Bộ Tài chính: Thu ngân sách vượt 4,5% dự toán trong bối cảnh khó khăn

VOV.VN - Năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất chính sách miễn giảm, gia hạn thuế phí gần 200.000 tỷ đồng. Thu NSNN tăng 4,5% so với dự toán.

Chiều nay (27/12), Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị.

Miễn giảm, giãn hoãn gần 200.000 tỷ đồng thuế, phí

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, một trong những thành công nổi bật trong năm 2023 là đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; phấn đấu tăng thu, quản lý chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước (NSNN).

Liên quan thu NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình cấp thẩm quyền ban hành các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2023, với quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng (miễn, giảm 79.000 tỷ đồng; gia hạn 121.000 tỷ đồng).

Trong đó, có rất nhiều chính sách lớn, như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; giảm 10 - 50% đối với 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2023.

Có chính sách số tiền gia hạn lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Riêng chính sách giảm 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Tài chính dự kiến tác động giảm thu khoảng 700 tỷ đồng.

Thu ngân sách vượt 4,5% dự toán trong bối cảnh khó khăn

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhưng ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN đạt và vượt dự toán đề ra.

Tính đến hết 25/12/2023, thu NSNN đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, tăng 72.700 tỷ đồng (tăng 4,5%) dự toán, giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2022 (ngân sách trung ương (NSTW) tăng 4,6%; ngân sách địa phương (NSĐP) tăng 4,4% so với dự toán).

Trong đó, thu nội địa tăng 5,7%; thu dầu thô đạt tăng 44,6%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán. Tổng số đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193.400 tỷ đồng, trong đó: miễn, giảm khoảng 78.400 tỷ đồng; gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng.

Tổng số chi NSNN đến ngày 31/12/2023 ước đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 144.000 tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022; chi thường xuyên đạt 90,3% dự toán.

Công tác chi NSNN đã đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo kinh phí thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2023 (đã dành khoảng 470.000 tỷ đồng của ngân sách các cấp để thực hiện cải cách chính sách tiền lương), chính sách an sinh xã hội đã ban hành.

Với kết quả thu, chi NSNN nêu trên, cân đối NSTW và NSĐP được đảm bảo. Ước tính năm 2023, bội chi NSNN thực hiện khoảng 4% GDP, giảm 40.300 tỷ đồng so với dự toán.

Thành công nổi bật tiếp theo bên cạnh nhiệm vụ thu NSNN, hỗ trợ doanh nghiệp là tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu theo hướng an toàn, bền vững. Dự kiến đến cuối năm 2023, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép, tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.

Năm 2023, cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P, Moody’s và Fitch Ratings tiếp tục đánh giá tích cực xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, trong đó Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức BB lên mức BB+ “Triển vọng ổn định”; S&P và Moody’s giữ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (tương ứng là BB+ “Triển vọng ổn định”; Ba2 “Triển vọng tích cực”).

Tuy nhiên, năm 2023 cũng là 1 năm ảm đạm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm. Cụ thể, với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, năm 2023, có 78 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng 235.900 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngân hàng thương mại chiếm 54,5%. Nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 6,8%. Các doanh nghiệp cũng mua lại 230.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 5,8% so với năm 2022.

Tương tự, thị trường bảo hiểm cũng gặp nhiều khó khăn. Doanh thu phí bảo hiểm giảm 8% so với năm 2022. Nguyên nhân thực trạng này do kinh tế khó khăn và bất cập trong tư vấn bán hàng. Trong khi đó, số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng tới 31,3%.

“Kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng làm phát sinh tranh chấp trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong thời gian gần đây đã làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng đến quyết định mua bảo hiểm của người dân”, Bộ Tài chính cho biết.

Quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu của năm 2024

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái biểu dương ngành Tài chính thực hiện hiệu quả chính sách, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, người dân. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cùng các chỉ đạo của Chính phủ, tình hình thực tiễn triển khai thực hiện ngay kế hoạch, chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu của năm 2024.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy nhanh xây dựng chính phủ số; giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong thực thi pháp luật về thuế, thu đầy đủ kịp thời vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp tăng cường quản lý thu, khai thác nguồn thu, nhất là từ các hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với bộ, cơ quan ở trung ương, điều hành chính sách tài khóa chủ động, phù hợp. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và hoàn thành cao nhất các mục tiêu của kế hoạch năm 2024 đã đề ra”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, năm 2024, dự báo nền kinh tế, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Bộ Tài chính sẽ nỗ lực tham mưu chính sách tài khoá, phối hợp với chính sách tiền tệ. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu cán bộ, viên chức toàn ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Phớc, thị trường vốn đang gặp nhiều khó khăn. Tổng nợ xấu ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp tới gần 1 triệu tỷ đồng.

“Chúng ta phải tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp ăn nên làm ra sẽ có nguồn lực trả nợ ngân hàng, trả nợ trái phiếu, nộp bảo hiểm xã hội, nộp thuế. Nếu không gỡ vướng, doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả sẽ tác động nhiều mặt tới nền kinh tế”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Bộ trưởng Phớc nhận định, năm 2024 nền kinh tế tiếp tục khó khăn, sản xuất kinh doanh tăng trưởng thấp, lãi suất, nợ xấu cao. Tăng trưởng bất động sản, sản xuất kinh doanh, giải ngân đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng. Bộ Tài chính sẽ tập trung chống thất thu, tập trung giao dịch số, sàn thương mại điện tử, chống gian lận hoàn thuế để trục lợi, chống mua bán hoá đơn.

Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành Tài chính tập trung phát triển công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bộ trưởng dẫn ví dụ, chỉ 2 ngày không thông quan, không nộp thuế sẽ tác động với DN, người dân. Vì vậy, ngành Tài chính phải tập trung nguồn lực để nâng cấp, mở rộng để thực hiện.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những tín hiệu tích cực từ chính sách tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ
Những tín hiệu tích cực từ chính sách tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ

VOV.VN - Những ngày cuối năm 2023, hàng loạt dự án bất động sản được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó đáng chú ý là những dự án nhà ở xã hội được khởi động tại các địa phương.

Những tín hiệu tích cực từ chính sách tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ

Những tín hiệu tích cực từ chính sách tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ

VOV.VN - Những ngày cuối năm 2023, hàng loạt dự án bất động sản được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó đáng chú ý là những dự án nhà ở xã hội được khởi động tại các địa phương.

Bộ trưởng Tài chính: Sẽ có những sửa đổi quan trọng để kinh tế báo chí tốt hơn
Bộ trưởng Tài chính: Sẽ có những sửa đổi quan trọng để kinh tế báo chí tốt hơn

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đơn vị đang tiếp thu, giải trình các ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị định nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong vấn đề tự chủ tài chính cho cơ quan báo chí.

Bộ trưởng Tài chính: Sẽ có những sửa đổi quan trọng để kinh tế báo chí tốt hơn

Bộ trưởng Tài chính: Sẽ có những sửa đổi quan trọng để kinh tế báo chí tốt hơn

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đơn vị đang tiếp thu, giải trình các ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị định nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong vấn đề tự chủ tài chính cho cơ quan báo chí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tạo điều kiện tối đa để TP.HCM phát triển
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tạo điều kiện tối đa để TP.HCM phát triển

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, luôn xác định TP.HCM là trung tâm kinh tế có ảnh hưởng lớn đến kinh tế cả nước nên luôn tạo điều kiện tối đa để Thành phố phát triển, từ đó, để hỗ trợ các địa phương khác phát triển. Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng TP.HCM để có bước đi nhanh, đột phá nhưng phải chặt chẽ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tạo điều kiện tối đa để TP.HCM phát triển

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tạo điều kiện tối đa để TP.HCM phát triển

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, luôn xác định TP.HCM là trung tâm kinh tế có ảnh hưởng lớn đến kinh tế cả nước nên luôn tạo điều kiện tối đa để Thành phố phát triển, từ đó, để hỗ trợ các địa phương khác phát triển. Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng TP.HCM để có bước đi nhanh, đột phá nhưng phải chặt chẽ.