Sinh tồn trên biển khát
Ở nhà giàn DK1 không thiếu nước ngọt mới là chuyện lạ. Trong nhiều thứ hiếm, thì nước ngọt là “mặt hàng” hiếm nhất
Ở nhà giàn, các chiến sĩ đêm ngày phải gồng mình với những trận gió cuồng phong, nắng cháy da, khát cháy lòng và thường xuyên đối mặt với sự rình rập xâm phạm của tàu nước ngoài. Nhưng vượt lên tất cả sự khó khăn gian khổ, thiếu thốn ấy là tinh thần bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, để rồi sau những ngày sống ở nhà giàn trở về đất liền, ai cũng tự hào…
Tắm gió, tắm chậu
Mở đầu câu chuyện về nước ngọt ở nhà giàn DK1, Thiếu tá Chu Trọng Hiển đưa cho tôi xem bài thơ có tựa đề “Nước ngọt nhà lô”, thơ có đoạn: “Anh ở nhà lô/ nước ngọt được cấp một xô mỗi ngày/ đánh răng rửa mặt, rửa tay/ phần thừa dồn lại cuối ngày tưới rau”. Tôi đã có thâm niên công tác ở Nhà giàn 11 năm, nhưng quả thật phải lặng người khi đọc những vần thơ ấy.
Cùng với quần đảo Trường Sa, khu vực vùng biển thềm lục địa nơi 15 Nhà giàn đang đứng chân được coi là “vùng biển bão tố”. Một năm quân bình có 15 đến 20 cơn bão, áp thất nhiệt đới đi qua hoặc hình thành ngay trên vùng biển này. Thời tiết ở đây chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa biển lặng từ tháng 4 đến tháng 10, mùa bão tố từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau.
Nhà giàn DK1 vững vàng giữa ngàn khơi (ảnh Mai Thắng) |
Chính vì khí hậu khắc nghiệp ấy, nước ngọt ở nhà giàn luôn được coi là “hàng hiếm”. Ở Trường Sa, nước ngọt một phần được các chiến sĩ đào giếng lấy lên từ lòng biển, còn ở nhà giàn, nước ngọt được mang ra từ đất liền theo tàu thay trực vào tháng 3 hằng năm. Khi ấy, tàu nước của Vùng 2 Hải quân có phiên hiệu 935 chở gần 400 khối nước ngọt vượt sóng ra cấp cho mỗi Nhà giàn. Nước ngọt được bơm từ tàu lên giàn theo hệ thống ống nước.
Số nước được cấp, dù tiết kiệm lắm cũng không đủ dùng, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu hứng từ nước mưa trời. Mỗi nhà giàn có lượng nước dự trữ trong 6 tháng mùa khô, nhưng phải tiết kiệm từng phân mới có thể đủ sinh hoạt hàng ngày.
Bắt đầu ăn Tết xong, thời tiết ở nhà giàn vô cùng khắc nghiệt, đây cũng là mùa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nâng cao tinh thần cảnh giác bảo vệ nhà giàn. Để “công bằng”, chỉ huy đã lên “kế hoạch tắm” cho bộ đội: Mùa mưa 3 ngày tắm 1 lần, mùa khô tuần tắm 2 lần.
Có nhà giàn nước ngọt được giao cho người quản lý bếp ăn đong nước sẵn trong can nhựa, tuần mỗi người được dùng 1 can 30 lít cho cả tắm giặt. Nước thừa dồn vào một thùng để tưới rau, miễn không lẫn xà phòng và nước mặn.
Phát 5 lít thu về 3 lít.
Nói đến chuyện tiết kiệm nước ngọt thì không nhà giàn nào có thể “qua mặt” được công nghệ tiết kiệm ở nhà giàn Phúc Tần 2 do Thiếu tá Trang Hải Âu làm Chỉ huy trưởng. Việc sử dụng nước ngọt ở đây được quy định chi li. Tất cả rửa cá, rửa bát đều bằng nước biển. Anh em buộc dây thừng vào một chiếc can nhựa, sau muỗi buổi cơm chiều, chiến sĩ nấu cơm ngày đó thả can nhựa xuống biển, kéo nước lên qua dây ròng rọc. Nước biển được dự trữ trong thùng phi nhựa và “xài thoải mái”.
Để tiết kiệm nước, các chiến sĩ nhà giàn ngồi vào chậu tắm, nước thừa dành để tưới rau. (ảnh DK1) |
Bắt đầu từ tháng 10 dương lịch là phải tắm theo kế hoạch một người chỉ được tắm 1 lần/tuần. Thiếu tá Âu lên kế hoạch tiết kiệm bằng cách động viên anh em “tắm kiểu em bé”, tức là ngồi trong chậu để tắm. Có chiến sĩ tiết kiệm bằng cách lấy nước vo gạo nấu cơm buổi sáng để rửa mặt.
Nhiều hôm sau những bài chiến thuật “lăn, lê, bò, trườn” hoặc huấn luyện phương án sẵn sàng chiến đấu, phương án rời trạm, mồ hôi nhễ nhại, các chiến sĩ rủ nhau lên sân thượng ngồi “tắm gió”, người này kỳ ghét cho người kia, ghét ra bở như vỏ khoai lang.
Cũng có chiều mặt biển yên sóng, anh em nhảy ùm xuống tắm, nước ngọt chỉ tráng sau cùng. Họa huần có cơn mưa trái mùa, anh em chạy ào ra thả mình trong cơn mưa. Người lấy xô, người mang chậu, tận dụng tối đa những vật dụng có thể để hứng nước mưa. Việc rửa nhà, lau sàn cũng chỉ rửa vào những ngày mưa rào như thế.
Do khan hiếm nước ngọt nên cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 trong sinh hoạt hàng ngày chủ yếu mặc quần đùi áo lót. Quần áo quân phục chỉ mặc trong những ngày Tết, hoặt khi có đoàn khách từ đất liền ra thăm. Những lúc ấy, anh em như khoác trên mình màu áo mới. Có khi cả năm mới mặc quần áo quân phục và giặt một lần.
Nói về việc tiết kiệm nước ngọt, Thiếu tá Trang Hải Âu chia sẻ: “Tiết kiệm nước ngọt ở các nhà giàn DK1 vừa là quy định, vừa là nghệ thuật. Càng đến mùa khô, càng phải tiết kiệm. Tôi phát cho bộ đội 5 lít thì phải thu về 3 lít để tưới rau. Nhà giàn nào cũng làm như thế. Khi khách từ đất liền ra thăm, việc đầu tiên họ quan tâm là nước ngọt và rau xanh. Có người lần đầu tiên đến nhà giàn hỏi, ở đây có thiếu nước ngọt không? Tôi bảo: Ở nhà giàn DK1 không thiếu nước ngọt mới là chuyện lạ. Trong nhiều thứ hiếm, thì nước ngọt là “mặt hàng” hiếm nhất. Càng gian khổ, càng yêu Tổ quốc, yêu biển đảo, tôi thấy ý nghĩa vô cùng trong những ngày sống ở đây”./.