Tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ (Hà Nội) được cải tạo xây dựng cùng sự phát triển khu đô thị Linh Đàm. Đây là tuyến đường 4 làn xe với dải phân cách cứng - trục giao thông chính của khu đô thị “kiểu mẫu” nối với đường Giải Phóng (trước khi đường vành đai 3 được mở). Tại ngã 3 đường Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng tồn tại một “nút thắt cổ chai” do việc giải phóng mặt bằng chưa thực hiện xong. Chủ đầu tư khu đô thị Linh Đàm làm tạm một con đường nhỏ uốn vòng theo mặt hồ thông ra đường Giải Phóng để cư dân khu đô thị mới đi lại. Giải pháp tạm này đã tồn tại hơn 20 năm, còn phương án chính là hoàn thành nốt đoạn đầu đường Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 200m vẫn chưa thực hiện được do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Trường Hùng, một hộ dân ở khu đô thị Linh Đàm kể: “Tôi là một trong những hộ dân về ở “khu đô thị kiểu mẫu” sớm nhất, tính đến nay khoảng 20 năm và cũng từng đấy năm thấy nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng tồn tại như vậy. Đường Nguyễn Hữu Thọ đang to đẹp trở lên cụt lủn và bóp lại ở đoạn nối với đường Giải Phóng”.

“Nút cổ chai” ngã 3 Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng nằm trong dự án đường quanh hồ Linh Đàm giai đoạn 1, một hợp phần của dự án khu đô thị Linh Đàm được quy hoạch từ năm 1997. Khu vực giải phóng mặt bằng thuộc tổ 12, phường Hoàng Liệt (còn gọi là xóm Cầu Tiên) có 8.142m2 đất bị thu hồi, liên quan đến 25 hộ và 2 tổ chức. Đến nay, còn lại 4 hộ dân với hơn 3.660m2 chưa giải tỏa được.

Đây là dự án đền bù giải phóng mặt bằng thỏa thuận. Phía người dân đề nghị thu hồi đất bao nhiêu để làm đường thì đền bù bấy nhiêu theo sát giá thị trường, phần còn lại để họ tiếp tục sử dụng. Mức tiền đền bù giải phóng mặt bằng được thương thảo qua hàng chục cuộc họp vẫn không thống nhất được giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương mỗi đơn vị lại đề xuất một phương án bồi thường.

Sau hàng chục năm chưa thực hiện giải phóng mặt bằng được, phương án tổ chức giao thông tạm đã thành con đường huyết mạch cho hàng vạn lượt phương tiện từ phía Tây Hà Nội đi về cửa ngõ phía Nam mỗi ngày. Ùn tắc giao thông nghiêm trọng thường xuyên xảy ra như cơm bữa với người dân khi đi qua khu vực này. Thiếu tá Trần Anh Quang, Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Công an Hà Nội) cho biết, khu đô thị Linh Đàm hiện tập trung hàng chục tòa nhà chung cư cao tầng, với lượng dân cư đông đúc. Hàng ngày, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ phải gánh hàng nghìn lượt xe lưu thông, khiến đây trở thành điểm ùn tắc… Hiện, nút giao thông này đã được giải tỏa phần nào khi đường Hoàng Liệt được thông xe.

Một dự án khác trên phố Tân Mai (Hà Nội) hàng rào quây tôn chạy dài hàng trăm mét và một bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thịnh Liệt tỷ lệ 1/500 được treo đã nhiều năm. Phía sau những tấm tôn đã hoen gỉ là bãi đất trống cỏ mọc um tùm. 50% diện tích đất của dự án đã được thu hồi với khoảng hơn 200.000 m2 vẫn bỏ hoang.

Đi sâu vào phía trong khu vực dự án là khu dân cư tổ 41, 42 phường Thịnh Liệt và tổ 68 phường Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) nơi sẽ bị giải phóng mặt bằng. Những dãy nhà cấp 4 lụp xụp, tạm bợ bên cạnh là những bãi rác và vật liệu xây dựng ngổn ngang từ các công trình bị phá dỡ. Bà Hoàng Thị Khanh, ở tổ dân phố 41 phường Thịnh Liệt cho biết, 16 năm nay, các hộ dân ở đây phải sống trong cảnh thiếu nước sạch trầm trọng, không hộ khẩu, đường đi lối lại bẩn thỉu, điện tù mù.

