Xả thải công nghiệp: Khi có kiểm tra thì xả thải đúng qui định
VOV.VN - Tình trạng xả thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý và là nỗi bức xúc của người dân.
Hàng loạt vụ xả thải chưa qua xử lý từng được phát giác trước của các công ty như Vedan (Đồng Nai), Hào Dương (TPHCM), Tung Kuang (Hải Dương… và tình trạng cá chết hàng loạt tại miền Trung đang cho thấy những hạn chế thực thi về giám sát, quản lý chất thải công nghiệp.
Sau các vụ việc phát hiện một số doanh nghiệp xả nước thải “bức tử” dòng sông, các chuyên gia môi trường cho rằng đây là hậu quả của một thời gian dài chỉ tập trung vào kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh mà thiếu sự cân nhắc vấn đề môi trường.
Hiện, Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, “không phát triển bằng mọi giá”. Chính vì vậy, cần rà soát lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường để phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, quan trắc môi trường ở khu vực có cơ sở sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang rất thiếu tính hệ thống, không có sự kết nối giữa trung ương và địa phương. Việt Nam lại đưa ra tiêu chuẩn chung chung, áp dụng cho cả các sông bị ô nhiễm và chưa ô nhiễm.
GS Hùng Võ nói: “Tiêu chuẩn môi trường Việt Nam nói chung, trong đó có chuẩn xả thải vào nguồn nước cần phải rà soát lại và nghiên cứu kỹ lưỡng. Trước đây, khi ở giai đoạn trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư, chúng ta chấp nhận để quy chuẩn thấp, nhưng đến nay Việt Nam đang ở giai đoạn mới, chúng ta cần lựa chọn nhà đầu tư và lĩnh vực khuyến khích đầu tư, chứ không chấp nhận bằng mọi giá. Vì thế cần phải đưa chuẩn môi trường lên mức khắt khe hơn”.
Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, nhưng năng lực theo dõi, kiểm soát, quản lý của cơ quan nhà nước lại chưa đáp ứng được, kết nối giữa trung ương và địa phương còn rời rạc.
Ông Nguyễn Xuân Sinh |
Ông Sinh cho biết: “Bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam hiện nay đã được ban hành rất kịp thời, đầy đủ và có thể coi như một công cụ hữu hiệu để kiểm soát và thực thi nhiệm vụ về môi trường. Có những tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam rất khắt khe. Ví dụ như tiêu chuẩn khí thải SO2 chẳng hạn rất khắt khe với cả các nhà đầu tư châu Âu. Họ phải đầu tư rất tốn kém mới đạt xả thải theo tiêu chuẩn của Việt Nam”.
Theo TS Trần Hiếu Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghiệp môi trường, đến thời điểm này, mới có 50% trong 63 tỉnh, thành phố có quy hoạch thoát nước, xử lý nước thải, nhưng lại thiếu thực tiễn. Tại một số địa phương có tình trạng doanh nghiệp hình thành, hoạt động rồi mới xây dựng thành khu công nghiệp.
Còn Tiến sỹ Trần Thế Loãn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu ý kiến, việc xây dựng quy chuẩn môi trường phải chịu sức ép từ phát triển kinh tế, yêu cầu cộng đồng dân cư và của các nhà môi trường. Ba yếu tố này tác động ngược nhau, vì thế, đối với mỗi giai đoạn phát triển kinh tế cần thay đổi quy chuẩn môi trường để đảm bảo hài hòa cả ba.
Tiến sỹ Trần Thế Loãn |
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm môi trường do nước thải từ khu công nghiệp những năm gần đây có tốc độ gia tăng cao hơn nhiều so với nước thải từ các lĩnh vực khác. Trong số hơn 200 khu công nghiệp đang hoạt động có 165 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 79%. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống này không vận hành thường xuyên, nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn Việt Nam.
Các chuyên gia khuyến cáo cần nâng cao năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương giám sát chặt chẽ nguồn xả thải ra môi trường của doanh nghiệp; Xây dựng hệ thống kiểm soát trung gian, trong đó người dân có thể tham gia cùng giám sát việc xả thải, thông qua nhận biết dấu hiệu môi trường ô nhiễm./.