Thủ đoạn mới của nữ giám đốc chiếm đoạt gần 8 tỷ đồng
Nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người khác để trả nợ và tiêu xài cá nhân, một nữ giám đốc đã diễn một màn kịch rất “hoàn hảo”
“Mật ngọt chết ruồi”
Khoảng tháng 3/2013, do có quen biết nên Nguyễn Thị Thanh Phước (35 tuổi, ngụ khu phố 2, phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), Giám đốc Công ty đầu tư thương mại Đại Nam (tọa lạc phường ĐaKao, quận 1, TP Hồ Chí Minh) biết ông Thái Oanh (48 tuổi, ngụ phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài), Giám đốc Công ty TNHH Công Thành cần bán vườn cao su hơn 130,6ha thuộc xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng.
Thi hành lện bắt khẩn cấp và khám xét nơi làm việc của bị can Phước |
Tuy không có số tiền để mua nhưng Phước vẫn đến xem và rồi thỏa thuận mua vườn cao su với giá 480.000.000 đồng/ha. Phước xin đặt cọc 600 triệu đồng và yêu cầu ông Oanh làm giấy ủy quyền cho Phước quản lý, chăm sóc.
Tuy nhiên, khi chưa làm giấy ủy quyền thì Phước đã dẫn một người quen khác tên bà L.T.T.C. (ngụ phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đến xem đất cao su và giới thiệu, đó là vườn cao su của Phước. Để tạo tin tưởng, Phước đã cho tiền và dặn trước 2 người làm công tại vườn cao su rằng, nếu ai hỏi thì nói là vườn cao su của Phước. Phước còn tự tay nấu cơm tại căn nhà trông coi vườn cao su để “đãi” bà C.
Sau đó, Phước dẫn bà C. đi xem vườn cao su và giới thiệu vườn này có cổ phần của vợ chồng Phước nhưng nhờ ông Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Công Thành là anh của Phước đứng tên dùm. “Mật ngọt chết ruồi”, bà C đồng ý mua vườn cao su và thỏa thuận giá 420.000.000đồng/ha. Sau đó, bà C. về TP Hồ Chí Minh rủ thêm bà N.T.T, (ngụ phường Tân Định, quận 1) góp vốn mua chung (bà T 30% còn bà C 70%).
Để thực hiện giao dịch mua bán, bà C đưa trước cho Phước 50.000 USD và yêu cầu phải có giấy ủy quyền của Công ty TNHH Công Thành và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Công ty TNHH Công Thành.
Để bà C tin tưởng và giao thêm tiền, Phước thuyết phục và được ông Oanh đồng ý làm hợp đồng góp vốn chăm sóc cao su và giấy ủy quyền cho Phước quản lý. Phước sẽ thanh toán tiền 3 đợt (đợt một 600 triệu đồng ngay khi ký hợp đồng, 20 ngày sau thanh toán đợt hai 10 tỷ đồng và đợt ba thanh toán vào ngày 7/10/2013 với số tiền 52,1 tỷ đồng).
Nếu đợt 2 Phước không thanh toán đúng hẹn thì hợp đồng sẽ hết hiệu lực và chịu chi phí 200 triệu đồng.
Được giấy ủy quyền, Phước ứng tiền “làm thủ tục sang nhượng” của bà C hai lần với số tiền 6,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, Phước sử dụng số tiền này để trả nợ và tiêu xài mà không làm bất cứ thủ tục nào để sang nhượng vườn cao su cho bà C.
Đến ngày hẹn thanh toán tiền hợp đồng cho ông Oanh, Phước đến gặp ông Oanh yêu cầu hủy hợp đồng và Phước chịu chi phí 200 triệu đồng.
Sau đó, Phước vẫn tiếp tục yêu cầu bà C. đưa thêm 500 triệu đồng để chi phí lo thủ tục sang nhượng.
Một thời gian sau, bà C. hỏi Phước về tiến độ thủ tục sang nhượng thì Phước viết cam kết sẽ trả lại tiền cho bà C. Mãi vẫn không thấy Phước trả lại tiền cho mình nên ngày 20/9/2013, bà C. đã trình báo cơ quan Công an.
Sa lưới và lĩnh án
Khi thụ lý vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước gặp không ít khó khăn khi xác định nơi ở của Phước. Bởi lẽ, Phước không ở nhà hoặc trụ sở công ty mà cứ “thoắt ẩn, thoắt hiện” ở nhiều khách sạn khác nhau trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Phải đến đầu tháng 12/2013, các trinh sát mới bắt được nữ giám đốc Phước theo Lệnh bắt khẩn cấp khi vị giám đốc này đang ở một khách sạn hạng sang ở TP Hồ Chí Minh vào lúc rạng sáng.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Phước trước vành móng ngựa. |
Qua khám xét nơi làm việc (Văn phòng Công ty đầu tư thương mại Đại Nam) và chỗ ở thuộc phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một để thu giữ những tài liệu, vật chứng có liên quan để phục vụ điều tra.
Sau hơn 2 năm điều tra mở rộng, ngày 23/9/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai đối với bị cáo Phước về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại phiên tòa, bị cáo Phước đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phước 12 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.Đồng thời, buộc Phước phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các nạn nhân.
Đây là bản án nghiêm khắc dành cho Phước và cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai còn bất chấp pháp luật, cố ý thực hiện hành vi phạm tội để chiếm đoạt tài sản của người khác./.