Vì sao Bộ TN&MT xếp thứ 7 về chỉ số cải cách hành chính?

VOV.VN - Bộ TN&MT lý giải về việc đạt 84.78 điểm Chỉ số cải cách hành chính, xếp thứ 7/17 các Bộ và cơ quan ngang Bộ.

Mới đây, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ vừa công bố Chỉ số Cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019.

Theo kết quả vừa công bố, năm 2019, Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 84.78 điểm, xếp thứ 7/17 các Bộ và cơ quan ngang Bộ.

Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Không để nợ đọng đề án, văn bản, nhiệm vụ

Trao đổi với phóng viên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải, để đạt được kết quả này, trong năm 2019, Bộ đã tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, coi đây là một trong những tiền đề, trụ cột quan trọng của cải cách hành chính để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khai thông nguồn lực, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành.

Trong đó nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung theo hình thức một văn bản sửa đổi nhiều văn bản như Nghị định số 40/2019, Thông tư số 27/2019/TT-BTMNT…. Đồng thời, nâng cao chất lượng ban hành kế hoạch và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch cải cách hành chính đã ban hành; thực hiện phong trào đề xuất sáng kiến, ý tưởng đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ và cải cách hành chính.

Bộ cũng chỉ đạo tập trung triển khai, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai các nhiệm vụ, chú trọng kiểm tra đôn đốc. Qua đó, hoàn thành chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không còn tình trạng nợ đọng đề án, văn bản, nhiệm vụ.

Công tác chỉ đạo điều hành gắn kết giữa Trung ương và địa phương, qua đó giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra từ thực tiễn công tác quản lý điều hành trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Cuộc họp của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Bộ đã thực hiện nhiều kênh thông tin để tiếp nhận đánh giá người dân, doanh nghiệp về dịch vụ công và khó khăn vướng mắc trong thực thi chính sách thông qua đánh giá trực tiếp, đánh giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ, như đường dây nóng, hộp thư điện tử…”, đại diện cơ quan này thông tin.

Để thúc đẩy hiện đại hóa công sở, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, tạo lập hành lang pháp lý cho triển khai, vận hành Chính phủ điện tử, trong đó đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ nghị định đến thông tư về quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết, các quy định về tiêu chuẩn dữ liệu về đất đai, đo đạc và bản đồ,.....

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ đã thiết lập hệ thống kết nối điều hành giữa Bộ và các Sở Tài nguyên và Môi trường; thực hiện họp, hội nghị, giao ban không sử dụng giấy tờ. Hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ điện tử kết nối liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó quản lý nhiệm vụ theo chu trình từ văn bản đến, quá trình giải quyết đến lúc ký số, phát hành văn bản, có thể theo dõi, kiểm soát được quá trình xử lý văn bản ở từng khâu.

Giải quyết kịp thời, thỏa đáng các vấn đề

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp thứ 5 trong tổng số 17 bộ, cơ quan ngang bộ, đạt 11.03 điểm trên điểm tối đa 12.5.

Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, năm 2019 Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 87.75 điểm, đây là điểm số cao nhất đối với nội dung này kể từ năm 2012.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong năm 2020, cải cách hành chính và hiện đại hóa công sở sẽ tiếp tục được tập trung triển khai. Trong đó, về cải cách thể chế sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực đất đai và bảo vệ môi trường.

Đối với lĩnh vực đất đai, Bộ đã trình Chính phủ sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai giải quyết, tháo gỡ căn bản các điểm nghẽn từ thực tiễn, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính liên quan đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai.

Trình Quốc hội ban hành Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) trong đó lồng ghép, tích hợp các loại thủ tục hành chính, giảm tiền kiểm tăng cường hậu kiểm, đơn giản hóa thủ tục đối với các dự án áp dụng công nghệ tốt nhất, dự án thân thiện với môi trường...

Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của ngành tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế. Siết chặt kỷ luật tài chính, giám sát chặt chẽ đầu tư công, nguồn vốn vay, sử dụng và quản lý hiệu quả tài sản công, kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và công khai minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; hoàn thiện đồng bộ về cơ chế tài chính đối với các hoạt động của ngành.

Đồng thời giải quyết kịp thời, thỏa đáng các vấn đề từ thực tiễn đặt ra, của người dân và doanh nghiệp; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân về chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức trong giải quyết thủ tục hành chính./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên