Đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão có là bất hiếu?
Đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão có phải là giải pháp đúng đắn không? Và đó là bất hiếu hay văn minh?
Người Việt và Châu Á nói chung có quan điểm đẻ con ra để "sau này có đứa chống gậy". Tư duy đó còn phù hợp với thời đại hiện nay không? Có kéo lùi sự vận động tất yếu của xã hội toàn cầu hóa? Đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão có phải là giải pháp đúng đắn không? và là bất hiếu hay văn minh?
Hiếu thảo là nghe lời?
Thế hệ tôi được tuyên truyền là gia đình chỉ nên có 2-3 con nên tôi rất ngạc nhiên vì ông bà ngoại tôi có tới 10 người con. Mỗi lần tụ tập mọi người đều về, thêm cháu chắt nữa nên gia đình rất đông đúc.
Có lần tôi đánh bạo hỏi bà tôi, vì sao ông bà đẻ nhiều thế, bà bảo phải đẻ nhiều để đứa này bất hiếu còn có đứa khác. Tôi rất ngạc nhiên vì có lẽ ngay từ khi bắt đầu học nói, chúng tôi đã được dạy là con cái phải nghe lời bố mẹ, sau này phải chăm sóc bố mẹ nên yên chí hiếu thảo là việc đương nhiên, sao bà còn phải lo?
Đến khi lớn lên mới biết hiếu thảo thật khó.
Khi còn nhỏ, hầu hết bố mẹ đều hài lòng với con cái vì bố mẹ thường chỉ mong con chăm học, lễ phép, chịu ăn chịu chơi, nhiều bố mẹ bây giờ còn không yêu cầu con làm việc nhà. Con học kém thì bố mẹ lại tìm cách mua điểm cho con rồi trút bực lên giáo viên chứ con mình vẫn hoàn hảo.
Nhưng bước vào tuổi 17-18, không ít những đứa trẻ có tiếng ngoan ngoãn ấy bỗng dưng trở thành kẻ bất hiếu, làm bố mẹ đau khổ vô cùng. Ở Việt Nam bố mẹ có xu hướng muốn con cái theo nghề mình để dễ bề thu xếp công việc cho con. Oái oăm là nhiều khi đứa con lại không thích nghề ấy.
Các cụ già được chăm sóc trong viện dưỡng lão |
Một lần tôi định đánh trượt một sinh viên đã thi đến lần thứ ba nhưng vẫn không biết gì mà hoàn toàn thờ ơ với môn học. Tôi đã định đánh trượt thì một cán bộ phòng đào tạo ghé qua, ngạc nhiên hỏi: “Thế cậu này vẫn ở đây à?”, rồi quay qua bảo tôi: “Cậu này vốn là học sinh đoạt giải Ba kỳ thi Toán Quốc gia, được tuyển thẳng vào trường mình đấy”.
Tôi bất ngờ quá, quay qua hỏi: “Toán khó thế mà em còn học được, sao lại không học được môn này?”, em thở dài đánh sượt: “Dễ với cô nhưng khó với em”. Tôi hỏi: “Em đã thi vào đây thì phải cố mà học chứ?”, nhưng em bảo: “Em có muốn thi đâu, đây là mẹ em muốn đấy chứ nên cô muốn cho em mấy điểm thì cho, em không cần”!
Tôi không biết nói gì, đành bỏ đi. Đến tối tôi nhận được điện thoại của một người bạn cũ nói là bố của cậu bé đó và “Em giúp anh với, thằng bé vốn giỏi giang lắm. Vợ anh làm ngoại thương đã xếp sẵn việc tốt cho nó mà không hiểu sao nó lại thế?”!
Những câu chuyện như vậy vẫn tiếp tục. Bố mẹ khổ sở vì con học xong không về công tác ở quê nhà, vì con yêu và muốn kết hôn với người không hợp ý mình, nhiều khi chỉ vì những lý do vu vơ như thầy bói bảo không hợp tuổi hay nhìn tướng không vừa mắt..., vì con không chịu sinh con như ý mình muốn,hay vì chúng dám sống khác ý mình.
Có những bậc bố mẹ qua thăm, thấy con trai làm việc nhà liền mắng mỏ con dâu. Con trai can thì bố mẹ vật vã đòi chết vì cho rằng con bất hiếu, nghe vợ hơn nghe mẹ. Hoá ra trong văn hoá Việt, hiếu thảo luôn gắn liền với việc nghe lời, bất kể đúng sai. Chưa kể nhiều bậc bố mẹ hầu con cả đời, không cho con động tay vào việc gì, đến cuối đời mới phát hiện ra con chỉ quen được phục vụ chứ không hề có ý định phục vụ bố mẹ. Khi bố mẹ nhận ra mình đã tự tạo nên tính bất hiếu cho con thì đã muộn rồi.
Đến khi học ngoại ngữ, tôi mới phát hiện ra, các ngôn ngữ phương Tây đều không có chữ “hiếu”, trong tiếng Anh chỉ có từ dutifull (có nghĩa vụ) hay thankfull (biết ơn) nhưng những từ này đều áp dụng chúng cho mọi mối quan hệ chứ không chỉ riêng với bố mẹ.
Bức ảnh 'cụ già bán rau' được cộng đồng chia sẻ |
Đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão có là bất hiếu?
Với người Phương Tây, nuôi con là nghĩa vụ của cha mẹ nhưng ngay từ nhỏ, đứa trẻ đã được coi là cá nhân riêng biệt, cần được tôn trọng. Khi con 18 tuổi, chúng đã có quyền ra ở riêng. Rất hiếm gia đình có bố mẹ ở cùng với con cái khi chúng lập gia đình. Xu hướng người già đi vào trại dưỡng lão thay vì ở với con cái rất phổ biến.
Lúc đầu tôi cũng cảm thấy bất nhẫn vì nghĩ ở nhà dưỡng lão người già sẽ buồn. Khi nói chuyện với họ mới biết, chính người già lại thích đi vào trại dưỡng lão hơn. Ở nhà con cái đi làm hết, họ rất cô đơn, ăn uống mỗi lứa tuổi mỗi khác nên cũng không phù hợp.
Vào trại dưỡng lão có bạn cùng tuổi trò chuyện, lại được chăm sóc y tế chu đáo. Nhiều người già cô đơn tìm được người bầu bạn, tình yêu tuổi già làm họ vui sống hơn.
Trong xu thế công nghiệp hóa, ngay ở Việt Nam xu thế người già vào trại dưỡng lão cũng ngày càng phát triển nhưng con cái e ngại mang tiếng nên vẫn ngăn cản bố mẹ. Thực tế này đặt ra một vấn đề mới là không chỉ bố mẹ cần tôn trọng tự do của con cái mà con cái cũng cần tôn trọng sự riêng tư của bố mẹ, không can thiệp vào cuộc sống riêng của người già.
Hôm trước một bạn đăng một tấm ảnh cụ bà khoảng 90 tuổi nằm còng queo trên vỉa hè, bên cạnh cái mẹt có mấy thứ rau quả. Bạn bảo hàng ngày gặp cụ bán rau ở đây, mệt thì nằm ngủ trên vỉa hè ngay bên cạnh. Hàng ngày cụ đi về một bóng, tự lo cho mình, ngay cả khi Hà Nội trong đợt rét kỷ lục. Chỉ trong vài ngày tấm ảnh này đã có đến 1520 lượt chia sẻ, rất nhiều bạn hỏi thăm, muốn tìm hiểu, giúp đỡ cụ.
Bên cạnh những lời cảm thương, nhiều bạn muốn biết về gia đình cụ: cụ có chồng con gì không, sao lại sống một mình như vậy? Những câu chuyện về những đứa con bất hiếu, đuổi cha mẹ khỏi nhà hoặc bỏ rơi bố mẹ lại được dịp nhắc lại.
Tuy nhiên, một người quen của tôi sống gần nơi cụ trọ kể lại: cụ đã ngoài 80 tuổi, có chồng và 11 người con đều còn sống ở quê. Tất cả đều “nghèo khổ, không có điều kiện phụng dưỡng bố mẹ”. Không muốn làm phiền đến con, cụ bà để cụ ông ở nhà, một mình ra thành phố bán rau kiếm sống. Cụ có hai người con đang làm thuê ở Hà Nội nhưng lại không hợp con dâu nên cụ thà chọn con đường sống cô đơn, tự lập còn hơn là làm phiền con cháu. Thỉnh thoảng con cái cũng ghé qua thăm cụ, can ngăn cụ đừng đi bán rau nữa nhưng cụ dứt khoát không chịu.
Tôi rất khâm phục sức khỏe và nghị lực sống của cụ. Người phụ nữ cao tuổi, ít học ấy đã cho chúng ta một bài học về dạy lòng hiếu thảo: bố mẹ và con cái cần qua lại, chia sẻ nhưng cần tôn trọng cuộc sống riêng tư của nhau. Chỉ khi nào bố mẹ không thể tự lo được mới phiền đến con cháu.
Dù vậy, tôi vẫn mua chiếc áo ấm nhờ gửi cho cụ. Xét cho cùng, lòng hiếu thảo với những bậc cha mẹ cao tuổi như cụ là nghĩa vụ chung của cả xã hội này!./.