17 năm tù cho kẻ “siêu lừa” trên 200 tỷ đồng bằng sổ tiết kiệm giả

VOV.VN -Trong khoảng thời gian gần 4 tháng, tổng số đã có 7 bị hại bị Lê Thị Huệ lừa đảo, chiếm đoạt với số tiền lên tới 241,1 tỷ đồng.

Ngày 22/5, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến kẻ “siêu lừa” Lê Thị Huệ, có biệt danh là Huệ Cầu (sinh năm 1974, trú tại tổ 12, phường Nam Cường, TP Lào Cai) bằng hành vi lừa đảo dùng sổ tiết kiệm giả chiếm đoạt trên 200 tỷ đồng từ các bị hại, gây chấn động dư luận hồi năm 2017.

Quang cảnh phiên tòa

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai, từ năm 2015 đến giữa năm 2016, Lê Thị Huệ có vay mượn tiền của nhiều người để làm ăn và bị thua lỗ, dẫn đến không có khả năng thanh toán, nên trong thời gian từ ngày 27/12/2016 đến 17/4/2017, Lê Thị Huệ đã thực hiện hành vi lừa đảo bằng thủ đoạn: Huệ nói với các bị hại gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng thông qua Huệ để được hưởng lãi suất cao ngoài quy định, hoặc Huệ dùng giấy tờ chứng minh tài sản để thế chấp vay tiền, sau đó nói với người cho vay gửi số tiền đã cho Huệ vay vào Ngân hàng thông qua Huệ để được hưởng lãi suất cao ngoài quy định và Huệ lấy lại giấy tờ chứng minh tài sản đã thế chấp.

Các bị hại đều tin tưởng đưa tiền cho Huệ. Sau mỗi lần nhận tiền, Huệ đưa cho các bị hại ký khống vào các giấy gửi tiền (Mẫu in của Ngân hàng, Huệ lấy tại các bàn gửi ngân của Ngân hàng). Sau đó, Huệ ra Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam chi nhánh Cam Đường hoặc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam chi nhánh Kim Tân - phòng giao dịch Bắc Cường tự điền các thông tin của các bị hại vào các mục quy định trong giấy gửi tiền và gặp các giao dịch viên liên quan của Ngân hàng làm thủ tục gửi sổ tiết kiệm đứng tên các bị hại, với số tiền gửi là 1 triệu hoặc 5 triệu/ 01 sổ tiết kiệm.

Sau đó, Huệ chuyển các sổ tiết kiệm này cho Trần Mạnh Cường (sinh năm: 1970, trú tại thành phố Lào Cai) để thuê Cường chỉnh sửa mục số tiền gửi “bằng số” và “bằng chữ” ở mặt sau của sổ tiết kiệm từ 1 triệu đồng, hoặc 5 triệu đồng thành số tiền tương ứng với số tiền mà các bị hại đã chuyển cho Huệ để gửi tiết kiệm hộ, rồi chuyển lại sổ tiết kiệm cho các bị hại.

Huệ trực tiếp đến Ngân hàng gửi 61 sổ tiết kiệm đứng tên những người cho Huệ vay tiền, những người nhờ Huệ gửi tiền hộ. Sau đó, Huệ đã chuyển 50 sổ tiết kiệm trong số 61 sổ tiết kiệm nói trên cho Trần Mạnh Cường, thuê Cường chỉnh sửa số tiền gửi rồi chuyển các sổ tiết kiệm này cho người bị hại và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà Huệ đã nhận.

Ngoài ra, ngày 19/4/2017, Huệ còn sử dụng 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không còn giá trị pháp lý mang tên Huệ tại tổ 12, phường Nam Cường, TP. Lào Cai để thế chấp vay tiền, chiếm đoạt 2 tỷ đồng của chị Ngô Thị Hiến.

Như vậy, trong khoảng thời gian gần 4 tháng, tổng số đã có 7 bị hại bị Lê Thị Huệ lừa đảo, chiếm đoạt với số tiền lên tới 241,1 tỷ đồng.

