Việt Nam có những biện pháp “chưa từng có” để chống Covid-19

VOV.VN - Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp trực tuyến về tuyên truyền phòng, chống dịch diễn ra chiều 10/4.

Đại dịch điển hình của thế giới phát triển

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, diễn biến dịch Covid-19 là một câu hỏi, một thách thức rất lớn đối với các nhà khoa học. Chưa bao giờ có đại dịch có sức tấn công mãnh liệt như Covid-19 trong lịch sử nhân loại. Chỉ trong vài tháng, thế giới đã chứng kiến hơn 1,5 triệu người mắc bệnh tại các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bộ Y tế coi đây là đại dịch điển hình trong thế giới phát triển, khi sự kết nối, đi lại, giao thông giữa các nước thuận lợi. Tương tự đại dịch cúm năm 1818, đã có 50 triệu người tử vong. Nhưng thời điểm đó, giao lưu, đi lại giữa các nước không thuận tiện như bây giờ. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Với các nhà khoa học, dịch bệnh Covid-19 hiện nay có rất nhiều điểm mới. Mặc dù, tất cả các nhà khoa học trên thế giới đã cùng bắt tay nghiên cứu và có lẽ là kỷ lục khi trong vòng 14 ngày toàn bộ bản đồ gene của virus này đã được công bố trên Ngân hàng gene quốc tế. Nhưng tất cả vẫn chưa đủ để lý giải cho tất cả các trường hợp mang tính cá biệt của dịch Covid-19. 

“Song chúng tôi tin rằng thời gian tới, các nhà khoa học sẽ đạt được đích đến bao gồm nghiên cứu phát triển vaccine và thuốc trong điều trị... Tiến trình này sẽ đạt được sớm hơn so với các dịch bệnh khác trên thế giới. Cùng là Corona virus, song dịch SARS 2003 và MERS-CoV 2014, đến nay vấn đề phát triển vaccine và nghiên cứu thuốc điều trị không tiến triển nhanh như ứng phó dịch lần này”, ông Long nhận định.

Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, đến nay, cách đáp ứng dịch Covid-19 của toàn thế giới và của Việt Nam là chưa có tiền lệ, với các biện pháp cao nhất được triển khai. Tại Việt Nam là thực hiện được biện pháp cách ly quy mô lớn và cách ly toàn xã hội một trong những lần đầu tiên được áp dụng để phòng chống một dịch bệnh. 

“Ngay từ đầu Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo đã nói rằng, cách đáp ứng của chúng ta phải cao hơn một mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đây chính là lý do giúp chúng ta ngăn chặn được dịch bệnh. Rất nhiều bài học và quan điểm phòng chống của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao và khen ngợi”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã huy động toàn bộ lực lượng và cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động được toàn dân tham gia phòng, chống dịch. Áp dụng triệt để chiến lược kiên định ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tuỳ tình hình chiến thuật có thể thay đổi nhưng chiến lược không thay đổi để siết chặt phòng tuyến bảo vệ đất nước trước sự tấn công của đại dịch Covid-19.

Sự phối hợp toàn diện chưa từng có 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, chưa bao giờ các lực lượng truyền thông chung sức, đồng lòng, tham gia đồng bộ, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt như lần này (trên cả các báo chính thống, các nhà mạng, các mạng xã hội). Với tinh thần công khai, minh bạch, tất cả các thông tin chỉ đạo điều hành, khuyến cáo phòng chống, diễn biến tình hình dịch bệnh… đều nhanh chóng truyền tải đến công chúng để nâng cao nhận thức người dân trong phòng chống dịch bệnh.

Dù diễn biến dịch bệnh trong nước đang có những dấu hiệu khả quan, nhưng không được chủ quan, lơ là, bởi thực tế trong nước đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các cơ quan truyền thông cần tiếp tục tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội; người dân tự có ý thức phòng bệnh cho mình cũng là phòng bệnh cho cộng đồng.

“Báo chí cần lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái, dẹp bỏ tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch… để các lực lượng trên tuyến đầu yên tâm dành thời gian, sức lực cho công tác phòng, chống đại dịch thay vì phải “chống giặc trên mạng”, ông Long nói.

Trong công tác điều trị, nhờ công nghệ thông tin hiện đại, Việt Nam đã nối mạng từ tuyến trung ương tới các bệnh viện để sẵn sàng chia sẻ, trao đổi, hỗ trợ về chuyên môn; phác đồ điều trị liên tục được cập nhật… 

Đặc biệt, Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, Việt Nam là một trong ít nước sớm nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2; nghiên cứu sản xuất sinh phẩm xét nghiệm (test kit); chủ động sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong một loạt khâu phòng, chống dịch bệnh (từ truy vết, theo dõi, giám sát, báo cáo, hỗ trợ điều trị…). Việt Nam cũng là một trong những nước sớm áp dụng tờ khai y tế điện tử… Tất cả những biện pháp đó góp phần vào thành công trong phòng chống dịch./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên