Mỹ nhận định Iran sắp tấn công Israel, nhiều nước ban hành cảnh báo đi lại
VOV.VN - Thế giới đang rất quan ngại về màn đáp trả của Iran với Israel sắp xảy ra sau vụ đại sứ quán Iran ở Syria bị không kích.
Giới chức Mỹ nhận định, mối đe dọa tấn công từ Iran nhằm vào Israel đang hiện hữu. Nhiều nước trên thế giới đã khuyến cáo công dân tới Trung Đông ở thời điểm hiện tại, trong khi nhiều nỗ lực ngoại giao để hạ nhiệt tình hình vẫn đang tiếp tục.
Chính phủ Mỹ hôm qua nhận định, khả năng Iran sắp tấn công đáp trả là điều khả thi và mối đe dọa đang là hiện hữu. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định, nước này hiện đang theo dõi sát tình hình và các lực lượng Mỹ tại Trung Đông đang cảnh giác cao độ. Một số nguồn tin cho biết, nhiều khí tài quân sự Mỹ đang di chuyển tới Trung Đông như một biện pháp răn đe phòng ngừa.
Cùng ngày, nhiều tờ báo Israel cũng đăng tải thông tin rằng, sự trả đũa từ Iran sẽ đến trong những ngày tới, dù có nhiều nguồn tin ngoại giao cho rằng Iran sẽ không “vội vàng” đáp trả và muốn tránh leo thang căng thẳng trong khu vực.
Các chuyên gia phân tích nhận định, dù Iran không muốn tham gia vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp và toàn diện chống lại Israel và Mỹ, nhưng sẽ rất khó để Iran không tấn công đáp trả vụ Đại sứ quán nước này bị tấn công. Đặc biệt là sau tuyên bố của lãnh tụ tối cao nước này Ayatollah Ali Khamenei rằng Israel phải bị trừng phạt.
Trước căng thẳng Israel - Iran có thể leo thang, hôm qua, Tổng thống Mỹ thừa nhận khả năng Iran sẽ sớm tấn công trả đũa, song nhà lãnh đạo Mỹ vẫn khuyên Iran dừng lại, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ sát cánh cùng Israel: “Tôi lo ngại nó sẽ sớm xảy ra. Thông điệp của tôi muốn gửi tới Iran là đừng hành động như vậy. Mỹ sẽ bảo vệ Israel, hỗ trợ Israel và Iran sẽ không thành công”.
Về phía Israel, quân đội nước này đã sẵn sàng để ứng phó với các mối đe dọa tấn công từ Iran hay các lực lượng vũ trang thân nước này trong khu vực.
Người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị cả phòng thủ lẫn tấn công, với nhiều đơn vị khác nhau của quân đội. Một cuộc tấn công từ lãnh thổ Iran sẽ cho thấy nước này có ý định làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông và không còn đứng sau các lực lượng ủy nhiệm. Trong những tháng gần đây, Israel đã cải thiện và nâng cao khả năng tấn công của mình và chúng tôi sẽ biết cách hành động khi cần thiết. Chúng tôi cũng có khả năng phòng thủ nhiều tầng đã được chứng minh trong xung đột với hàng nghìn lần đánh chặn thành công.”
Quân đội Israel cho biết, đến nay, họ chưa đưa ra hướng dẫn mới cho người dân về các mối đe dọa Iran tấn công trả đũa, song cũng yêu cầu người dân tiếp tục cảnh giác.
Trước diễn biến căng thẳng ở Trung Đông, các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Đức, Pháp, Ba Lan và Nga đã cảnh báo công dân của họ không nên đi du lịch đến khu vực.
Mới nhất, Đức thậm chí còn cảnh báo công dân của mình rời khỏi Iran, khi cho rằng nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Israel và Iran sẽ xảy ra “bất ngờ” và người Đức có thể gặp nguy hiểm. Đức không thể loại trừ khả năng các tuyến vận tải đường hàng không, đường bộ và đường biển có thể bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Đại sứ quán Mỹ tại Israel cũng đã khuyến cáo các nhân viên sứ quán và gia đình không đi ra bên ngoài một số khu vực.
Trung Quốc và Nga đã kêu gọi các bên kiềm chế trong hành động, ngăn chặn nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông vào hỗn loạn. Ngoại trưởng nhiều nước Arab cũng đã điện đàm với người đồng cấp Iran, chia sẻ về vụ đại sứ quán Iran tại Syria bị tấn công, song cũng nhấn mạnh sự kiềm chế trong bối cảnh cuộc xung đột ở dải Gaza chưa thể dừng lại.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin hôm nay (13/4) đã kêu gọi công dân nước này cần cảnh giác trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và Iran leo thang.
Người phát ngôn chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết, Thủ tướng Srettha rất quan ngại đối với tình hình công dân Thái Lan đang sinh sống, lao động tại Israel.
Theo Bộ Lao động Thái Lan, khoảng 30.000 công dân nước này sinh sống và làm việc ở Israel, trong đó khoảng 5.000 người sinh sống tại các khu vực xung quanh Dải Gaza. Sau khi xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra hồi tháng 10 năm ngoái, Thái Lan nằm trong số các quốc gia ghi nhận thương vong nhiều nhất do cuộc xung đột này. Ít nhất 50 công dân Thái Lan đã bị thiệt mạng hoặc bị thương, trong khi hàng chục người khác bị Hamas bắt cóc.
Tình đến nay, Thái Lan đã sơ tán hàng nghìn công dân về nước, đồng thời giải cứu được nhiều người bị bắt cóc. Tuy nhiên, số công dân Thái Lan đang sinh sống, lao động ở Israel vẫn còn tương đối lớn. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và Iran gia tăng, Chính phủ và Bộ Ngoại giao Thái Lan lo ngại công dân nước này lưu trú ở khu vực có thể bị ảnh hưởng trực tiếp.
Bộ Ngoại giao Thái Lan đã chỉ đạo các Đại sứ quán nước này ở khu vực Trung Đông theo dõi chặt chẽ và kịp thời cập nhật tình hình địa bàn để chủ động đưa ra biện pháp ứng phó. Công dân Thái Lan trong khu vực được kêu gọi cảnh giác và tuân thủ chặt chẽ các thông báo cũng như hướng dẫn từ cơ quan đại diện.
Đại sứ quán Thái Lan tại Israel hiện đã ban hành cảnh báo công dân nước này chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra và liên hệ trực tiếp với Đại sứ quán để được hỗ trợ cần thiết.
Công dân Thái Lan khác được khuyến cáo không đến khu vực này nếu không thực sự cần thiết và khẩn cấp vào thời điểm hiện nay.