược, giúp bộ đội đánh giặc.
Đặc biệt, ông Y Xuyên bày tỏ cảm xúc bồi hồi nhất là những lần được nghe Bác Hồ đọc thư chúc Tết trên làn sóng của Đài TNVN, vừa linh thiêng vừa ấm áp, như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần.
“Lúc tôi trong quân ngũ, đến Tết vui lắm. Đêm giao thừa dù đang gác hay đang làm nhiệm vụ anh em chúng tôi mở Đài để nghe lời chúc tết của Bác Hồ, háo hức và phấn khởi lắm. Nội dung chúc Tết của Bác đến giờ tôi vẫn còn nhớ. Bác Hồ dặn chúng ta tất cả đều là anh em một nhà, đoàn kết là sức mạnh. Bác gửi lời chúc tất cả anh em chiến sĩ, bà con, đồng bào cả nước”.
Già làng Y Xuyên vẫn có thói quen nghe radio như những năm tháng đi bộ đội. |
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, bà con trở về bon cũ sinh sống. Ông Y Xuyên, sau khi tham gia truy quét Phun-rô, tiếp tục trở lại nghề giáo dạy chữ cho con em ở các bon làng, tham gia công tác Đoàn thanh niên rồi giữ nhiều chức vụ ở địa phương như: Trưởng Công an xã, Phó chủ tịch UBND xã, rồi Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Nam Nung.
“Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”, được bà con suy tôn làm Già làng, ông Y Xuyên luôn tích cực giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời truyền dạy nghề đan lát, trang trí cây nêu và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của người M’Nông trên quê hương Nâm Nung Anh hùng./.