“Nhà tôi mái dột nát, tường nứt ngang dọc khắp nơi, nhưng vì trong diện quy hoạch khu đô thị mới Thịnh Liệt nên không được phép sửa chữa, xây dựng. Biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải ở vì không đủ điều kiện chuyển đi nơi khác. Chúng tôi rất mong dự án triển khai thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng để người dân có thể thoát cảnh sống khổ sở như hiện nay” – bà Hoàng Thị Khanh nói.

Với gia đình bà Hoàng Thị Khanh, hơn 20 năm nay, từ khi thành phố công bố quy hoạch là từng đấy năm trong tâm trạng thấp thỏm. “Không biết bao nhiêu đêm tôi đã mất ngủ, mong đợi dự án triển khai, rồi chán nản và mệt mỏi khi sống trong tình trạng “treo” này mãi. Nhà cửa không được sửa, con đi lấy vợ muốn xây thêm phòng, sửa chữa cho sạch sẽ cũng không được. Có lúc hy vọng khi nghe những thông tin tốt về dự án nhưng rồi lại càng thất vọng hơn” - bà Khanh chia sẻ.

Do nằm trong diện quy hoạch lấy đất phục vụ dự án nên mọi khoản đầu tư hạ tầng của thành phố như điện, nước, đường… không dành cho khu vực này. Hàng trăm hộ nằm trong diện giải tỏa thì cũng chừng ấy gia đình đều trong cảnh thiếu nước trầm trọng. Điện cũng chỉ kéo về đến đầu đường Tân Mai, các hộ dân phía trong nếu muốn có điện thì phải dùng cả trăm mét dây để đấu nối.

Dự án có quyết định thu hồi, giải phóng mặt bằng năm 2004. Tháng 9/2007, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 3.649 cho phép Tổng công ty Licogi sử dụng diện tích đất đã được giải phóng bắt đầu thực hiện dự án. Dự án được chia thành 2 giai đoạn, theo đó, giai đoạn 1 dự kiến kết thúc vào cuối năm 2008 với các công việc: giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xây thô nhà vườn, cụm chung cư CT5 phục vụ tái định cư… Giai đoạn 2 tiến hành xây dựng nhà cao tầng, cụm nhà biệt thự. Dự án sẽ kết thúc vào năm 2011. Tiến độ dự án và những bản thuyết trình của chủ đầu tư được "vẽ ra" sau nhiều năm vẫn chỉ nằm trên giấy.

Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt đã được điều chỉnh quy hoạch vào năm 2015 nhưng tới nay, hàng nghìn m2 đất vẫn bị bỏ hoang. Chủ đầu tư dự án yếu kém năng lực khiến khu vực đất đã được giải phóng mặt bằng trở nên lãng phí. Người dân vùng dự án chờ giải tỏa thì “sống treo” nhiều năm trong cảnh thiếu thốn, ô nhiễm, nhà xây từ những năm 1980, 1990 đã xuống cấp không được tu sửa.

Phối cảnh khu đô thị nhìn từ phía Thịnh Liệt.

Cuối năm 2011, UBND thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) ban hành Quyết định thu hồi 518.012 m2 đất nông nghiệp tại xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, liên quan đến 688 hộ, cá nhân để bồi thường, giải phóng xây dựng khu đô thị Nam Vĩnh Yên.

Người dân xã Thanh Trù (thành phố Vĩnh Yên) đã bị thu hồi hơn 50 ha đất lúa “bờ xôi ruộng mật”. Sau 10 năm, khu đô thị Nam Vĩnh Yên giai đoạn 1 đã được xây dựng thành hình với những khu nhà biệt thự, đất nền, khách sạn 4 sao và hồ điều hòa. Còn ngược lại, khu đất dịch vụ trả cho các hộ dân mất đất nông nghiệp để tạo sinh kế cho người dân tại đồng Cây Đề, xã Thanh Trù vẫn là mương nước, cánh đồng, chưa được giải phóng mặt bằng.

Quá trình giải quyết đất dịch vụ cho người dân xã Thanh Trù bị thu hồi đất nông nghiệp diễn ra chậm chạp. Sau 6 năm thu hồi đất nông nghiệp (thu hồi năm 2011) thì khu đất dịch vụ trả người dân mới được quy hoạch (năm 2016). Tiếp đến, qua 4 năm, việc giải phóng mặt bằng khu vực đất dịch vụ trả người dân do UBND thành phố Vĩnh Yên thực hiện gần như “dậm chân tại chỗ”. Đến năm 2019 vẫn còn 94 hộ dân có đất nông nghiệp khu vực đồng Cây Đề vẫn chưa chấp thuận phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Sau 10 năm, người dân xã Thanh Trù chờ đợi chính quyền địa phương trả đất dịch vụ theo đúng quy định thu hồi giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp. Cuối năm 2019, UBND thành phố Vĩnh Yên có văn bản trả đất dịch vụ cho các hộ dân xã Thanh Trù, ô đất trả cho người dân lại được chuyển lên khu dân cư đồng Gáo (phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên).

Ông Đỗ Văn Dưỡng - người dân ở xã Thanh Trù cho rằng, trước khi chuyển khu vực đất dịch vụ từ đồng Cây Đề, xã Thanh Trù sang khu dân cư đồng Gáo, phường Hội Hợp cần lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, UBND thành phố Vĩnh Yên không thực hiện nên người dân bức xúc. Sau khi ra quyết định chuyển khu vực đất dịch vụ mới thực hiện đối thoại với người dân, đây là làm theo “quy trình ngược”.

Việc thay đổi vị trí đất dịch vụ sang khu vực khác so với quy hoạch ban đầu của chính quyền thành phố Vĩnh Yên khiến đa số người dân nhận được đất dịch vụ không đồng thuận. Ông Nguyễn Duy Hùng, người dân xã Thanh Trù bức xúc: “Người dân mất đất nông nghiệp là thiệt thòi, chờ đợi 10 năm vẫn chưa được trả đất dịch vụ tiếp tục thiệt thòi, việc chậm trả đất dịch vụ là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Giờ người dân lại được trả đất dịch vụ tại khu vực có giá trị thấp hơn khu vực quy hoạch trước đây thì quá thiệt thòi. Triển khai các chương trình, dự án liên quan đến quyền lợi của người dân thì dân phải được biết, được bàn”.

Theo ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên: “Tỉnh Vĩnh Phúc muốn giải quyết dứt điểm giao đất dịch vụ còn nợ của người dân. UBND thành phố Vĩnh Yên thực hiện theo hướng khu vực nào có quỹ đất sạch giao đất cho người dân nhưng người dân xã Thanh Trù không đồng thuận chuyển sang khu vực khác nhận đất dịch vụ. Thành phố tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân, đối thoại với người dân nếu người dân không chấp nhận sẽ báo cáo với UBND tỉnh Vĩnh Phúc”.

Câu chuyện về đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân xã Thanh Trù mất đất lúa để thực hiện dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên tiếp tục kéo dài với những kiến nghị, khiếu nại của người dân.

Câu chuyện về giải phóng mặt bằng ở khu đô thị Nam Vĩnh Yên, nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng và ở dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt chỉ là số ít trong hàng nghìn dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Nhưng nó cũng là điển hình cho hai phương thức về giải phóng mặt bằng đó là: thỏa thuận đền bù theo giá thị trường và việc thu hồi đất của nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Việc thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng giữa các hộ dân và chủ đầu tư dự án khu đô thị Linh Đàm ban đầu là thực hiện tuyến kết nối của một dự án thương mại (khu đô thị Linh Đàm) với hạ tầng giao thông của thành phố. Nguyên tắc là doanh nghiệp thỏa thuận với hộ dân. Nhưng quá trình đàm phán hàng chục năm tuyến đường đã không chỉ còn phục vụ riêng cho dự án mà đã là tuyến huyết mạch giao thông nối ra cửa ngõ phía nam của thành phố Hà Nội. Thế nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn dừng ở bước đàm phán thỏa thuận, chính quyền địa phương vẫn loay hoay về những vướng mắc trong quy định pháp luật.

Trong Luật Đất đai trước đây và Luật Đất đai 2013, ở Điều 73 nêu rõ “dự án phát triển kinh tế mà chủ đầu tư khi giải phóng mặt bằng tự thỏa thuận với người dân có giá đất đền bù dựa trên cơ sở giá thị trường”. Chính câu chuyện giá thị trường đã khiến một nút giao thông sau hơn 20 năm chưa thỏa thuận đền bù xong. Một lãnh đạo trung tâm quỹ đất địa phương cho biết, cách định giá thị trường dựa trên những giao dịch nhà đất dân sự quanh khu vực giải phóng mặt bằng trước đây được thí điểm áp dụng nhưng không thành công.

Việc chậm giải phóng mặt bằng của nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra liên tục khiến thời gian vật chất và tinh thần của hàng vạn người dân bị mất đi mà khó đo đếm được. Quá trình thu hồi đất đền bù giải phóng mặt bằng khu đô thị Nam Vĩnh Yên, sinh kế của người dân sau khi mất đất lúa là khu vực đất dịch vụ nhưng với sự chậm trễ của các cấp chính quyền, người dân vẫn đang gánh chịu thiệt thòi, bức bối. Với những “dự án treo” nguồn lực đất đai lãng phí và đời sống người dân trong vùng dự án bị ảnh hưởng nặng nề, chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng. Như dự án khu đô thị mới Hoàng Liệt, hàng chục nghìn m2 đất sau khi thu hồi giải phóng mặt bằng bị bỏ hoang. Đất đai bị thu hồi không còn tư liệu sản xuất, người dân lại tiếp tục đối diện với cảnh sống nhếch nhác trong vùng dự án.

Tại Hà Nội, trong tổng danh mục 383 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn thành phố, đến nay, mới chấm dứt hoạt động 30 dự án, đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án. Như vậy, còn tới hơn 300 dự án “treo” rải khắp Thủ đô khiến bộ mặt thành phố trở nên chắp vá, lộn xộn. Hình ảnh những khu đất giải phóng mặt bằng xong quây tôn cho cỏ mọc không hiếm tại các địa phương trên cả nước.

Luật Đất đai quy định, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít. Và không ít các dự án chậm thực hiện kéo dài hàng chục năm vẫn không bị thu hồi. Các chuyên gia nhấn mạnh, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đô thị hóa của các thành phố, lãng phí hàng triệu m2 đất.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc xử lý các dự án “treo” với Hà Nội cũng như các địa phương khác cần một chế tài cụ thể. Thời hạn là 24 tháng không sử dụng dự án sẽ bị thu hồi đất và tài sản trên đất, đây là quy định không phù hợp. Vì Hiến pháp quy định tài sản hình thành hợp pháp đều được Nhà nước bảo hộ không bị quốc hữu, nhưng nếu tịch thu đất lại thu luôn tài sản đầu tư trên đất, như vậy là trái với quy định. Chủ đầu tư có thể vi phạm là chưa đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ, nhưng tài sản được hình thành là hợp pháp.

“Chúng ta xử lý các dự án “treo” bằng biện pháp tài chính và thuế, có thể ra một mức phạt rất nặng, ví dụ cứ để đất chậm 1 năm không sử dụng bị phạt bằng 30% tiền sử dụng đất phải nộp. Đây là quy định để nhà đầu tư có trách nhiệm cao hơn trong việc triển khai đầu tư sử dụng đất, khi chủ đầu tư không có khả năng đầu tư phải tìm cách chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác, quỹ đất và việc giải phóng mặt bằng sẽ không còn lãng phí” – GS Võ nói./.


Thứ Tư, 06:00, 30/12/2020