Doanh nghiệp vượt khó, đẩy mạnh xuất khẩu
VOV.VN - Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ đầu năm đến nay vẫn chịu nhiều tác động tiêu cực do hệ lụy của đại dịch Covid-19, khi kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia. Tuy vậy, vẫn có nhiều “mảng sáng” vì các doanh nghiệp đã kịp thời cơ cấu lại sản xuất, điều chỉnh chiến lược…
Sản xuất gỗ ván dán xuất khẩu, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Đạt Phương, có địa chỉ tại thôn 2, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái trung bình một tháng sản xuất từ 25 - 30 container hàng; tổng khối lượng từ đầu năm đến nay đạt hơn 5.000 m3. Hàng của doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Malaysia.
Theo lãnh đạo công ty, do tác động của thị trường thế giới, giá thành gỗ ép từ đầu năm đến nay giảm khoảng 50 USD/m3. Để duy trì sản xuất và xuất khẩu, doanh nghiệp đã phải cắt giảm các chi phí không cần thiết; tận dụng tối đa nguyên liệu để sản xuất, đảm bảo đúng yêu cầu của đối tác.
Đặc biệt, từ tháng 3/2023, công ty đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm giấy vàng mã xuất đi Đài Loan. Ông Trần Công Bình, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Với sản phẩm mới này, chỉ trong 4 tháng đã xuất khẩu được 500 tấn, với giá trị khoảng gần 7 tỷ đồng.
“Căn cứ vào khả năng và nhu cầu của hai bên đó là đối tác Đài Loan cũng như của Công ty, những điều kiện cần và đủ như là cơ sở hạ tầng, lao động, vốn... thì chúng tôi đã thống nhất mở rộng lĩnh vực ngành nghề để mở rộng quy mô, tăng thêm doanh thu, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động” - ông Trần Công Bình nói.
Công ty TNHH Yamazaky Việt Nam có trụ sở tại xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên là doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu các sản phẩm từ măng tre Bát Độ sang thị trường Nhật Bản. Thời điểm này đang là chính vụ mùa măng tre Bát độ, công ty đang tập trung thu mua, sản xuất với sản lượng thu mua ước đạt trên 2.000 tấn măng tươi.
Ông Nguyễn Kiên Định, Giám đốc Công ty chia sẻ: trong bối cảnh xuất khẩu nhiều sản phẩm còn gặp khó, thì việc tìm kiếm được bạn hàng luôn song hành với xây dựng uy tín cho sản phẩm, nhất là đối với mặt hàng thực phẩm.
“Thời điểm cân măng bắt đầu buổi sáng từ 9 giờ cho đến 15 giờ chiều trong ngày để măng không bị ươn, bị hỏng. Sau khi cân bằng thì đổ cho kiểm tra măng xem chất lượng có đảm bảo không? Măng được thì phải rửa cho sạch sẽ rồi đóng bao, chuyển đi nhà máy” - ông Nguyễn Kiên Định nói.
Trên lĩnh vực xuất khẩu, hiện tỉnh Yên Bái có khoảng 90 doạnh nghiệp, trong đó có 18 doanh nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, 4 doanh nghiệp sản xuất nhựa, 3 doanh nghiệp may mặc, 45 doanh nghiệp khoáng sản, xuất khẩu trực tiếp đến khoảng 80 thị trường.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết: Sự suy thoái khi lạm phát cao tại nhiều quốc gia phát triển, đã và đang tác động đến hoạt động của không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, Chính phủ cũng như tỉnh Yên Bái đang đề ra rất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
“Sở Công Thương cũng như các sở ngành, các địa phương luôn đồng hành với các doanh nghiệp xuất khẩu. Cũng rất mong các doanh nghiệp xuất khẩu phản ánh những khó khăn, vướng mắc kịp thời với Sở Công Thương và theo thẩm quyền thì Sở Công Thương sẽ giải quyết; còn vượt quá thẩm quyền thì Sở sẽ báo cáo tỉnh, báo cáo Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời” - ông Nguyễn Đình Chiến nói.
Năm nay tỉnh Yên Bái đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt 350 triệu USD, đây được xem là thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo còn nhiều khó khăn. Do đó cùng với sự quan tâm của các ngành chức năng thì sự chủ động của doanh nghiệp vẫn là yếu tố quan trọng nhất.