Vì sao vẫn xảy ra các vụ tai nạn lao động thương tâm?

VOV.VN -Dù đã được tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, nhưng số lượng vụ tai nạn lao động vẫn cao.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH trong năm ngoái, hơn 283.000 lượt người đã được tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động. Và cũng theo thống kê của chính đơn vị này thì riêng năm qua, cả nước xảy ra hơn 8.100 vụ tai nạn lao động, làm 8.327 người bị nạn, trong đó có 927 người chết. Vì sao công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi?

Tăng ca đến hơn 1 giờ sáng, cả người mệt mỏi, toàn thân rã rời. Anh Trần Văn Bảo, công nhân công ty TNHH Hà Nội Steel Center dụi dụi đôi mắt, nhanh tay lùa khăn lau máy. Chỉ một phút lơ đãng quên tắt thiết bị điện đang chạy, cả cánh tay phải của anh đã bị máy cuốn vào gầm.

Hiện trường vụ tai nạn lao động tại Đồng Nai làm 10 người chết. 

Tại khu xưởng làm việc trong công ty TNHH Hà Nội Steel Center, có trụ sở tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, HN có rất nhiều băng rôn ghi dòng chữ: Sản xuất phải an toàn. Thế nhưng đến khi chính mình bị tai nạn lao động gây tỷ lệ thương tật 56% , tay phải suy yếu, khó cầm nắm và dùng lực thì anh Bảo mới rút ra bài học này.

Còn với chị Bùi Thị Hiền, công nhân công ty Cổ phần Kim Khí Thăng Long, quận Long Biên, Hà Nội, máy dập đã nghiến nát 2/3 bàn tay phải và một nửa bàn tay trái của chị. Ngay sau tai nạn lao động của chị Hiền, ông Phạm Hữu Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long cho biết công ty đã thay toàn bộ máy móc cũ bằng thiết bị mới hiện đại hơn: "Sau khi chị Hiền bị thao tác trên vùng nguy hiểm của sản phẩm. Chúng tôi đã thay toàn bộ máy móc đột dập, cải tiến mới, từ thao tác bằng chân sang thao tác bằng 2 tay vào nút bấm thì máy mới hoạt động, đảm bảo 100% an toàn cho người lao động".

Sau 1 năm tịnh dưỡng, công ty CP Kim Khí Thăng Long đã tạo điều kiện cho chị Hiền quay trở lại làm việc ở vị trí mới phù hợp sức khỏe hơn, nhưng ký ức máy dập nát 2 bàn tay vẫn ám ảnh chị Hiền gần chục năm nay: "Em rất tuyệt vọng, ai hỏi chỉ khóc, không muốn trả lời. Đi làm thì rất mặc cảm chỉ sợ mọi người dòm ngó tay chân của mình. Nhiều người vô tâm cứ gọi từ cụt ấy, thế là tự nhiên lại òa ra khóc. Nhiều khi lẩn thẩn cứ giơ tay ra đếm, rồi lại hỏi ơ thế đi đâu mất mấy ngón tay rồi".

Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt chị Hiền khi nhắc đến nỗi đau thân thể phải gánh chịu suốt gần chục năm nay. Ở đó còn có nỗi tiếc hận vô ngần, giá như máy móc thiết bị được cải tiến, đầu tư sớm hơn thì có lẽ, đôi tay chị lúc này vẫn còn nguyên vẹn. Rất nhiều người nhắc đến từ “giá như” khi nói về tai nạn lao động mình đã gặp phải. Thế nhưng, mất một phần thân thể rồi có cơ hội được quay trở lại làm việc đã là quá may mắn. Bởi chỉ riêng năm 2019, đã có 927 người chết vì tai nạn lao động. Họ không có cơ hội được làm lại, sửa sai.

Theo Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn lao động đáng tiếc này là: "Một số người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp chưa thực sự ý thức, chưa coi tính mạng người lao động là một tài sản quý giá nên chưa tích cực nỗ lực trong việc cải thiện điều kiện lao động. Cùng người lao động như vậy nhưng rõ ràng môi trường lao động tốt thì sẽ ít tai nạn hơn. Khía cạnh thứ 2 nữa là một phần chính doanh nghiệp có những lý do khách quan là doanh nghiệp Việt Nam chúng ta, công nghệ còn khá lạc hậu, vốn không nhiều nên chưa đủ điều kiện đầu tư thay đổi công nghệ để đảm bảo môi trường an toàn. Thứ 3 là ý thức của một bộ phận người lao động chưa cao, vẫn còn coi thường, bất cẩn trong quá trình lao động".

Là lao động chính trong gia đình nên tai nạn lao động không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sức khỏe, khả năng làm việc và thay đổi tương lai của người đó mà còn gây suy kiệt cả một đại gia đình. “Sản xuất phải an toàn” là khẩu hiệu được ghi tại tất cả các công sở, nhà máy làm việc, nhưng để thực sự làm được điều đó, rất cần ý thức của cả người lao động và chủ sử dụng lao động. Bởi bất kể làm công việc gì đi nữa, người lao động cũng chỉ mong mỏi được trở về nhà bình an sau mỗi ngày vất vả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên