Loạn nhà vì chị em dâu tranh giành đất đai

VOV.VN - Vợ tôi và chị dâu đối xử theo kiểu bằng mặt chứ không bằng lòng, có chuyện gì cũng cãi nhau, khiến gia đình lúc nào cũng căng thẳng.

Tôi năm nay 45 tuổi, là con thứ hai trong gia đình có 4 anh chị em. Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm nhưng bố mẹ vẫn cố gắng tần tảo và vay mượn thêm để nuôi 4 anh em tôi ăn học. Thật may mắn khi giờ đây, cả 4 anh em đều có công ăn việc làm ổn định. Chúng tôi rất yêu thương bố mẹ và tình cảm giữa 4 anh em cũng rất tốt. Nhưng mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh khi cả 4 anh em đều lập gia đình riêng.

Anh em tôi thì không có chuyện gì bởi từ xưa đến nay, chúng tôi có thói quen chia sẻ với nhau từ chuyện to đến chuyện nhỏ. Nhưng vợ tôi và chị dâu thì đối xử theo kiểu bằng mặt chứ không bằng lòng. Vợ tôi tính thẳng thắn, bộc trực, không vừa ý là nói ngay. Thậm chí nhiều khi còn nói thậm tệ. Còn chị dâu thì khác hoàn toàn, hai người cứ như hai thái cực. Chính vì vậy mà hai chị em không hợp nhau.

 

(Ảnh minh họa)

Cho dù tôi và anh trai đã nhiều lần nhắc nhở, khuyên bảo, nhưng quan hệ của hai người cũng chẳng tốt lên chút nào. Mọi chuyện càng căng thẳng hơn khi bố mẹ tôi không may qua đời mà không để lại di chúc.

Bố tôi là con trưởng của một dòng họ, nhà thì nghèo, tôi lấy vợ trước nhưng bố mẹ không có gì cho vợ chồng tôi cả. Sau vài năm, vợ chồng tôi tích cóp vay mượn bên nhà vợ mua nhà mua đất ở riêng. Sau đó, anh trai lấy vợ và ở nhà của bố mẹ tôi bây giờ với diện tích khoảng 800m2. Vì bố mẹ tôi không di chúc lại, nên giờ tôi đang ở trong hoàn cảnh rất khó xử.

 

Bố mẹ mất chưa được 100 ngày, chị dâu tôi đã cuống quýt đòi chia đất. Về chuyện này mấy anh em đã phải góp ý với chị. Bố mẹ mồ mả chưa yên mà con cái đã như thế này thì bố mẹ có yên lòng nhắm mắt được không? Nhưng chị vẫn cứ nói gần nói xa, nên gần đây 4 anh em đã phải họp gia đình để bàn chuyện phân chia đất cát của bố mẹ để lại.

Hai cô em gái của tôi bảo sẽ không can thiệp vào chuyện này vì đã đi lấy chồng rồi, tất cả tùy tôi và anh cả quyết định. Anh cả lấy lý do phải thờ cúng ông bà tổ tiên nên muốn ở căn nhà mà bố mẹ để lại, còn tôi thì sẽ lấy mảnh đất khoảng 80m2 ở cách đó 300m. Lấy cách nhau như thế cũng có cái lợi là hai chị em dâu không quá gần nhau, sẽ tránh được xích mích.

Nếu chỉ có hai anh em tôi với nhau thì tôi sẽ chẳng chần chừ mà đồng ý ngay. Tôi có 2 con trai, vợ chồng tôi cũng tích cóp được chút tiền để mua cho mỗi cháu một mảnh đất riêng. Thế nên giờ chỉ còn 2 người, ở mảnh đất như thế vẫn có thể coi là rộng rãi. Mọi chuyện vẫn đang trong giai đoạn bàn bạc mà chị dâu đã như làm chủ cả một mảnh đất rồi, lên mặt với vợ chồng tôi, hoạnh họe chúng tôi đủ điều. Chưa sang tên đổi chủ mà chị còn ăn ở như thế, sang tên đổi chủ rồi thì thái độ của chị còn thế nào nữa đây?

Còn thái độ của vợ tôi nữa, cô ý không đồng ý với phương án này. Cô ấy nói anh chị không có con trai còn nhà tôi thì có, nếu luận về thờ cúng tổ tiên thì cũng là nhà chúng tôi đứng ra mới phải. Cô ấy còn nói không muốn lấy hơn phần đất của ai, nhưng đất đai bố mẹ để lại cô ấy phải chia đều cho cả 4 anh chị em.

Quyết định theo ý anh trai thì sẽ êm ả đủ đường, nhưng chắc chắn vợ tôi sẽ hậm hực không vui. Mà làm theo ý vợ thì mất lòng anh trai. Cho dù quyết định thế nào thì vẫn ở tôi, nhưng tôi không muốn anh em, vợ chồng không vui vẻ. Giờ tôi rất băn khoăn không biết phải giải quyết như thế nào?/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên