Vì sao tình trạng ô nhiễm không khí xuống thấp nhất vào sáng sớm?
VOV.VN - Thời tiết giao mùa, không khí ít dịch chuyển, hiện tượng nghịch nhiệt khiến chất lượng không khí các tỉnh miền Bắc ở mức kém, đặc biệt vào lúc sáng sớm.
Những ngày qua, theo số liệu từ hàng loạt các điểm quan trắc không khí tự động cho thấy chất lượng không khí ở nhiều tỉnh miền Bắc đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội đang ở mức báo động đỏ, tương đương mức cảnh báo "nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài" hoặc nguy hại nhất và vào thời điểm sáng sớm hàng ngày.
Chất lượng không khí ở miền Bắc và Hà Nội những ngày qua đang xuống rất thấp. |
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Hải (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự báo Khí tượng Thủy văn, Tổng thư ký Hội khí tượng Thủy văn Việt Nam) cho biết, những ngày vừa qua thời tiết miền Bắc nằm trong giai đoạn giao mùa mưa ít, mây quang, gió lặng là yếu tố nên các khối không khí ít có sự biến động làm cho chất lượng không khí thấp nhất trong năm.
"Chiều tối và đêm có bức xạ mặt đất nghịch nhiệt (càng lên cao nhiệt độ không khí lại tăng), không khí không thể bốc lên cao theo hoạt động đối lưu, không có hiện tượng ngưng kết mây, gây mưa làm bớt nhiễm bẩn. Ở phương ngang thì không có gió thổi vào để di chuyển khối khí ô nhiễm đi nơi khác. Các chỉ số đo tại trạm quan trắc khí tượng cho thấy khối không khí ổn định (tức không xáo trộn) vì vậy chất lượng không khí sẽ thấp", ông Hải phân tích.
Ông Lê Thanh Hải (Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự báo Khí tượng Thủy văn, Tổng thư ký Hội khí tượng Thủy văn Việt Nam). |
Theo ông Hải nhận định hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng không khí ở mức thấp.
"Ban đêm bức xạ nhiệt từ mặt đất phát tán vào khí quyển tạo ra lớp sương mù ở tầng thấp. Chất lượng không khí biến động theo ngày, thời điểm ổn định nhất (tức chất lượng không khí xuống thấp nhất) là sáng sớm từ 3h – 9h sáng hàng ngày, khi đó mặt trời đốt nóng không khí sẽ khiến không khí bốc lên cao và dịch chuyển đi xung quanh thì không khí được cải thiện (chu kì ngày đêm)", ông Hải cho biết thêm.
Lý giải về vấn đề này, ông Hải cho rằng: “Đây là hiện tượng có tính chất giao mùa và năm nào cứ mùa Thu cũng xuất hiện. Sắp tới không khí không còn ổn định (ít dịch chuyển khiến chất lượng xuống thấp) như thế nữa vì có không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống và khối khí ở biển Đông thổi vào sẽ làm thay đổi và không khí được cải thiện”.
Ông Lê Thanh Hải khuyến cáo: “Trẻ em, người cao tuổi nhất là người có tiền sử về hệ hô hấp không nên ra đường trong thời gian này, vì nếu ra đường sẽ hại hơn lợi. Cần có khẩu trang đảm bảo chất lượng và có khả năng chống lại được khí bụi PM2.5 (bụi mịn)”.
Nhiều nghiên cứu tại Hà Nội đã chỉ ra hiện tượng nghịch nhiệt là một trong các nguyên nhân chính làm cho nồng độ các chất ô nhiễm (đặc biệt là bụi PM 2.5) tăng cao đột biến.
Theo chuyên gia, nếu đường phố có nhiều bụi bẩn kết hợp với tình trạng nghịch nhiệt, toàn bộ lượng bụi này sẽ bị giữ lại ở tầng thấp trong không khí.
Có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí thủ đô gồm hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp.
Các nhà khoa học cũng khẳng định hiện tượng ô nhiễm còn do sự quản lý các công trình xây dựng không tốt. Bụi từ các nơi sản xuất xi măng, sắt thép, hoá chất, ở các tỉnh bay về Hà Nội, bụi mịn cũng hình thành do đốt rơm rạ, đốt rác.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định ô nhiễm không khí đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng của thủ đô.
Các phương tiện giao thông đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ô nhiễm bụi./.