Triệt xóa các điểm nóng, đường dây buôn lậu tuyến biên giới Tây Nam
VOV.VN - Tình hình buôn lậu trên tuyến biến giới khu vực các địa phương giáp biên Campuchia vẫn còn diễn phức tạp.
Mặc dù các cửa khẩu giữa tỉnh An Giang và các địa phương giáp biên của Campuchia tạm dừng các hoạt động qua lại, nhưng tình hình buôn lậu trên tuyến biến giới khu vực này vẫn còn diễn phức tạp. Ngoài việc tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các lực lượng chức năng khu vực biên giới tỉnh An Giang còn phải “căng mình” làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu.
Tại khu vực Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, dưới cái nắng, nóng gay gắt của mùa khô, các lực lượng chức năng, phải gồng mình để tuần tra kiểm soát suốt ngày đêm; vừa làm nhiệm vụ ngăn chặn người qua lại trái phép trên biên giới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, đồng thời ngăn chặn các đối tượng vận chuyển hàng lậu qua biên giới. Thượng úy Nguyễn Phước Tới, Đội trưởng, đội phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên cho biết, hàng hóa được các đầu nậu tập kết sát biên giới phía Campuchia; chỉ cần có thời cơ thuận lợi là chúng thuê người đai vác hoặc sử dụng vỏ lãi, xuồng máy, xe môtô… để vận chuyển qua biên giới bằng các đường mòn, lối mở, qua sông để đưa vào nội địa tiêu thụ.
Thượng úy Nguyễn Phước Tới cho biết: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, rồi tình trạng đai vác, vận triển hàng hóa diễn biến phức tạp; 100% cán bộ, chiến sỹ của đồn biên phòng hưởng ứng quyết liệt phương châm “chống dịch như chống giặc” 5 tổ công tác chúng tôi thường ngày kiểm soát lưu động chặt chẽ các đường mòn, lối mở qua lại biên giới, không cho các đối tượng lợi dụng để xuất nhập cảnh trái phép, không cho người dân đi lại bằng đường mòn, kênh rạch theo tập quán từ xưa đến nay; Tuần tra kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn các đối tượng đai vác, vận chuyển hàng hóa, buôn lậu qua biên giới”.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang nêu rõ, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, mặc dù tại khu vực đường biên giới của tỉnh đã được siết chặt, nhưng tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn diễn biến phức tạp. Chỉ tính từ đầu tháng 5 đến nay, Lực lượng chống buôn lậu của tỉnh An Giang đã bắt giữ hàng chục vụ; Các mặt hàng chủ yếu là đường cát, mỹ phẩm, thuốc lá ngoại, hàng điện tử điện lạnh đã qua sử dụng…trị giá hàng hóa mỗi vụ hàng trăm triệu đồng; có những vụ lên đến hơn một tỷ đồng. Điển hình như đêm ngày 9/5, lực lượng chống buôn lậu đã bắt giữ một chiếc xe chở đầy hàng hoá từ Campuchia về Việt Nam; với 26 chủng loại hàng hoá là mỹ phẩm, hàng tiêu dùng... và cả xe máy hai bánh; lô hàng này có trị giá ước tính hơn 1 tỷ đồng. Mới đây nhất, trong 2 ngày 17 và 18/5, đã phát hiện, bắt 2 vụ vận chuyển lậu với số lượng lớn hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng từ Campuchia về Việt Nam, mỗi vụ có trị giá hàng hóa hơn 1 tỷ đồng.
Đại tá Lý Kế Tùng, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng An Giang thông tin, hiện nay, hoạt động của các đường dây buôn lậu có sự tổ chức rất chặt chẽ; từ đối tượng là đầu nậu, hộ kinh doanh cá thể, người canh đường, người theo dõi, người tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tạo thành đường dây xuyên suốt để đối phó lực lượng chức năng.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng BCĐ 389 tỉnh cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị thuộc lực lượng 389 tăng cường kiểm tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm, nhất là các địa phương có tuyến biên giới, các đường mòn, lối mở, kênh, rạch, dòng sông chung biên giới... Ngăn chặn không để xảy ra tình trạng xuất cảnh, nhập cảnh không đúng quy định, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Không để tồn tại các điểm tập kết, tụ điểm chứa hàng lậu trong khu vực biên giới. Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, quản lý chặt các đối tượng, ổ nhóm buôn lậu có tính chất chuyên nghiệp, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm; tập trung các biện pháp đấu tranh triệt xóa không để hình thành, phát sinh các điểm nóng, đường dây buôn lậu trên địa bàn.
Ông Lê Văn Nưng cho biết: “Tội phạm buôn lậu còn phức tạp, còn dây dưa kéo dài, nên phải duy trì, nâng cao trách nhiệm quản lý địa bàn, các địa bàn phân công theo từng lực lượng như: biên giới, cửa khẩu, nội địa… Phối hợp tốt giữa các lực lượng Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Hải quan và chính quyền địa phương duy trì thường xuyên việc tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý những đầu nậu, những người cầm đầu. Thực hiện quyết tâm không để điểm nóng về buôn lậu gây bức xúc”
Để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn, vấn đề đặt ra là các lực lượng chức năng chống buôn lậu của tỉnh An Giang cần phối với các địa phương, nhất là ở khu vực biên giới; đánh giá tồn tại, khó khăn, trên cơ sở đó có những giải pháp, xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm…Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, để cùng tham gia công cuộc chống buôn lậu này./.