6 yếu tố khiến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden mang tính lịch sử

VOV.VN - Không chỉ báo chí Mỹ mà báo chí thế giới sẽ đều đánh giá chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden là một chuyến thăm lịch sử.

Chiều tối 11/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước 2 ngày tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Kết quả đáng chú ý nhất trong chuyến thăm này của người đứng đầu Nhà Trắng là hai bên đã quyết định nâng tầm quan hệ 2 nước Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, nhà báo Phạm Phú Phúc, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế, người từng có nhiều năm công tác tại Mỹ, đã làm rõ nội hàm mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau khi nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đặc biệt, nhà báo Phạm Phú Phúc đã chỉ ra 6 yếu tố khiến chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam mang tính lịch sử. 

Nâng cấp quan hệ vào thời điểm mong muốn nhất của nhân dân và chính quyền hai  nước

PV: Trước hết, ông nhận định gì về thời điểm hai nước xác lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện?

Nhà báo Phạm Phú Phúc: Hai nước đã trải qua 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện và giờ là thời điểm đã chín muồi để nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Thời điểm hiện nay đúng là thời điểm mong muốn nhất của nhân dân và chính quyền hai nước muốn nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên một tầm cao mới.

Thời điểm này, Việt Nam đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ cả về kinh tế, chính trị, xã hội cũng như vai trò và uy tín không ngừng được phát triển trên trường quốc tế. Điều đó đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến nhiều lần và được cả thế giới thừa nhận.

Trong khi đó, khu vực chúng ta đang sống, rộng ra là khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới nói chung, đang có những thay đổi rất nhanh chóng khó ai có thể dự đoán được. Vì thế rất cần sự hợp tác sâu rộng và những đóng góp tích cực mang tính xây dựng của mọi quốc gia trên thế giới.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước có ý nghĩa như thế nào?

Nhà báo Phạm Phú Phúc: Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10/9 có phát biểu cho rằng, việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ là có lợi cho cả hai nước, có lợi cho nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định thế giới nói chung.

Đối với Việt Nam, trước hết về kinh tế, mối quan hệ mới này sẽ giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam; có thể coi đó như một cú hích về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam. Khi Mỹ đã tăng cường đầu tư  vào Việt Nam, đương nhiên sẽ kéo theo dòng vốn và khoa học công nghệ của rất nhiều doanh nghiệp phương Tây nữa vào Việt Nam.

Với quan hệ mới, đương nhiên Việt Nam sẽ tiếp cận được những tiến bộ về khoa học kỹ thuật tân tiến nhất của Mỹ và phương Tây. Cũng trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đang là bạn hàng lớn thứ 7 của Mỹ với hơn 130 tỷ USD trao đổi thương mại mỗi năm, tới đây chắc chắn con số đó sẽ không dừng lại, còn cao hơn nhiều, nó mở cửa cho nhiều mặt hàng khác của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Về chính trị, mức quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện tạo ra một lòng tin chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam. Đó là lời khẳng định của Mỹ sẽ tôn trọng chính thể độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đó là vấn đề vô cùng quan trọng với Việt Nam.

Về an ninh, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước cũng là một cách để giúp chúng ta giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều biến động, khó ai có thể lượng đoán trước được sẽ dẫn tới đâu.

Đối tác Chiến lược Toàn diện là mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia

PV: Theo ông, điểm khác nhau căn bản giữa quan hệ Đối tác Toàn diện với Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là gì?

Nhà báo Phạm Phú Phúc: Chúng ta biết là trong quan hệ ngoại giao giữa các nước với nhau hay giữa các nước với các tổ chức, giữa các tổ chức với nhau có nhiều tầng nấc. Đối tác Toàn diện là mối quan hệ thông thường giữa hai chủ thể, giữa quốc gia với quốc gia, giữa các tổ chức với các tổ chức, hoặc giữa một quốc gia với một tổ chức. Đối tác Toàn diện là ở mức tương đối cao, trên mức quan hệ ngoại giao bình thường. Trong nội hàm của Đối tác Toàn diện đã có những lĩnh vực, không gian hợp tác đạt tới mức chiến lược, nhưng còn rất ít và chưa đồng đều; hoặc là người ta chưa đủ lòng tin vào nhau, hoặc thời điểm chưa chín muồi nên mới chỉ giữ ở mức Đối tác Toàn diện. Nhưng phải trên cơ sở đối tác toàn diện, khi chín muồi, đạt được lòng tin ở nhau thì người ta mới nâng cấp lên.

Còn Đối tác Chiến lược Toàn diện là mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia với nhau hoặc giữa hai tổ chức, hoặc giữa một quốc gia với một tổ chức. Người ta còn gọi là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, đó là khi hai bên đã xác định rõ ràng sẽ gắn bó lợi ích lâu dài với nhau, hỗ trợ nhau, thúc đẩy hợp tác sâu rộng và toàn diện vì lợi ích của cả hai, lợi ích của nhau trên tất cả các lĩnh vực. Hợp tác giữa hai quốc gia có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện không trừ một lĩnh vực nào, từ văn hóa, xã hội, giáo dục đến an ninh quốc phòng… Trong đó, an ninh quốc phòng là lĩnh vực hợp tác rất quan trọng trong mọi quan hệ, vì nó bảo đảm cho phát triển kinh tế.

Đối tác Chiến lược Toàn diện là hợp tác trong tất cả các lĩnh vực và đạt được sự tin cậy chiến lược ở nhau. Sự tin cậy đã quan trọng rồi, nhưng sự tin cậy chiến lược quan trọng hơn rất nhiều, cao hơn rất nhiều. Hai bên cùng chia sẻ lợi ích chiến lược, thông tin chiến lược với nhau. Ở đây có thể hiểu, không phải là những lợi ích thông thường mà là những lợi ích chiến lược, cả thông tin chiến lược người ta cũng sẵn sàng chia sẻ với nhau thì lòng tin phải ở mức cao thế nào người ta mới chia sẻ như thế. Đó chính là sự tin cậy ở cấp chiến lược, chứ không phải chỉ là tin cậy ở lĩnh vực này với lĩnh vực kia, ngành này với ngành kia, mà là sự tin cậy ở tầm quốc gia, cấp cao nhất, cấp chiến lược. Thực tế, không phải quốc gia nào cũng xây dựng, thiết lập được nhiều mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Để đi đến mối quan hệ ấy, người ta phải qua rất nhiều sàng lọc, rất nhiều suy tính, nghiên cứu.

Việt Nam hiện có 6 quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, với: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Nhật Bản (2014), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022) và mới nhất với Mỹ (2023).

PV: Trong cuộc hội đàm vào chiều 10/9, hai bên đã thỏa thuận nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Cụm từ “vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững” có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Nhà báo Phạm Phú Phúc: Như trên tôi đã nói, không phải quốc gia nào cũng ký nhiều quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với các quốc gia khác. Khác với các quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mà các quốc gia khác đã ký với nhau, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam vừa ký với Mỹ có kèm theo cụm từ “vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”.

Đây là cụm từ rất quan trọng, bản thân cụm từ ấy đã nói lên tất cả. Đấy chính là mục tiêu hai nước sẽ phấn đấu trong suốt quá trình triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Mỹ phấn đấu giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài và tăng cường hợp tác giữa hai bên phát triển bền vững. Việt Nam thịnh vượng thì Mỹ cũng được hưởng lợi. Điều này chính Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã nói. Đây là mục tiêu rất cụ thể, rất thực chất và khả thi.

Mỹ cũng được hưởng lợi ích từ một Việt Nam mạnh, một Việt Nam hùng cường

PV: Vậy vì sao Việt Nam và Mỹ lại đặt ra mục tiêu này khi nâng cấp quan hệ từ Đối tác Toàn diện lên Đối tác Chiến lược Toàn diện?

Nhà báo Phạm Phú Phúc: Có thể thấy rằng sức mạnh về kinh tế, quân sự của Việt Nam vẫn thấp hơn Mỹ rất nhiều. Một khi chúng ta là Đối tác Chiến lược Toàn diện thì trách nhiệm của cả hai là nâng tầm quan hệ đó lên, nâng tầm của Việt Nam lên.

Mục tiêu ấy là yêu cầu và mong muốn trước hết của người Việt Nam, sau đó cũng là của người Mỹ. Vì như trên tôi đã nói, một Việt Nam mạnh, một Việt Nam hùng cường cũng là lợi ích của Mỹ, Mỹ cũng được hưởng lợi từ đó. 

PV: Ông hình dung ra sao về mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới?

Nhà báo Phạm Phú Phúc: Theo tôi, sau lễ ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện ngày 10/9 tại Hà Nội, chúng ta sẽ chứng kiến một giai đoạn phát triển không còn rào cản hoặc còn rất ít rào cản trong quan hệ giữa hai nước. Và đương nhiên, mối quan hệ ấy sẽ phát triển rất nhanh, rất mạnh, thậm chí, tôi chủ quan nghĩ rằng nó sẽ vượt ra khỏi sự trù tính của không ít người.

Thứ nhất, về kinh tế, dòng vốn và công nghệ Mỹ cũng như phương Tây sẽ đổ vào Việt Nam, không dám nói là ồ ạt nhưng chắc chắn sẽ mạnh hơn rất nhiều. Mỹ bấy giờ sẽ không phải là nhà đầu tư mang số danh 11 như hiện nay ở thị trường Việt Nam. Bấy giờ, những nước nào đấy trong top 10 sẽ phải nhường chỗ cho Mỹ. Bằng chứng là một loạt nhà đầu tư Mỹ đã tháp tùng ông Biden tới Việt Nam lần này. Khi ấy, với dòng vốn như thế, với khoa học công nghệ như thế đổ vào Việt Nam, tôi tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng về kinh tế, công nghệ của Mỹ và của thế giới nói chung.

Thứ hai, về lòng tin, đương nhiên khi hai nước đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện là đã đạt được lòng tin rất lớn ở nhau. Lòng tin của hai nước vào nhau đã cao hơn hẳn giai đoạn từ sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến bây giờ, đặc biệt từ khi ký thỏa thuận đối tác toàn diện đến giờ.

Tôi cũng nghĩ rằng quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam sẽ kéo theo sự hợp tác giữa Mỹ với Việt Nam và với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và rộng ra với nhiều quốc gia, tổ chức khác. Một khi Mỹ đã “bắt tay” hợp tác mạnh với Việt Nam, thì đương nhiên rất nhiều công ty khác, nhiều nhà đầu tư khác, quốc gia khác sẽ nhìn Việt Nam bằng một con mắt khác, ở đây là cái nhìn tích cực, tin tưởng đây là nơi đáng để người ta đổ tiền, đổ của vào. Đầu tư vào đó sẽ sinh lời, sẽ mang lại lợi ích cho cả hai, trong đó có họ.

6 yếu tố khiến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden mang tính lịch sử

PV: Phía Mỹ nhận định ông Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam là chuyến thăm lịch sử. Tính lịch sử ở đây thể hiện như thế nào, thưa ông?

Nhà báo Phạm Phú Phúc: Không chỉ báo chí Mỹ mà báo chí thế giới sẽ đều đánh giá chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden là một chuyến thăm lịch sử bởi các lý do sau:

Thứ nhất, gần 30 năm nay, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, tất cả các tổng thống đương nhiệm ở Mỹ đều sang Việt Nam. Đây là điểm hiểm thấy trong quan hệ giữa Mỹ với bất cứ quốc gia nào không phải đồng minh của Mỹ.

Thứ hai, chuyến thăm của ông Biden lại là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một tổng thống đương nhiệm tới thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, trước đây chưa từng có. Chúng ta đều biết, thể chế chính trị của hai nước hoàn toàn khác nhau, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản mời Tổng thống sang thăm là rất đặc biệt. Nếu chú ý đến khía cạnh ý thức hệ, thì điều này là vô cùng đặc biệt, rất lịch sử.

Thứ ba, trong nhiệm kỳ này của ông Biden, cả Phó Tổng thống và Tổng thống đều đến Việt Nam, đó là lịch sử.

Thứ tư, chuyến thăm này diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm hai bên xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Và cũng trong chuyến thăm này, hai nước công bố nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện nên nó là lịch sử.

Thứ năm, chuyến thăm này như một lời cam kết của nước Mỹ do chính Tổng thống Mỹ đưa ra, nước Mỹ triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị ở Việt Nam, không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Điều đó cũng thể hiện đây là chuyến thăm lịch sử.

Thứ sáu, kết quả ngoạn mục của chuyến thăm này là xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước là bằng chứng cho thấy nỗ lực chung của hai nước trong việc hiện thực hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh như trong bức thư gửi Tổng thống Mỹ Harry S. Truman năm 1946: “Tôi mong muốn Việt Nam có quan hệ hợp tác đầy đủ với Mỹ”. Với kết quả chuyến thăm này của ông Biden, đó là một đáp ứng không thể đầy đủ hơn mong muốn của Bác Hồ.

PV: Xin cảm ơn ông.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng thống Mỹ Biden rời Hà Nội kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam
Tổng thống Mỹ Biden rời Hà Nội kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam

VOV.VN - Chiều nay 11/9, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lên đường rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước ta trong 2 ngày hôm qua và hôm nay theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng thống Mỹ Biden rời Hà Nội kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam

Tổng thống Mỹ Biden rời Hà Nội kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam

VOV.VN - Chiều nay 11/9, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lên đường rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước ta trong 2 ngày hôm qua và hôm nay theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Toàn cảnh chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam
Toàn cảnh chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam

VOV.VN - Trong 24 giờ ở Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có nhiều hoạt động. Chuyến thăm của ông Biden được đánh giá là mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước.

Toàn cảnh chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam

Toàn cảnh chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam

VOV.VN - Trong 24 giờ ở Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có nhiều hoạt động. Chuyến thăm của ông Biden được đánh giá là mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước.

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện
Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

VOV.VN - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 10 -11/9/2023, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước. Nhân dịp này, Lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

VOV.VN - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 10 -11/9/2023, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước. Nhân dịp này, Lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Dư luận ở Mỹ hoan nghênh Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện
Dư luận ở Mỹ hoan nghênh Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và đây là sự kiện lịch sử trong quan hệ Việt-Mỹ khi hai nước quyết định xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững. Việc nâng tầm quan hệ với Việt Nam đang được truyền thông và dư luận ở Mỹ quan tâm.

Dư luận ở Mỹ hoan nghênh Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Dư luận ở Mỹ hoan nghênh Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và đây là sự kiện lịch sử trong quan hệ Việt-Mỹ khi hai nước quyết định xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững. Việc nâng tầm quan hệ với Việt Nam đang được truyền thông và dư luận ở Mỹ quan tâm.