Mắc mớ gì phải yêu đến quên mình?
Nhiều người nói rằng phải yêu bản thân mình trước, muốn ăn cứ ăn, muốn chơi cứ chơi, mắc mớ gì phải yêu đến quên mình?
Mọi tranh luận xuất phát từ câu chuyện về một người phụ nữ đã hết lòng, hết sức yêu thương, chăm lo cho gia đình mình nhưng đến khi chị vô phúc qua đời thì chỉ nửa năm sau anh chồng đã cưới người đàn bà khác!
Ý kiến thứ nhất chiếm đa số: Mắc mớ gì phải yêu đến quên mình như vậy? Tốt nhất là phải yêu bản thân trước. Muốn ăn cứ ăn, muốn chơi cứ chơi, muốn gì thì cứ làm nấy đi vì một khi chết đi thì chẳng mang theo được gì bởi "quan tài không có túi". Khi ấy, "chồng mình nó xài, con mình nó sai", chỉ thiệt thân mình đã vất vả cả đời nhưng kết cục chỉ nhận lại con số không!
Luồng ý kiến thứ hai có vẻ dung hòa hơn: Phải cân đối giữa bản thân và gia đình. Nghĩa là vẫn chăm sóc chồng con, những người thân của mình 50%, đồng thời phải dành 50% để chăm sóc bản thân vì những người thân yêu đâu muốn thấy mình bầy hầy, bê bối quá.
Lúc mọi người tranh luận, tôi không tham gia ý kiến bởi nếu nói ra, tôi chắc sẽ bị ném đá. Bởi, tôi cũng giống chị vợ kia. Tất cả những thứ tốt đẹp nhất, tôi đều dành cho chồng con. Mỗi ngày tôi có thể làm việc 15 tiếng, chưa kể thời gian dọn dẹp nhà cửa, vào bếp, giặt giũ...
Thế nhưng, tôi hoàn toàn không thấy áp lực vì khi làm những điều đó, trong tôi có một niềm vui tràn ngập. Tôi vừa làm vừa hát hoặc suy nghĩ về công việc của mình. Rất nhiều lần, những ý tưởng mới trong công việc của tôi đã phát sinh trong khi tôi nấu cơm, lau nhà...
Mọi người sẽ hỏi, lúc đó chồng con tôi làm gì? Các con tôi thì đi học, còn ông xã, nếu có ở nhà thì sẽ phụ lặt vài cọng hành, giã tỏi ớt làm nước mắm, dọn chén đĩa... Cơm nước xong, tôi rửa chén, còn anh lau bàn.
Tôi đã sống như thế 20 năm và thấy hài lòng với lựa chọn của mình. Hiện tại, tôi không có gì phải lấn cấn trong việc mình có phải là người phụ nữ mà ông xã yêu thương nhiều nhất hay không? Tôi tin đó là sự thật. Anh yêu tôi bằng tình yêu thương, sự biết ơn, trách nhiệm đối với các con.
Có thể ngoài kia, bên anh có nhiều người phụ nữ trẻ hơn, đẹp hơn, thành đạt hơn và nhiều khi anh cũng thú thật là mình "choáng váng" trước một nhan sắc nào đó. Thế nhưng, anh không mơ tưởng xa vời, không ham muốn sở hữu những hào nhoáng ấy và bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình bởi anh nghĩ "cái mình đang có là cái quý nhất".
Tuy nhiên, có một điều mà chính anh cũng thừa nhận và tôi cũng đã nghĩ đến. Có lần tôi hỏi anh, một cách rất nghiêm túc: "Nếu em chết bất tử thì anh có cưới vợ khác không?". Anh suy nghĩ giây lâu rồi gật đầu: "Chắc là có. Còn em?". Ý anh muốn hỏi nếu anh mất đi thì tôi có đi bước nữa hay không? Tôi trả lời ngay: "Không!".
Thú thật là tôi bị sốc trước câu trả lời của anh, nhưng sau đó tôi suy nghĩ kỹ và "ngộ" ra rằng đó mới chính là lời nói thật. Anh bảo người đàn ông thật ra rất yếu đuối và sợ cô đơn. Họ cũng không tự chăm sóc được bản thân mà luôn luôn muốn dựa dẫm vào một ai đó. Trong thực tế, không phải không có những người đàn ông sau khi vợ chết vẫn ở vậy suốt đời vì tình yêu mà họ dành cho người đã khuất quá lớn và không thể thay thế. Nhưng anh nói với tôi rằng số người như vậy không nhiều và họ là những "bậc vĩ nhân".
Bây giờ, thỉnh thoảng vẫn có người nói với tôi: "Mày ngu quá. Cứ làm như trâu vậy rồi mai mốt chết bất đắc kỳ tử, thằng chồng nó cũng đi lấy vợ khác. Lúc đó ở dưới mồ khóc hận". Tôi chỉ cười. Nếu đúng như vậy thì tôi cũng chẳng việc gì phải khóc hận bởi khi thật lòng yêu thương một ai đó thì hạnh phúc của người đó cũng chính là của mình. Nếu một mai tôi mất đi mà có người phụ nữ nào khác cũng yêu thương chồng tôi như tôi đã từng yêu thương thì ở dưới mồ, tôi phải vui chứ sao lại khóc hận?
Đàn ông vốn yếu đuối và sợ cô đơn; phải có ai đó để bầu bạn, chăm sóc lúc ấm lạnh. Họ có người phụ nữ khác khi vợ mất đi không phải vì trước đó tình yêu dành cho vợ không đủ lớn, không đủ sâu sắc mà bởi vì họ cần tiếp tục sống chứ không thể chôn vùi cuộc sống dưới nấm mồ của vợ.
Tôi đang suy nghĩ như vậy. Nhưng tôi thấy mình có vẻ lạc lõng trước suy nghĩ được xem là thực tế của nhiều người hiện nay. Xin hãy nói với tôi: Có nên tiếp tục suy nghĩ như thế hay là dừng lại và đổi thay?/.