Ngày 13/4, Iran phóng hàng trăm máy bay không người lái (UAV) và tên lửa tấn công vào lãnh thổ Israel. Tehran tuyên bố họ đáp trả cuộc không kích vào khu phức hợp Đại sứ quán ở Damascus (Syria) hôm 1/4 khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, trong đó có 7 thành viên cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC).

Iran đổ lỗi cho Israel về vụ tấn công, trong khi Israel không chính thức bình luận về vụ việc.

Cuộc không kích của Iran đánh dấu cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên từ lãnh thổ Iran vào Israel. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện với những hậu quả khó lường và làm leo thang căng thẳng ở một khu vực vốn đã sôi sục vì các tranh chấp.

Iran và Israel chưa từng tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp và công khai vào lãnh thổ của nhau. Mặc dù đối đầu với nhau hàng chục năm qua, nhưng thực tế, Israel và Iran cũng từng có lúc là đồng minh.

Thời kỳ Iran nằm dưới sự cai trị của triều đại Pahlavi trong hơn nửa thế kỷ, mối quan hệ giữa Iran-Israel không hề thù địch. Iran là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Israel sau khi nước này được thành lập vào năm 1948. 

Người Palestine coi đó là sự chấp nhận ngầm của quốc tế đối với cái mà họ gọi là “Nakba” (thảm họa), tức việc cưỡng bức tước đoạt và di dời hơn 700.000 người Palestine khi nhà nước Israel được thành lập.

Israel coi Iran là đồng minh chống lại các quốc gia Arab. Trong khi đó, Iran hoan nghênh Israel như một đối trọng với các nước Arab trong khu vực.

Khi đó, Israel đã đào tạo các chuyên gia nông nghiệp Iran, cung cấp bí quyết kỹ thuật và giúp xây dựng, huấn luyện các lực lượng vũ trang Iran. Trước Cách mạng Hồi giáo, Iran từng là quê hương lớn thứ hai của cộng đồng Do Thái bên ngoài Israel.

Sóng gió trong quan hệ giữa Iran và Israel bắt đầu nổi lên từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979. Shah (Vua) Mohammad Reza Pahlavi bị lật đổ, còn lãnh đạo tối cao mới của Cộng hòa Hồi giáo Iran, Ayatollah Ruhollah Khomeini, theo đuổi chính sách đứng lên chống lại các cường quốc thế giới “kiêu ngạo”.

Iran sau đó đã hủy bỏ tất cả các thỏa thuận trước đó với Israel. Ông Khomeini đã chỉ trích gay gắt việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine. Dưới chế độ của ông ở Iran, Mỹ được biết đến với cái tên “Satan lớn” và Israel là “Satan nhỏ”.

Sự hợp tác giữa Israel và Iran vẫn tiếp tục kéo dài đến những năm 1980 mặc dù rất hạn chế. Nhưng sau đó, sự thù địch trỗi dậy khi Iran xây dựng và tài trợ cho các lực lượng dân quân trên khắp khu vực từ Syria, Iraq, Lebanon đến Yemen.

Trong nhiều thập kỷ, Israel và Iran đã tiến hành một cuộc chiến trong bóng tối trên khắp Trung Đông, thực hiện các cuộc tấn công lẫn nhau trên bộ, trên biển, trên không và trên không gian mạng.

Iran chủ yếu sử dụng các lực lượng ủy nhiệm nước ngoài để tấn công các lợi ích của Israel, trong khi các vụ ám sát có chủ đích các nhà lãnh đạo quân sự và các nhà khoa học hạt nhân Iran là một phần quan trọng trong chiến lược của Israel.

Vụ hạ sát tướng Qassim Soleimani, chỉ huy lực lượng đối ngoại của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Baghdad (Iraq) vào tháng 1/2020 được xem là một trong những mốc đáng chú ý. Cuộc tấn công do Mỹ, đồng minh của Israel, thực hiện và Israel đã thể hiện rõ thái độ “hài lòng” sau về sự việc này.

Iran và Israel đã thực hiện một số cuộc tấn công và đáp trả lẫn nhau trong bí mật trong những năm sau cái chết của tướng Soleimani.

Israel được cho là đã ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, Mohsen Fakhrizadeh, vào tháng 11/2021 và ám sát một chỉ huy IRGC, Đại tá Sayad Khodayee, vào tháng 5/2022.

Vào tháng 7/2021, một tàu chở dầu của công ty vận tải thuộc sở hữu của Israel đã bị tấn công ngoài khơi Oman, khiến hai thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng. Các quan chức Israel nói rằng cuộc tấn công dường như được thực hiện bằng UAV Iran.

Iran không tuyên bố hay phủ nhận trách nhiệm một cách rõ ràng, nhưng một kênh truyền hình nhà nước mô tả vụ việc này là phản ứng trước cuộc tấn công của Israel vào Syria.

Vào cuối năm 2023, Iran đã cáo buộc Israel ám sát nhân vật quân sự cấp cao, tướng Sayyed Razi Mousavi, trong một cuộc tấn công tên lửa bên ngoài Damascus. Là cố vấn cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng, tướng Mousavi được mô tả là cộng sự thân cận của Tướng Soleimani và được cho là đã giúp giám sát việc vận chuyển vũ khí cho Hezbollah.

Israel, như mọi khi, từ chối bình luận trực tiếp về việc nước này có đứng sau cái chết của tướng Mousavi hay không.

Cuối tháng 1/2024, Iran cáo buộc Israel tiến hành cuộc không kích vào Damascus. Theo các phương tiện truyền thông Iran và một quan chức quốc phòng Israel, một số nhân vật quân sự cấp cao của Iran đã thiệt mạng, bao gồm cả người đứng đầu cơ quan tình báo ở Syria của Lực lượng Vệ binh Cách mạng và cấp phó của ông này.

Iran cáo buộc Israel thực hiện cuộc không kích và coi đây là một cuộc tấn công vào lãnh thổ chủ quyền của họ theo luật pháp quốc tế.

Israel không lên tiếng thừa nhận thực hiện vụ tấn công nhưng lập luận rằng mục tiêu là “tòa nhà quân sự của lực lượng Quds” - một lực lượng tinh nhuệ của IRGC chịu trách nhiệm về các hoạt động ở nước ngoài.

Việc Iran đáp trả không nằm ngoài dự đoán, nhưng cuộc tấn công chưa từng có vào lãnh thổ Israel hôm 13/4 đã đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận của Tehran, vốn thường hành động thông qua các lực lượng ủy nhiệm trên khắp Trung Đông.

Dù vậy, Iran nhấn mạnh, họ nhắm mục tiêu vào các cơ sở của Israel liên quan đến vụ tấn công ở Damascus, chứ không phải dân thường hay “khu vực kinh tế”. Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cũng xác nhận Iran đã thông báo với Mỹ rằng cuộc tấn công nhằm vào Israel sẽ “có giới hạn” và nhằm mục đích tự vệ.

Theo Ahron Bregman, nhà khoa học chính trị và chuyên gia về các vấn đề an ninh Trung Đông tại King's College có trụ sở ở London, đây là lần đầu tiên Iran tấn công trực tiếp Israel từ lãnh thổ của mình. Ông gọi đây là một “bước ngoặt lịch sử”.

Các nhà phân tích khác cũng cho rằng Iran đã gửi đi một thông điệp rằng họ sẽ sẵn sàng leo thang và thay đổi các quy tắc can dự trong cuộc chiến trong bóng tối với Israel.

Nói về cuộc tấn công của Iran, Giám đốc Trung tâm Trung Đông Carnegie, Maha Yahya, cho rằng: “Họ đã đưa ra cảnh báo rằng điều đó [cuộc chiến trong bóng tối sắp thay đổi. Tôi nghĩ phía Iran biết rằng máy bay không người lái và tên lửa của họ sẽ bị bắn hạ trước khi đến lãnh thổ Israel”.

Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào phản ứng của Israel. Nội các chiến tranh Israel vẫn chưa thống nhất về cách thức, thời điểm đáp trả đòn tập kích của Iran, dù tuyên bố sẽ hành động.

Bất cứ quyết định nào được Nội các chiến tranh Israel đưa ra đều có thể tạo bước ngoặt với căng thẳng khu vực, vốn đang kề cận một cuộc chiến quy mô lớn.

Tác giả: Hoàng Phạm - Trình bày: Kiều Anh

Nguồn: NPR, NY Times, AP, DW - Ảnh: Reuters

Thứ Tư, 06:00, 17/04/2024