Vợ chồng tôi tỉnh ngộ trong chi tiêu sau cú sốc gia đình
Sự việc chồng đi viện tốn mất 30 triệu đồng mới khiến chị Phương Hoa nhận ra cách chi tiêu của gia đình mình quá dở, phải thay đổi.
Từ khi kết hôn đến nay (năm 2012), tổng thu nhập của vợ chồng tôi dao động từ 17-22 triệu/tháng. Vợ chồng đều làm văn phòng, làm công ăn lương nên thu nhập không có nhiều đột biến. Chúng tôi có một cô con gái 4 tuổi, đang học ở một trường mầm non công lập. Chúng tôi đã có nhà riêng do bố mẹ cho nên không cần phải tiết kiệm để mua nhà, có lẽ vì thế mà chi tiêu cũng thiếu kiểm soát hơn.
Ảnh minh họa |
Tính đến tháng 4 năm ngoái, chúng tôi chưa bao giờ có được một khoản tiền tiết kiệm nào, gần như tháng nào tiêu hết tháng đó, nhiều tháng phải đi vay người quen để tiêu, đến khi lấy lương thì trả. Vợ chồng lương gần bằng nhau (lương của tôi nhỉnh hơn khoảng 1-2 triệu), mạnh ai người lấy tiêu, không cãi nhau vì tiền nhưng cũng không mấy hài lòng với cách tiêu tiền của nhau.
Sau khi kết hôn, ban đầu chồng đưa thẻ ATM của anh cho tôi giữ. Vài ngày, anh lại xin tiền đi nhậu với bạn, vài ngày lại đề xuất mua món này món kia... Một lần tôi đưa thẻ ATM để chồng tự đi rút, anh giữ lại luôn, tôi cũng không đòi về nữa, chỉ yêu cầu anh có trách nhiệm đóng tiền học, tiền mua sữa công thức cho con, đóng tiền điện nước hàng tháng.
Lương của tôi dùng để chi tiêu cho cá nhân tôi, mua các nhu yếu phẩm cho gia đình, chi tiêu ngoại giao nếu là người quen của cả hai vợ chồng. Nếu có ý định đi chơi xa, hai vợ chồng chia nhau, mỗi người bỏ một nửa, đi chơi loanh quanh trong thành phố thì lúc người này trả, lúc người kia trả.
Kể từ ngày cưới đến giờ, vợ chồng tôi không sắm sửa được món đồ gì gọi là lớn cho gia đình. Máy giặt, tủ lạnh, điều hòa, tủ gỗ, tivi, giường nệm, thậm chí cả cái lò vi sóng... tất cả đều được mua cách đây 4 năm. Nhìn lại kết quả 4 năm sống chung, vẫn đi làm đều đặn, chúng tôi chẳng có thêm được thứ gì ngoài cô con gái và ít đồ dùng của bé.
Tháng 4 năm ngoái xảy ra một sự việc khiến chúng tôi phải nghiêm túc nhìn nhận lại cách chi tiêu của mình: chồng tôi phải vào viện vì bị sỏi thận, rồi bệnh nọ ra bệnh kia, chi phí hết gần 30 triệu. Lúc đó, chúng tôi không có đồng nào trong túi, buộc phải mang cái lắc vàng và cái dây chuyền được tặng từ hồi cưới đi bán.
Sau khi chồng ra viện, cả hai vợ chồng ngồi lại, nói chuyện với nhau vì thấy khả năng tiết kiệm của mình quá dở. Chúng tôi đều ngạc nhiên vì gia đình không sắm sửa gì, vợ chồng cũng không thuộc dạng ăn diện, cũng không thường xuyên đi du lịch như hồi chưa cưới mà tiền không biết tiền đi đâu. Ai cũng tưởng người kia có tiền, hóa ra toàn đang mắc nợ. Chồng khai đang nợ bà dì 5 triệu (vay từ lần sửa xe cách đây một năm mà chưa trả), nợ linh tinh mấy anh em bạn bè cộng lại cũng khoảng 5 triệu (chủ yếu là sau những lần góp nhậu).
Tôi cũng vay cô bạn thân 5 triệu (vì mua bảo hiểm nhân thọ cho con gái, đến kỳ đóng không đủ tiền phải đi vay bạn).
Hai vợ chồng quyết định sẽ chi tiêu nghiêm túc để trả hết nợ, đồng thời cũng cần phải tích lũy thì mới mong về già có tiền mà tiêu.
Chúng tôi bắt đầu lập một cuốn sổ, ghi chi tiết những chi tiêu của mình. Từ khoản mừng đám cưới một triệu cho đến tiền mua trái chanh chỉ một nghìn, tôi đều ghi vào sổ.
Sau hai tháng ghi sổ chi tiết, tôi phát hiện ra tôi tốn tiền nhất cho các khoản đi siêu thị. Hồi đó, cuối tuần nào tôi cũng đi siêu thị, mua thức ăn cho cả tuần, mỗi lần thanh toán đều lên đến tiền triệu. Trong đó có rất nhiều thứ linh tinh đắt tiền nhưng mua xong về bỏ xó như vài món đồ nhựa thấy đẹp nên mua, kem, bánh kẹo ngoại, nước ngọt... mà con tôi sau đó ăn không hết lại đem cho, những món đồ chơi linh tinh cho con.
Một tháng tôi tốn khoảng 8 triệu tiền mua sắm ở các loại siêu thị. Chả thế mà tôi đã có thẻ VIP ở cả mấy siêu thị gần nhà. Tôi trả bằng thẻ tín dụng nên lúc trả tiền không có cảm giác là mình đã lãng phí.
Còn chồng tôi, tốn kém nhất là những cuộc nhậu với bạn bè, tuần nào cũng có vài ba cuộc nhậu, đi ăn nhiều thì cũng phải bỏ tiền ra mời lại, hoặc ít ra cũng phải "campuchia". Và đây chính là nguyên nhân khiến chồng tôi phải vay nợ bạn bè.
Ngoài ra là tiền thuốc lá cà phê, một ngày hết một bao thuốc và ba ly cà phê, thế là đã mất gần 100.000. Ngoài ra, đi đón con, anh cũng hay mua đồ linh tinh cho con: một quả bóng bay, một gói snack, tính ra một tháng cũng tốn 500.000 đồng.
Từ khi phát hiện ra những khoản chi tiêu lãng phí khiến chúng tôi không thể tiết kiệm, hai vợ chồng quyết định giảm bớt. Hiện giờ, mỗi lần đi siêu thị, tôi luôn cầm theo một danh sách những thứ mình định mua, không bao giờ vui tay nhặt thêm cho vào giỏ hàng. Tôi cũng giảm bớt thói quen đi siêu thị, một tháng chỉ đi một lần.
Thay vào đó, tôi mua hơn chục cái thau nhựa để trồng rau ở nhà. Chồng tôi tự pha cà phê, cai thuốc lá, từ chối các cuộc nhậu với bạn. Cả hai cùng bớt mua đồ chơi, bánh kẹo và quần áo cho con. Thời gian không nhậu nhẹt, không siêu thị, chúng tôi dành để chơi thể thao với nhau.
Chồng lại đưa thẻ ATM cho tôi giữ. Mỗi tháng, ngay khi nhận lương, tôi chuyển luôn một triệu sang một tài khoản tiết kiệm trực tuyến, dồn cuối kỳ đóng bảo hiểm cho con, chuyển 20% thu nhập vào một tài khoản tiết kiệm khác. Chúng tôi cố gắng chi tiêu trong khoản tiền còn lại, cuối tháng nếu dư thì mới đi ăn nhà hàng hay ra các khu vui chơi tốn tiền. Tôi cũng hạn chế mua sắm bằng thẻ tín dụng, cố gắng một tháng chỉ tiêu bằng thẻ trong khoảng 1 triệu.
Tính đến giờ sau gần một năm thắt lưng buộc bụng, vợ chồng tôi tạm trả các khoản nợ lặt vặt và đã tiết kiệm được 40 triệu. Điều đáng nói là nhờ bớt nhậu nhẹt, cai thuốc lá, chồng tôi chăm chỉ làm việc hơn nên thu nhập cũng cao hơn chút xíu./.