Cáo trạng cũng nêu rõ, Lê Thị Huệ là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi phạm tội của Huệ là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Vì vậy, cần phải đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật nhằm dăn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Bị cáo Lê Thị Huệ

Trong vụ án xác định các bị hại Nguyễn Văn Quyền, Ngô Văn Toán, Phạm Thị Thanh Hồng, Đinh Thị Liễu, Ngô Thị Hiến có hành vi cho Lê Thị Huệ vay tiền với lãi suất cao. Tuy nhiên, quá trình điều tra xác định chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, cũng như xử lý hành chính đối với những người này về hành vi cho vay lãi nặng.

Đối với Trần Mạnh Cường là người mà Lê Thị Huệ khai đã thuê chỉnh sửa mục số tiền trong các sổ tiết kiệm, với tiền công là 60.000.000đ/1 sổ. Trong quá trình điều tra, Cường không thừa nhận như nội dung Huệ khai, không có tài liệu, chứng cứ nào khác ngoài lời khai của Huệ, vì vậy không đủ căn cứ để xử lý đối với Trần Mạnh Cường.

Đối với Lãnh đạo và cán bộ Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, chi nhánh Cam Đường và Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam chi nhánh Kim Tân - Phòng giao dịch Bắc Cường; quá trình điều tra xác định mặc dù không tham gia hoặc giúp sức cho Lê Thị Huệ trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, có 61 giao dịch nhận gửi tiền tiết kiệm từ nhiều khách hàng khác nhau, nhưng các giao dịch viên của các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng nói trên đều chỉ giao dịch nhận tiền gửi tiết kiệm và giao các sổ tiết kiệm này cho một người duy nhất là Lê Thị Huệ, chứ không giao dịch với khách hàng là những người đứng tên trong sổ tiết kiệm. Việc làm này đã vi phạm Quy trình gửi tiền tiết kiệm trong hệ thống Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, dẫn đến việc Lê Thị Huệ lợi dụng sửa các sổ tiết kiệm để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của người bị hại. Các vi phạm trên là gián tiếp, do đó Cơ quan điều tra không đủ căn cứ để xử lý.

Tại phiên toà, bị cáo Lê Thị Huệ đã thú nhận các hành vi phạm tội của mình. Kết thúc phiên toà, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đã tuyên mức án 17 năm tù giam đối với bị cáo Lê Thị Huệ với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời yêu cầu bị cáo phải khắc phục hậu quả, hoàn trả số tiền lừa đảo, chiếm đoạt từ các bị hại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giả danh công an lừa đảo qua điện thoại: Chiêu trò dọa “bắt tạm giam”
Giả danh công an lừa đảo qua điện thoại: Chiêu trò dọa “bắt tạm giam”

VOV.VN - Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội đang có dấu hiệu trở lại với chiêu trò tinh vi.

Giả danh công an lừa đảo qua điện thoại: Chiêu trò dọa “bắt tạm giam”

Giả danh công an lừa đảo qua điện thoại: Chiêu trò dọa “bắt tạm giam”

VOV.VN - Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội đang có dấu hiệu trở lại với chiêu trò tinh vi.

Bắt nhóm đối tượng lừa đảo tiền tỷ của tiểu thương thu mua lúa
Bắt nhóm đối tượng lừa đảo tiền tỷ của tiểu thương thu mua lúa

VOV.VN -Quá trình điều tra, xác định, nhóm đối tượng này thường tiếp cận các thương lái có nhu cầu thu mua lúa để chiếm đoạt tài sản.

Bắt nhóm đối tượng lừa đảo tiền tỷ của tiểu thương thu mua lúa

Bắt nhóm đối tượng lừa đảo tiền tỷ của tiểu thương thu mua lúa

VOV.VN -Quá trình điều tra, xác định, nhóm đối tượng này thường tiếp cận các thương lái có nhu cầu thu mua lúa để chiếm đoạt tài sản.

Bắt Chủ tịch hội cựu chiến binh xã vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Bắt Chủ tịch hội cựu chiến binh xã vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản

VOV.VN - Chủ tịch hội cựu chiến binh xã Chiên Lưu đã nhiều lần nhận tiền của chị Thúy để chạy án, tuy nhiên không thực hiện.

Bắt Chủ tịch hội cựu chiến binh xã vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Bắt Chủ tịch hội cựu chiến binh xã vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản

VOV.VN - Chủ tịch hội cựu chiến binh xã Chiên Lưu đã nhiều lần nhận tiền của chị Thúy để chạy án, tuy nhiên không thực hiện.