Viện KSND Tối cao khởi tố gần 1.200 vụ tham nhũng
VOV.VN - Giai đoạn 2011-2015, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã khởi tố 1.192 vụ tham nhũng, chủ yếu trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, quản lý đất đai.
Sáng 8/10, tại Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011-2015 của ngành kiểm sát.
5 năm qua, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tăng cường kiểm sát trực tiếp tại các cơ quan điều tra trong việc giải quyết, tố giác, tin báo về tội phạm.
Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc |
Viện Kiểm sát các cấp đã kiểm sát việc giải quyết gần 388.000 tin báo, tố giác của các cơ quan điều tra. Đồng thời tiến hành kiểm sát điều tra vụ án ngay từ khi khởi tố, kiểm sát chặt chẽ các quyết định của cơ quan điều tra, bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố đúng người, đúng tội, hạn chế việc bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra hơn 351.000 vụ; tỷ lệ Viện Kiểm sát truy tố đúng người, đúng tội đạt hơn 98%. Đặc biệt, đã khởi tố 1.192 vụ án về tham nhũng. Trong đó chủ yếu là các tội tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, quản lý đất đai.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết: “Trong thời gian tới tội phạm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Tội phạm có tổ chức hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, xuyên quốc gia; tội phạm do nguyên nhân xã hội có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng; các loại tội phạm phi truyền thống, thủ đoạn mới xuất hiện…Trước tình hình đó, công tác phòng chống tội phạm nói chung, công tác kiểm sát nói riêng cần được tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường. Qua đó đấu tranh, kiềm chế và đẩy lùi các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống của nhân dân”./.