Xóm chạy thận và trăm bề khó khăn những ngày hè đổ lửa
VOV.VN - Nắng như đổ lửa, cuộc sống của hàng trăm bệnh nhân ở Xóm chạy thận Bạch Mai, vốn đã vất vả nay lại càng thêm khó khăn, cực nhọc.
“Hè đến là sinh hoạt khó khăn”
Những dãy nhà trọ quanh con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) thường được gọi là Xóm chạy thận. Đây hiện là nơi lưu trú của hơn 100 bệnh nhân đang hàng ngày phải chạy thận tại bệnh viện Bạch Mai.
Ngõ 121 Lê Thanh Nghị (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng). |
Anh Mai Anh Tuấn (44 tuổi), quê ở Ba Vì, Hà Nội là một trong những bệnh nhân kì cựu nhất ở xóm trọ này khi có tới 25 năm chữa trị và sinh sống tại đây, anh được mọi người gọi là xóm trưởng.
Anh Mai Anh Tuấn (44 tuổi), quê ở Ba Vì, Hà Nội. |
Theo anh Tuấn, phần lớn những người bệnh ở đây đều có bảo hiểm hộ nghèo nên chi phí khám bệnh gần như được bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên phí thuốc men bên ngoài, phí sinh hoạt và đi lại hàng ngày vẫn luôn là gánh nặng với mỗi bệnh nhân. Bên cạnh đó, do khó khăn về tài chính, nên họ chỉ dám thuê nhà trọ giá rẻ, cơ sở vật chất phòng trọ chỉ ở mức tối thiểu nên việc sinh hoạt cũng vì thế mà trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm.
Mỗi căn trọ chỉ vỏn vẹn chừng 8m2. |
Những gian bếp ngoài trời nắng. |
Một góc trần bị chuột cắn rách. |
Mùa hè đến tăng thêm phần mệt mỏi cho các bệnh nhân chạy thận. |
Bà Thu, quê ở Hoà Bình, một trong những bệnh nhân chạy thận chia sẻ: “Nắng nóng thế này không ăn được gì nhiều mà chỉ có uống nước, nhưng bác sĩ lại dặn bệnh này thì phải hạn chế uống nước để tránh bị phù. Nhưng nóng thế này thì khát lắm, không uống không chịu được, thế nên mắt tôi cứ sưng húp, người thì phù hết cả lên.”
Cánh tay của Bà Thu phù lên sau mỗi ca chạy thận gây khó khăn trong việc sinh hoạt. |
”Trung bình một tháng tiền thuê nhà và điện nước đã khoảng gần 2 triệu, những nhà sử dụng điều hoà thì sẽ còn cao hơn nữa nên cũng phải tiết kiệm. Có những hôm nóng quá 1, 2 giờ sáng mới ngủ được, mấy lần tỉnh dậy lấy khăn ướt để làm mát giường. Nói chung cứ hè đến là sinh hoạt khó khăn lắm.” – bà Thu cho biết thêm.
Căn trọ của bà Hoài, quê Nam Định là một trong số ít những hộ có điều kiện lắp điều hoà, bà chia sẻ được các con của bà lắp cho nhưng không dám dùng nhiều vì tiền điện cao. Thương con cháu đi làm vất vả nuôi mình nên bà Hoài sinh hoạt cũng tằn tiện hơn, chỉ dùng quạt là chính.
Căn trọ của bà Hoài là một trong số ít hộ có điều kiện lắp điều hoà. |
Nhọc nhằn mưu sinh trong cái nóng
Bệnh nhân chạy thận mất hơn 80% sức khoẻ nên phần lớn những trường hợp người bệnh lớn tuổi đều chỉ chuyên tâm điều trị với sự hỗ trợ chi phí từ người thân. Tuy nhiên, vẫn còn những người dù mang trong mình bệnh tật nhưng vì gánh nặng cuộc sống, họ vẫn đang phải hàng ngày mưu sinh dưới cái nóng oi bức của mùa hè.
Trò chuyện thêm với anh Tuấn chúng tôi được biết, những bệnh nhân ở đây phải làm đủ ngành nghề từ đánh giày, cắt tóc, xe ôm, bán nước ở bệnh viện,...nhưng cũng chỉ phần nào giảm bớt gánh nặng chi phí chứ không thể nào đủ chi trả hết, vẫn cần đến sự hỗ trợ từ gia đình và các mạnh thường quân.
Bà Nguyễn Thị Oanh là một bệnh nhân chạy thận đã lâu năm tại Bệnh viện Bạch Mai. Từ khi xuất hiện dịch Covid - 19 bà được chuyển sang bệnh viện Nội tiết Trung ương nên chi phí đi lại nhiều hơn trước. Để có thêm thu nhập, bà nhận công việc chăm sóc thuê bệnh nhân trong viện: “Bây giờ đi chạy thận xa lại thêm tiền xe ôm, mỗi tháng đã mất gần triệu tiền đi lại. Hôm nào khoẻ đi được xe buýt thì tiết kiệm hơn. May mắn hơn mọi người là mình còn sức thì mình phải đi làm thôi, đỡ được đồng nào hay đồng ấy”, bà Oanh cho biết.
Trong khi đó, hoàn cảnh của bà Mai, quê Thái Bình lại khá đặc biệt. Con cái đi làm xa, một mình bà nuôi thêm cháu nội ăn học ở Hà Nội nên vất vả hơn mọi người. Ngoài thời gian đến viện chạy thận theo ca, bất cứ khi nào rảnh, bà đều đội nắng, gánh theo giỏ sách để bán nước, sữa và áo mưa ở bệnh viện Bạch Mai: “Mình đi bán hàng này nhưng phải giấu chứ bệnh viện họ cấm, bảo vệ biết là họ đuổi ngay, ngày nào nhiều thì kiếm được một trăm ngàn, chứ không thì chỉ vài chục, còn đâu là con trai lao động ở Đài Loan hỗ trợ là chính.”, bà Mai tâm sự.
Bà Mai (56 tuổi), quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. |
Đến những xóm trọ nghèo ở thời điểm này mới cảm thấy rõ sự ngột ngạt, oi bức của mùa hè. Tuy nhiên, dù muốn hay không, những người dân sống trong xóm trọ vẫn phải chấp nhận bởi họ không có sự lựa chọn. Khả dĩ nhất là động viên, đùm bọc lẫn nhau để cùng vượt qua./.