Cố gắng hết sức, vợ chồng tôi cũng chẳng thể giàu

Anh và cháu của hiệu trưởng được giữ lại để lựa chọn đi du học Nhật, rồi dù cố gắng thế nào anh cũng là người ở lại khi chỉ có một suất đi.

Làm sao để vượt qua số phận? Đó là câu hỏi luôn thường trực trong đầu tôi từ khi còn nhỏ xíu cho tới giờ khi đã có gia đình với một nhóc đáng yêu. Có lúc tôi tưởng câu trả lời là sự cố gắng nhưng giờ lại thấy không đúng. Gia đình tôi so với những nhà khác ở làng quê cũng bình thường nhưng so với hai bên nội ngoại thì thật buồn. Bố tôi là người học giỏi nhất nhà, mẹ tháo vát nhưng nhà chúng tôi lại nghèo nhất trong số tất cả mười mấy nhà cô dì chú bác, cách biệt một khoảng cách rất xa.

Từ khi còn nhỏ tôi luôn phải mặc đồ thừa, chơi đồ chơi thừa, thậm chí ăn thừa của một đứa em bằng tuổi con nhà dì ruột, tên Lan. Khi tôi muốn một cái gì đó, câu trả lời sẽ là “Đợi cái Lan dùng xong mẹ sẽ đem về cho con". Chưa bao giờ tôi có một cái gì đó thực sự là của mình, cảm giác đó đè nặng lên tôi cho tới khi vào đại học vẫn phải ở nhờ nhà dì trên Hà Nội. Ở đó, Lan là chủ, tôi chỉ là một kẻ ở nhờ. Sau khi cầm tấm bằng đại học ra trường, tôi đã cố gắng tới từng hơi thở, từng nhịp tim để bằng mọi cách thoát ra khỏi số phận. Tôi muốn lo cho bố mẹ được sống an nhàn, vượt qua cái khắc nghiệt của cuộc đời.

Trong vòng bốn năm làm việc không ngừng nghỉ, không mệt mỏi và phấn đấu hết sức có thể, vắt kiệt cả sức khỏe và tinh thần, cuối cùng tôi đạt được chỉ là một cái gì đó khá hơn đi làm thuê chút, tôi có một đại lý của riêng mình. Mỗi tháng tôi chỉ kiếm được khoảng 30 triệu để lo cho gia đình và trả nợ dần cho căn nhà nhỏ ven thành phố, công việc cũng không hẳn ổn định lâu dài. Tôi cũng chẳng làm được gì to tát, 27 tuổi chỉ có thể làm được như thế mà thôi.

Lấy chồng tôi cũng chẳng giúp được gì cho bố mẹ, chẳng làm được gì để vượt lên số phận dù đã cố hết sức có thể. Trong khi đó, các em con cô dì chú bác mới ra trường đã có ô tô, biệt thự riêng, lương khởi điểm đã hơn 1.500 USD. Mọi thứ bày ra trước mắt như một tấm thảm hoa hồng, họ thường xuyên đi du lịch nước ngoài, thay Iphone như thay áo, ăn một bữa vài ba triệu bạc là chuyện quá đơn giản. Khi Lan lấy chồng sau tôi một thời gian được chú dì mua cho căn chung cư cao cấp và cho một tỷ làm của hồi môn. Tất cả những điều ấy tạo thành một nỗi buồn sâu thẳm trong lòng tôi, không cách nào gột rửa được. Vậy ra, cố gắng mãi cuối cùng cũng không bằng một góc những kẻ may mắn đầu thai làm kiếp nhà giàu.

Tôi buồn lắm, thấy mình thật vô dụng. Khi mới sinh con ra, ôm con trên tay khóc và nói: Mẹ thương con lắm, thương con đầu thai làm con mẹ lại một kiếp nghèo. Sự cố gắng chẳng ăn thua ấy lại được thể hiện rõ ràng thêm ra khi tôi lấy chồng. Anh học xong thạc sĩ, là một trong 10 người tốt nghiệp xuất sắc nhất của trường trong năm ấy, bằng khen từ nhỏ tới lớn của anh phải treo đầy bốn bức tường phòng làm việc mới hết. Anh bảo sinh ra trong gia đình nghèo khó nên phải cố gắng bằng 10 lần chúng bạn. Thế mà cố gắng có ăn thua gì khi gia đình anh không có “cơ”, bố mẹ anh chỉ đi bán rau ngoài chợ?

Anh và cháu của hiệu trưởng được giữ lại để lựa chọn đi du học Nhật, rồi dù cố gắng thế nào vẫn là người ở lại khi chỉ có một suất đi. Anh buồn, bỏ nghề giảng viên, thi vào cơ quan nhà nước, muốn bằng khả năng của mình có thể vươn lên, kiếm tiền chăm lo cho em trai và bố mẹ. Sự thật anh nhận được gì? Việc khó khăn gì cũng tới tay nhưng hễ kiểm điểm anh lại là người bị nêu tên đầu tiên. Trách làm sao được, cơ quan anh là cơ quan cấp tỉnh, các bạn trong phòng của anh đều có ô tô còn anh đi con Dream cũ mèm. Có chị đi xe 4 tỷ, đi làm nhận lương 6 triệu, chị ấy cười bảo đi làm cho vui chứ còn lương bao nhiêu năm nay chị chẳng biết được bao nhiêu, cũng chưa rút ra bao giờ.

Có chị bị sếp làm phật ý liền đứng trước mặt sếp nói hãy cẩn thận kẻo chị ấy quậy cho tưng phòng. Chồng tôi thì sao? Hôm anh bị gãy tay đi xe khó khăn nên tới trễ 15 phút, hôm sau anh bị khiển trách. Thứ bảy đang ở nhà, cơ quan có người đến diệt gián muỗi, người bị gọi tới trực cũng là anh. Cơ quan có dự án về, sếp tổng gọi anh lên làm nhưng nghiệm thu ghi tên người thực hiện lại là một đứa con của thiếu tướng.

Người đàn ông mạnh mẽ của tôi đôi khi vai run lên tưởng như bật khóc trước sự o ép thái quá của con người, của cuộc sống nhưng vì làm ở đó có thể phụ vợ làm kinh doanh nên anh đành nhẫn nại, hy vọng sống lâu lên lão làng. Sắp tới phòng anh có một suất phó phòng, nhà mình không quyền, cũng không tiền cho nên hồ sơ của anh đã bị thay bằng một bộ hồ sơ khác rồi. Họ uống ly cà phê 200 nghìn đồng, còn số tiền đó anh để dành cho con mua sữa. Vậy phải làm sao để vượt lên số phận đây? Làm sao để bằng mọi sự cố gắng tôi có thể vươn lên?

Tôi sinh ra chỉ là một con bé quê mùa, bố mẹ tôi chỉ có tình yêu thương dành cho tôi mà thôi. Tôi buồn lắm! Có người bảo hãy nhìn xem xung quanh còn muôn vàn người khó khăn hơn nhưng tôi chỉ có thể thấy sự khó khăn của họ làm động lực để phấn đấu chứ không thể suy nghĩ được rằng họ khó khăn như vậy mình như thế này phải biết là đủ?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên