Đại biểu Quốc hội nói về việc tử tù xin hiến tạng
VOV.VN - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tử tù có nhu cầu hiến tạng là nhu cầu nhân văn, thể hiện sự ăn năn với những hành vi đã gây ra.
Vừa qua, hai tử tù gây ra hai thảm án gây hoang mang dư luận, một là Nguyễn Hải Dương – kẻ gây thảm án ở Bình Phước, người còn lại Nguyễn Văn Kỳ - kẻ gây thảm án ở Hà Nội bày tỏ mong muốn được hiến xác cho y học với mục đích giúp những người lương thiện đang bị bệnh có cơ hội được sống.
Kẻ gây ra vụ thảm án giết 6 người trong một gia đình chấn động ở Bình Phước Nguyễn Hải Dương. |
Liên quan vấn đề này, bên hành lang Quốc hội, trả lời VOV.VN, PGS Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội – Đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, đây là nhu cầu cực kỳ nhân văn.
Theo đại biểu, hiện nay chúng ta đang có rào cản văn hóa của người phương Đông, chính vì thế mà có thể không được như mong muốn.
“Tôi nghĩ tương lai, cuộc sống thay đổi thì việc hiến tạng của người chết cho người đang sống có nhu cầu thay sẽ cởi mở hơn”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nêu quan điểm.
“Cho dù họ là ai thì họ có quyền tối thượng mang một phần cơ thể của mình để cho người khác sống lâu hơn. Vấn đề này nếu luật pháp không cấm thì tôi nghĩ rằng đây là một điều hết sức nhân văn”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Bá Sơn – Chủ tịch Hội Luật gia TP.Đà Nẵng - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng) lại nêu quan điểm, việc hiến tặng theo pháp luật là quyền của công dân. Tất nhiên, đã là quyền của công dân chúng ta phải đảm bảo cái quyền đó.
Tuy nhiên, đại biểu lại đặt vấn đề: “Câu chuyện còn lại nó không nằm ở chuyện hiến xác hay không mà chính là họ hiến và chúng ta sử dụng vào việc gì? Chúng ta có thể dùng để cho người khác ghép nếu đảm bảo được các yêu cầu về mặt y học. Hoặc chúng ta có thể sử dụng cho mục đích khác như phục vụ nghiên cứu khoa học, y tế, tôi nghĩ rằng đều đó tốt”.
Nguyễn Văn Kỳ - kẻ đã đột nhập vào nhà trộm cắp. Bị phát hiện, hắn ta ra tay sát hại hai cha con ông Nguyễn Lương Chuân |
Đối với tử tù như Nguyễn Hải Dương hay Nguyễn Văn Kỳ có mong muốn hiến xác, Chủ tịch Hội Luật gia TP.Đà Nẵng cho rằng: “Ở đây, chúng ta không bàn đến việc họ đang mang trọng tội gì mà cần chỉ bàn đến quyền của công dân. Và nếu đã là quyền thì ai cũng bình đẳng như nhau trong việc hiến xác. Thậm chí, tôi còn đánh giá cao những con người đó. Tôi xin dẫn lại một câu rất tâm đắc rất tình người rằng: Ở trong sâu thẳm của tội lỗi vẫn có điều gì đó của con người”.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM: “Việc tử tù hiến xác cho thấy một phần sự ăn năn đối với tội lỗi đã gây ra”.
Khi phóng viên đặt vấn đề đối với tử tù hiến tạng sẽ vướng luật thi hành án hình sự, đại biểu cho rằng, cái đấy chúng ta cần phải tính toán.
Theo đại biểu Quốc hội, việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc như hiện nay thì rõ ràng tử tù đã bị nhiễm độc thì việc hiến xác chẳng có ý nghĩa gì.
Đại biểu của đoàn TP.HCM cho rằng, điều đó phải tính toán vì trong mọi mối quan hệ phát sinh phải luôn tính toán, trải qua thực tế.
Luật cũng thế thôi, một sự tác động nào đó xảy ra thì chúng ta tính đến sự điều chỉnh của luật. Có cần thiết là điều chỉnh luật không hay chỉ bằng một văn bản dưới luật thôi, đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu vấn đề./.
Đại biểu Quốc hội nêu nguyên nhân các thảm án kinh hoàng