Vì sao gia đình trẻ lại ngại sinh con?

VOV.VN -Tại các tỉnh, thành phố lớn của nước ta như TP HCM, Hà Nội,... tỷ suất sinh đang ở mức thấp, thậm chí nhiều gia đình trẻ chỉ sinh 1 con là dừng.

Lấy chồng gần chục năm, chị Bùi Thị Trang ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có một cậu con trai 6 tuổi. Tuy con đã lớn nhưng thời điểm này, hai vợ chồng chị vẫn chưa có ý định sinh thêm con.

Chị Bùi Thị Trang chia sẻ: "Tôi kết hôn năm 2013. Cuối năm 2014 thì có sinh bé. Đến nay, bé cũng chuẩn bị bước vào lớp 1. Tôi đang lo cho một bé cũng khá vất vả, phải lo việc con học hành, rồi những khoản chi phí khá tốn kém. Giờ nếu sinh bé nữa tôi nghĩ mình không cáng đáng nổi.

Vợ chồng tôi có quan điểm là làm sao mỗi bạn nhỏ sinh ra có sự chăm chút chu đáo nhất. Vì thế, vợ chồng cũng phải kế hoạch khá dài, tập trung lo cho một bé ổn ổn một chút, chứ không muốn làm theo quan niệm trời sinh voi sinh cỏ".

Nhiều gia đình ngại sinh 2 con. (Ảnh minh họa, nguồn: Thanh Niên)

“Sinh một con để lo cho cuộc sống của con được đầy đủ hơn” đó là quan điểm của nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay. Mặc dù cũng muốn sinh nhiều con nhưng anh Nguyễn Văn Việt, quận Hoàng Mai cũng khẳng định gia anh chỉ sinh một con là dừng. Lý do vì tình hình dịch bệnh phức tạp, công việc khó khăn, kinh tế không ổn định ... con sẽ khổ. Bố mẹ anh cũng khuyên nên đẻ 2 con. Anh Việt cho biết, nếu sinh thêm con thứ hai không phải anh không lo nổi, mà điều kiện sống của con, tương lai của con không đảm bảo được chăm sóc tốt nên vợ chồng anh quyết định không sinh thêm nữa chỉ tập trung vào con đầu lòng.

"Bây giờ không giống như lúc trước nữa, một con hay nhiều con mình cũng không quá quan trọng, chưa kể đến hiện tại, kinh tế của vợ chồng mình cũng chưa thực sự ổn định. Vậy nên, việc đẻ 2 con đối với bản thân tôi ở thời điểm hiện tại nói thật là chưa cho phép nên tôi chưa nghĩ đến vấn đề đấy. Hiện tại thì tôi nghĩ một con là đủ. Nếu như mà mình đầu tư vào cả hai đứa chẳng hạn thì  kinh tế của mình sẽ không vững và đến lúc đấy thì con cái khổ và thua thiệt bạn bè", anh Việt nói.

Tâm lý ngại sinh con đang dần xuất hiện trong các cặp vợ chồng trẻ và có chiều hướng gia tăng.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Văn Tân, Nguyên Tổng cục Phó Phụ trách, Tổng cục Dân số, có nhiều nguyên dân dẫn đến tâm lý ngại sinh như sức ép kinh tế nhiều đối với một gia đình trẻ, chi phí sinh hoạt, mua nhà... Điều này khiến nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ cân nhắc rất lớn với quyết định sinh con, nhất là chi phí để chuẩn bị sinh và nuôi dạy trẻ ngày càng nhiều, từ tiền ăn uống, mặc, đi học, y tế và các khoản phát sinh. Bên cạnh đó là sự lúng túng trong cách nuôi dạy con trước rất nhiều vấn đề giáo dục gia đình hiện đại khiến nhiều người đắn đo sinh thêm con, liệu có đủ khả năng để ứng xử và dạy con tốt hay không.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tân, Nguyên Tổng cục Phó Phụ trách, Tổng cục Dân số phân tích: "Hiện nay, mức sinh chúng ta đang đạt rất đẹp tính trong mức sinh trên phạm vi cả nước. Đó là duy trì được mức sinh thay thế. Nhưng mà xu hướng cùng với xu hướng mức sinh giảm dần, thậm chí nếu không có những nỗ lực để mức sinh giảm xuống nhanh, cộng với chất lượng cuộc sống, thu nhập của người dân được nâng lên, cộng với giao lưu văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa này, những mô hình, những cái lối sống hưởng thụ nó sẽ càng ngày càng thâm nhập và lan rộng trong giới trẻ. Khi mức sinh xuống thấp thì rất khó đưa lên được kinh nghiệm của tất cả các nước đi trước chúng ta".

Theo các chuyên gia dân số, tỷ lệ sinh giảm có nghĩa là phần trăm số người trong độ tuổi lao động  từ 20  đến  65 tuổi cũng sẽ giảm trong tương lai gần. Bài học từ những nước phát triển trên thế giới như  Đức, Nhật Bản, Singapore… cho thấy xu hướng sinh ít con kéo theo nhiều hệ lụy.  Đó là, sau khoảng từ 20 đến 30 năm nữa, đất nước sẽ phải đối phó với thách thức đến từ già hóa dân số. Tình trạng thiếu hụt lao động trẻ gia tăng dẫn tới hệ quả phải “nhập khẩu” lao động để thay thế cho dân số già hóa, gây bất lợi cho nền kinh tế đất nước.  Trước thực trạng này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Trong đó, chỉ rõ các nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên mà chính quyền địa phương cần triển khai và thực hiện ngay là nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên