HĐND thành phố Hà Nội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024

VOV.VN - Hôm nay, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 của thành phố với 24 chỉ tiêu.

 

Cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người: 160,8-162 triệu đồng; chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%; Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 95%... Nghị quyết xác định, năm 2024 thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; quản lý chặt chẽ và phát triển hạ tầng đô thị; triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...

Thảo luận về kinh tế xã hội, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đề nghị cùng với tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ của năm 2024, thành phố cần sát sao đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ưu tiên đẩy mạnh xử lý ô nhiễm môi trường, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và làm sống lại các dòng sông. Quy hoạch Thủ đô cần có tầm nhìn cho tương lai.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, quy hoạch Thủ đô Hà Nội sẽ tổ chức không gian phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Kết nối toàn cầu với những đặc trưng về kinh tế, xã hội, văn hoá, đặc sắc, môi trường xanh, trong lành. Người dân được thụ hưởng cuộc sống có chất lượng ngày càng tốt hơn. Thành phố đang xây dựng và đề xuất các cơ chế chính sách về công nghiệp văn hóa, đổi mới sáng tạo, nhằm khơi dậy các nguồn lực về văn hóa di sản, về tài nguyên số, tài nguyên nhân văn. Trước mắt thành phố đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền như một giải pháp đột phá về cải cách hành chính.

Ông Hà Minh Hải cho biết: “Thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực rà soát cắt bỏ những thủ tục không cần thiết làm tăng chi phí, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Tăng cường nhiều hơn nữa, xác định trách nhiệm của chính quyền với doanh nghiệp bằng tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe để tập trung tháo gỡ. Tập trung cải cách và rà soát, thành phố đã ban hành kế hoạch để đẩy mạnh rà soát, nâng cao các chỉ số của thành phố.”

HĐND thành phố Hà Nội cũng thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu cụ thể 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 gần 92.700 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020), gồm cả nguồn vốn ngân sách và huy động ngoài ngân sách.

Về nội dung này, ông Nguyễn Minh Tuân, Phó trưởng Ban Kinh tế, Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố trình bày báo cáo thẩm tra nêu rõ: “Chú ý việc huy động, bố trí các nguồn lực đầu tư phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật. Về nguồn vốn lồng ghép đề nghị rà soát, xem xét nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tín dụng, nguồn huy động, các nguồn khác để đảm bảo khả năng thực hiện. Về nguyên tắc huy động các nguồn lực khác, đề nghị rà soát, bổ sung nội dung triển khai thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch, huy động trên nhiều hình thức khác nhau và có sự theo dõi, thống kê, bảo đảm chính xác, đầy đủ từ nguồn vốn để triển khai thực hiện. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm các giải pháp huy động nguồn vốn để thực hiện Đề án.”

Trong sáng nay, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã lấy phiếu tín nhiệm với 28 chức vụ do Hội đồng nhân dân thành phố bầu nhiệm kỳ 2021-2026, theo đó, 100% nhân sự trong diện được lấy phiếu tín nhiệm đều đạt tín nhiệm cao trên 50% trở lên. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đứng thứ 2 về số phiếu tín nhiệm cao với 82 phiếu tín nhiệm cao (93,18%), 5 phiếu tín nhiệm và 1 phiếu tín nhiệm thấp (1,14%). Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp thứ 16 về số phiếu tín nhiệm cao với 75 phiếu tín nhiệm cao (tỷ lệ 85,23%), 8 phiếu tín nhiệm và 4 phiếu tín nhiệm thấp (4,55%). Người nhận được nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất là ông Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội với 83 phiếu tín nhiệm cao (94,32%). Ông Nguyễn Quốc Duyệt và ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là 2 người duy nhất không có phiếu tín nhiệm thấp. Người có số phiếu tín nhiệm cao ít nhất là ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao với 48 phiếu tín nhiệm cao (54,55%), 31 phiếu tín nhiệm (35,32%) và 9 phiếu tín nhiệm thấp (10,23%). Người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội, bà Ngô Minh Hoàng, với 11 phiếu tín nhiệm thấp (12,50%), 54 phiếu tín nhiệm cao (61,36%) và 22 phiếu tín nhiệm. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung thành phố thuộc TP. Hà Nội
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung thành phố thuộc TP. Hà Nội

VOV.VN - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về chế độ đãi ngộ nhân tài và chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung thành phố thuộc TP. Hà Nội

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung thành phố thuộc TP. Hà Nội

VOV.VN - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về chế độ đãi ngộ nhân tài và chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.

TP.HCM và Hà Nội trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển toàn diện
TP.HCM và Hà Nội trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển toàn diện

VOV.VN - Chiều nay (18/10), tại Hội trường Thống Nhất, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị giữa 2 thành phố và thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. 

TP.HCM và Hà Nội trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển toàn diện

TP.HCM và Hà Nội trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển toàn diện

VOV.VN - Chiều nay (18/10), tại Hội trường Thống Nhất, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị giữa 2 thành phố và thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. 

Hà Nội, TP.HCM cảnh giác với bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết
Hà Nội, TP.HCM cảnh giác với bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết

VOV.VN - Hà Nội và TP.HCM tiếp tục ghi nhận diễn biến phức tạp của dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết. Khi chưa có vaccine, việc phòng bệnh phụ thuộc vào ý thức của người dân.

Hà Nội, TP.HCM cảnh giác với bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết

Hà Nội, TP.HCM cảnh giác với bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết

VOV.VN - Hà Nội và TP.HCM tiếp tục ghi nhận diễn biến phức tạp của dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết. Khi chưa có vaccine, việc phòng bệnh phụ thuộc vào ý thức của người dân.